Báo Công An Đà Nẵng

40 năm truyện ngắn Đà Nẵng

Thứ sáu, 27/03/2015 10:26

(Cadn.com.vn) - 40 năm từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đến nay là khoảng thời gian nối liền hai thế kỷ XX và XXI với những biến động và thay đổi lớn lao của đất nước trong công cuộc hòa bình xây dựng, đổi mới và phát triển. Cùng với cả nước, 40 năm qua, TP Đà Nẵng đã có bước chuyển mình ngoạn mục, từ một đô thị nhỏ bé, phụ thuộc, bị chiến tranh tàn phá nặng nề vươn lên thành đô thị loại I trực thuộc trung ương, trung tâm chính trị-KT-VH của miền Trung-Tây Nguyên, trở thành "thành phố đáng sống"-niềm tự hào của người dân thành phố và mơ ước có thể nói là của cả nước...

Được sống, làm việc và sáng tác trong không khí sôi động, phát triển không ngừng đó của thành phố, trong những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng nói chung, nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ Đà Nẵng nói riêng nối tiếp nhau cùng hòa mình vào sự đi lên mỗi ngày của đất nước, của thành phố thân yêu; thầm lặng nhưng nỗ lực hết mình trong từng trang viết với hy vọng góp phần xây dựng nên một diện mạo văn học Đà Nẵng khởi sắc, phát triển ngang tầm với sự phát triển của TP. Sự nỗ lực của nhiều tác giả đã được ghi nhận bởi các giải thưởng VHNT quốc tế, quốc gia, trung ương và các giải thưởng VHNT TP.

Nhằm có một bước sơ kết văn học Đà Nẵng 40 năm qua, BCH và Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn TP trong những năm qua đã triển khai nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm và tổ chức biên soạn, xuất bản một số đầu sách. Về Thơ, đã xuất bản Tuyển Thơ Đà Nẵng 1997-2012 (NXB Đà Nẵng, 2013) giới thiệu 262 bài thơ của 131 tác giả Đà Nẵng các thế hệ và Hội thảo "Thơ Đà Nẵng sau 1975" vào tháng 5-2013, Tọa đàm "Thơ Đà Nẵng hôm nay" dịp Ngày thơ Việt Nam năm 2015. Về văn xuôi, đã tổ chức biên soạn và xuất bản tập "Bút ký Đà Nẵng" do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2011, giới thiệu 37 bút ký tiêu biểu của 37 tác giả Đà Nẵng đã có nhiều thành tựu về thể loại văn học này trong 40 năm qua.

 

Tiếp tục chuỗi hoạt động đó, năm 2013, Ban Chấp hành và Hội đồng nghệ thuật Hội Nhà văn Đà Nẵng đã biên soạn Tuyển tập "Truyện ngắn Đà Nẵng 1975- 2015" với hy vọng có một bước tổng kết và nhìn nhận lại chặng đường phát triển 40 năm qua của thể loại văn học quan trọng và được chú ý bậc nhất này, ghi nhận sự đóng góp của các cây bút truyện ngắn Đà Nẵng trong 40 năm qua. Nguồn tư liệu tác phẩm chủ yếu mà Ban biên soạn sưu tầm và chọn lọc là từ các báo, tạp chí văn học, các tuyển tập văn học đã xuất bản và các tác phẩm truyện ngắn đoạt giải trong 40 năm qua của các tác giả người Đà Nẵng, sinh ra lớn lên hoặc sống và lao động, cống hiến trên quê hương Đà Nẵng, người Đà Nẵng xa quê...

Tháng 1-2015, "Truyện ngắn Đà Nẵng 1975-2015" đã được Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành với trên 500 trang sách khổ 14,5x20,5; giới thiệu 46 truyện ngắn tiêu biểu của 46 tác giả các thế hệ nhà văn Đà Nẵng. Nhìn tổng thể, "Truyện ngắn Đà Nẵng 1975-2015" có thể nói là một sự tập hợp đa dạng các cây bút truyện ngắn Đà Nẵng đa thế hệ. Các nhà văn chống Mỹ tuy vẫn chung thủy với đề tài chiến tranh cách mạng nhưng cũng đã bắt đầu tiếp cận với những vấn đề hậu chiến như Phan Tứ với "Em Dé", Lưu Trùng Dương với "Chó Gôm và chó Đốm", Thái Bá Lợi với "Hai người bán mực khô ở Viêng Chăn", Thanh Quế với "Người khách lạ", Phạm Phát với "Quê ngoại", Nguyễn Bá Thâm với "Làng đầu nguồn", Hoàng Trọng Dũng với "Trò chuyện với mưa", Đoàn Xoa với "Bảo lãnh sang Mỹ", Hoàng Minh Nhân với "Thành phố trước mặt"...;  các nhà văn miền Nam sáng tác trước năm 1975 đã hòa mình vào cuộc sống mới và tiếp tục cất lên tiếng nói riêng của mình trong những trang viết mới như Nguyễn Văn Xuân với "Đêm tân Liêu trai", Ngô Thị Kim Cúc với "Vô ngôn", Nguyễn Nhã Tiên với "Thanh âm một tình yêu", Trần Trung Sáng với "Ga nhỏ"...; thế hệ các nhà văn trưởng thành sau 1975 đã giữ một vai trò như là những cây bút chủ lực của giai đoạn Đổi mới, dồn sức tiếp cận và khai thác các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hiện đại đa chiều như Phạm Ngọc Cảnh Nam với "Đồng dao", Quế Hương với "Nước mắt khô", Hồ Trung Tú với "Chiếc lông ngỗng Mỵ Châu", Đỗ Phước Tiến với "Kẻ đền ơn", Đoàn Bích Hồng với "Cửa thiên đường chật hẹp", Đà Linh với "Trò chơi tiếp tục", Nguyễn Kim Huy với "Mối tình đầu", Trần Kỳ Trung với "Má Sáu", Bùi Tự Lực với "Thằng câm", Đỗ Xuân Đồng với "Hạnh phúc của con cá rô đồng", Đinh Thị Như Thúy với "Làm thế nào để ra khỏi những giấc mơ", Nguyễn Hữu Hồng Minh với "Ngày lạ", Nguyễn Thị Anh Đào với "Hạc phù dung"... Sự tổng hòa của một đội ngũ sáng tác nhiều thế hệ như vậy đã đem lại cho "Truyện ngắn Đà Nẵng 1975-2015" sự phong phú sinh động nhiều tầng bậc về nội dung biểu đạt, sự đan xen đa dạng nhiều sắc thái trong thi pháp thể hiện, phong cách ngôn ngữ và kết cấu, sự phong phú cuốn hút đa chiều về chủ đề - đề tài...

Trong lời giới thiệu "Vài nét về truyện ngắn Đà Nẵng 40 năm qua", nhà văn Thanh Quế nhận định: "...Đến hôm nay, chúng ta đã có thêm hàng chục cây bút viết văn xuôi - trong đó hầu hết là viết truyện ngắn. Làm sao không mừng khi chúng ta có những tác giả đã có bản sắc riêng, cách viết riêng, xông xáo vào mọi ngõ ngách, mọi đề tài dù là chiến tranh hay xây dựng cuộc sống, dù là sinh hoạt hay vấn đề đạo đức xã hội... để viết, đã đạt nhiều giải thưởng ở địa phương và Trung ương, có tiếng vang vượt khỏi vùng đất chúng ta..." và khái quát lên một hình ảnh khá chân thực và chí lý để kết luận về diện mạo truyện ngắn Đà Nẵng 40 năm qua: "Trên mặt nổi thì chúng ta chưa có những tác phẩm gây xôn xao dư luận. Và cũng không có những tác phẩm xô bồ, phù phiếm, chạy theo thị hiếu rẻ tiền. Bạn có thể bằng lòng với sự tạm ví của tôi như thế này không: truyện ngắn Đà Nẵng như một bà mẹ xứ Quảng gan lì trụ bám trên mảnh đất của mình, thật sự anh dũng đấy, thực sự có công lao đấy, thực sự có đóng góp đấy, nhưng người ta ít nhắc đến như những chiến công vang dội. Có thể ví như thế chăng?"...             

Còn tôi, rất muốn bổ sung thêm: "Bạn đọc hãy đọc truyện ngắn Đà Nẵng với tư thế trầm lắng như khi chiêm ngưỡng tượng đài Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chứ đừng đọc với đôi mắt rạo rực mong đợi của những thành viên ban giám khảo trước cuộc thi chung kết hoa hậu áo dài Việt Nam rạng rỡ và quyến rũ, bạn sẽ nhận ra được những đóng góp đúng mức của truyện ngắn Đà Nẵng vào nền văn học hiện đại nước nhà. Khi đọc từng trang truyện ngắn của từng tác giả với sự chăm chú trầm tĩnh,  bạn sẽ nhận ra diện mạo truyện ngắn Đà Nẵng 40 năm qua! Xin được trân trọng giới thiệu tuyển tập "Truyện ngắn Đà Nẵng 1975-2015" đến bạn đọc như một công trình tâm huyết của các nhà văn Đà Nẵng chào mừng 40 năm ngày giải phóng thành phố.

Nguyễn Kim Huy