Báo Công An Đà Nẵng

40 năm võ đường Bạch Hổ Lâm trên đất Đà thành

Thứ bảy, 04/01/2020 19:00

Sử sách  ghi  rằng, môn phái Bạch Hổ Lâm tiền thân là môn phái Võ Sinh Tồn, do Tiên sinh Lý Tự Nhiên có Đạo hiệu là Bạch Hổ Thiền sư sáng lập vào thế kỷ XV, trên cơ sở kế thừa và phát huy tinh hoa võ thuật của môn phái Nam Thiếu Lâm và Bắc Thiếu Lâm. Trải qua bao biến cố của lịch sử, môn phái du nhập vào đất Việt từ thế kỷ XVIII, những đệ tử chân truyền của Bạch Hổ Lâm phái  dần di chuyển về phía Nam và dừng chân tại thành phố bên bờ sông Hàn từ năm 1965. Vị Chưởng môn đời thứ 8 của môn phái là Võ sư Đặng Văn Vàng đã mở võ đường tại đây. Năm 1980, Câu lạc bộ (CLB) võ thuật cổ truyền Bạch Hổ Lâm chính thức thành lập, đầu năm 2020 này, hàng trăm môn sinh, đệ tử của môn phái Bạch Hổ Lâm  long trọng tổ chức ngày giỗ tổ và Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập CLB - võ đường Bạch Hổ Lâm, tại TP Đà Nẵng.

Đại Võ sự Hồ Văn Giáo - Chưởng môn đời thứ 9 môn phái Bạch Hổ Lâm.

Ngôi nhà của Đại Võ sư Hồ Văn Giáo -  Chưởng môn phái Bạch Hổ Lâm đời thứ 9, Phó Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Đà Nẵng nằm  trong một con kiệt nhỏ số 18/4-Nguyễn Văn Thoại, P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng, cũng là nơi đặt bàn thờ vị Tổ sư của môn phái võ huyền thoại này. Đại Võ sư Hồ Văn Giáo năm nay đã gần bước vào tuổi 70, nhưng ông vẫn còn tráng kiện lắm… Đại Võ sư Hồ Văn Giáo tâm sự: Ông sinh năm 1951, tại một làng quê thượng nguồn sông Thu Bồn - Quế Lộc, Nông Sơn, Quảng Nam. Vốn ham thích võ thuật từ nhỏ, năm 1960, vừa tròn 9 tuổi,  ông Giáo may mắn được gặp Võ sư Hùng Sơn - một võ sư thuộc phái võ cổ truyền dân tộc ở Quảng Nam truyền dạy về môn roi, đây cũng chính là người đã khai tâm võ thuật cho ông. Tiếp tục trên đường học hỏi, ông lại may mắn gặp được Đại Võ sư Đặng Văn Vàng. Nhận thấy ông là một học trò siêng năng, sáng dạ, có đạo đức, tinh thần thượng võ, Đại Võ sư  Đặng Văn Vàng đã tận tình truyền thụ những tinh hoa võ thuật của Bạch Hổ Lâm cho ông Giáo. Sau nhiều năm ròng rã khổ luyện với sự truyền thụ, chỉ bảo tận tình của sư phụ Vàng, ông Giáo đã học hết thập bát ban võ nghệ, đạt đẳng cấp cao về nội công, ngoại công, tinh thông các bài quyền và binh khí của môn phái Bạch Hổ Lâm.

Đại Võ sư Giáo giảng giải, vì sao môn phái lại có tên là Bạch Hổ Lâm. Hổ là một trong những hình tượng quyền lực, chỉ đứng sau rồng, trong nhóm ngũ hành quyền: Long, Hổ, Xà, Hạc, Báo. Hổ quyền là mô phỏng động tác tấn công, phòng thủ của loài hổ. Hổ chỉ tấn công trong trường hợp tự vệ và có khả năng chiến đấu rất cao, dũng mãnh. Đây cũng là đặc trưng của môn phái Bạch Hổ Lâm.   Từ hình tượng là con hổ, người học võ phải luyện gân cốt, chỉ lực cùng sự vững chãi nhanh nhẹn. Yếu chí quyền pháp dũng mãnh, uy nghiêm nhằm phát huy nội lực. Biến đổi tình trạng gân cốt, có sức bền bỉ dẻo dai, linh hoạt, phát kình nội lực, phát nổi ngoại công…Hồi đó, tại võ đường Bạch Hổ Lâm còn có các võ sĩ nổi danh khác như Hổ Lâm Thi, Hổ Lâm Tùng, Hổ Lâm Phước cùng với Hổ Lâm Giáo trở thành tứ trụ đồng môn thi đấu giành được nhiều giải cao trong những năm từ 1969-1978, là những HLV xuất sắc của võ đường Bạch Hổ Lâm.

Ngày 16-1-1980, được sự đồng ý của Sở Văn hóa Thông tin-Thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), CLB bộ môn võ thuật cổ truyền môn phái Bạch Hổ Lâm được thành lập tại P. Phước Mỹ (thuộc Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng ngày nay), dưới sự chủ trì phụ trách của Đại Võ sư Đặng Văn Vàng. Do tuổi cao sức yếu, năm 1990, Võ sư Đặng Văn Vàng từ trần. Sau khi họp toàn thể Võ sư, HLV và các môn sinh, thống nhất bầu Võ sư Hồ Văn Giáo lên làm Chưởng môn phái Bạch Hổ Lâm truyền nhân đời thứ 9. Không phụ lòng sư phụ, không phụ niềm tin của các võ sư, trợ giáo đồng môn, Võ sư Giáo đã truyền thụ một cách nhiệt tình những tuyệt kỹ của môn phái cho các môn đệ của mình. Võ đường Bạch Hổ Lâm thường xuyên có nhiều võ sĩ thượng đài đem về thắng lợi, như các võ sĩ Hổ Lâm Tri (Trung tá Nguyễn Chính Tri-nguyên Trưởng CAP Phước Mỹ, Q. Sơn Trà), Hổ Lâm Khanh (tức Hà Văn Khanh), Hổ Lâm Tân (tức Đặng Thái Tân), Hổ Lâm Minh (tức Trần Văn Minh), Hổ Lâm Sơn (tức Nguyễn Hùng Sơn), Hổ Lâm Hân (tức Võ Công Hân), Hổ Lâm Kim (tức Trần Văn Kim), Hổ Lâm Phong (tức Trần Văn Phong), Hổ Lâm Hùng (tức Phạm Mạnh Hùng), Hổ Lâm Nghĩ (tức Trần Đình Nghĩ), Hổ Lâm Tuấn (tức Phan Văn Tuấn), Hổ Lâm Hùng (tức Bùi Văn Hùng), Hổ Lâm Tuấn (tức Trần Thanh Tuấn)…và các võ sĩ khác . 

Các em thanh thiếu niên Q. Sơn Trà tham gia học tập võ thuật tại CLB môn phái Bạch Hổ Lâm.

40 năm hình thành và phát triển môn phái đã có 40 CLB tại nhiều tỉnh thành trên cả nước từ Bắc chí Nam,  tham gia phát triển phong trào Võ thuật cổ truyền Việt Nam. Môn phái được Liên đoàn Võ thuật Cổ truyền Việt Nam cấp bằng cho 2 đại võ sư, 1 võ sư cao cấp, 40 võ sư, 50 chuẩn võ sư, hơn 100 trợ giáo các cấp,  hàng năm thu hút hàng nghìn thanh thiếu niên đến tham gia sinh hoạt tập luyện. Các CLB đã tham gia thi đấu, hội diễn ở các giải quốc gia, khu vực, tỉnh, thành phố đều đạt huy chương vàng, bạc, đồng mang về nhiều thành tích cho địa phương và môn phái. Môn phái đã được nhận nhiều phần thưởng, Bằng khen, Giấy khen từ Trung ương đến địa phương  góp phần đáng kể trong phong trào Võ thuật Cổ truyền Việt Nam. 

Đại Võ sư Hồ Văn Giáo tâm sự: "Trong sự phát triển chung của nền võ thuật cổ truyền cả nước, môn phái Bạch Hổ Lâm hướng tới mục tiêu sẽ phổ cập rộng rãi đến mọi địa phương, nhằm phát huy truyền thống cả về chất và lượng của môn phái. Thực tế nhiều năm qua, từ phong trào tập luyện đã có hàng nghìn thanh thiếu niên tham gia, nhiều em đã trở thành tấm gương điển hình, dùng sở trường võ thuật đã học được tham gia giữ gìn ANTTXH tại địa phương. Đã có nhiều CBCS của lực lượng CA, quân đội,  tham gia tập luyện để nâng cao sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mục tiêu hướng tới của môn phái Bạch Hổ Lâm là chú trọng tới các em thanh thiếu niên, bởi tập võ thuật, các em sẽ có thân thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn, lối sống trung thực, tâm hồn cao thượng để giao tiếp, học tập tốt, lao động tốt, sẵn sàng đấu tranh cho lẽ phải và có nhân cách hướng thiện...".

HỒNG THANH