45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đầu tiên là công việc đối với con người”
(Cadn.com.vn) - Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc là vấn đề con người. Trong bản bổ sung tháng 5 - 1968, ngay sau khi nói về chỉnh đốn Đảng, Người viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Lo cho con người và vì con người là mối quan tâm tối thượng của Hồ Chí Minh. Người từng nói: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước thương dân, thương nhân loại bị đau khổ áp bức”.
Nhận định về tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Cho phép tôi hiểu rằng tầm cỡ của một hiền triết chưa hẳn ở chỗ giải quyết mối tương quan giữa tồn tại và tư tưởng, ở chỗ giải quyết thế giới là thực tại hay là ảo ảnh, khả tri hay bất khả tri, ở chỗ giáo điều quen thuộc hay mới lạ, mà chung quy là mức quan tâm đến con người, con người thật đang phải sống trên trái đất này và chắc còn sống đến vô tận thời gian, lấy đó làm trung tâm của mọi sự suy tư và chủ đích của mọi hành động.
Cụ Hồ thuộc loại hiền triết đó, vì đó mà Cụ lớn, vì đó mà ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Cụ”. Tư tưởng nhân đạo vì con người của Bác không chỉ làm cho mọi người Việt Nam xúc động mà cả người nước ngoài cũng ngưỡng mộ. Nhà chính trị học người Mỹ Rôbớt Uyliam phát biểu: “Nếu nước Mỹ chúng tôi có được một lãnh tụ đầy lòng nhân đạo và quyết tâm như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chắc chắn nước Mỹ sẽ đóng góp rất nhiều vào sự nghiệp của nhân loại”.
Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vào tháng 3-1962. |
Hồ Chí Minh là một nhà nhân đạo cộng sản mẫu mực. Xuất phát từ tình thương yêu đồng bào bị đọa đày đau khổ mà Người đã ra đi tìm đường cứu nước và trên hành trình bôn ba tìm đường đi cho dân tộc, Người đã tận mắt thấy và cảm thông với nhân loại cần lao trên thế giới. Trong lúc đất nước còn chiến tranh, Người đau xót khi nghe tin những người con yêu của Tổ quốc phải hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Người nói rõ lòng mình: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột”, và “Ở miền Nam Việt Nam... mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Người cũng cảm thông cho những người lầm đường lạc lối và tin tưởng vào sự quay về với chính nghĩa của họ, vì “Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”.
Trong Di chúc, Người dành tình cảm yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp người trong xã hội. Người nhắc nhở: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần “tự lực cánh sinh”. Với liệt sĩ và thân nhân của thương binh, liệt sĩ, Người lưu ý “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi lại sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
Với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương “phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Với những chiến sĩ trẻ tuổi và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu, “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc”. Với đoàn viên và thanh niên nói chung là những người “hăng hái, có chí tiến thủ, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”.
Nếu như với thân nhân liệt sĩ, Người nhấn mạnh “quyết không để họ bị đói rét” thì với phụ nữ, Người nhắc nhở Đảng và Chính phủ “cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”, phải thực hiện “quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”, vì phụ nữ đã “góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất”, đồng thời Người cũng nhắc nhở “bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”. Với nhân dân lao động nói chung, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Riêng với đồng bào là nông dân Người đề nghị khi công cuộc kháng chiến thắng lợi cần “miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Càng xúc động hơn, khi cả với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,... Người cũng không quên sự quan tâm đối với họ trong bản Di chúc để lại. Theo Người “Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lương thiện”.
Những lời cuối cùng của một vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước mà đọc lên mọi người đều nhận thấy như một người cha căn dặn lại những điều tâm huyết nhất của cả cuộc đời mình, và “để lại muôn vàn tình yêu thương” cho gia đình trước lúc đi xa, khiến cho ai cũng không nén nổi xúc động. Nó truyền đến một tình cảm lớn, một niềm tin để mọi người vững bước đi lên. Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, Đảng đã lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công.
Tuy nhiên, 10 năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do gặp quá nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, lại phải tiến hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, và ở vào thế bị các nước đế quốc bao vây cấm vận nên các vấn đề xã hội khó được quan tâm đầy đủ, chỉ mới dừng lại ở chỗ cố gắng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất của nhân dân. Từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới, các vấn đề xã hội và chính sách xã hội đối với con người được Đảng đặt trong tổng thể đời sống xã hội và các chính sách phát triển khác.
Các giai cấp, tầng lớp trong xã hội được đánh giá đúng với vai trò, vị trí của mình trong khối đại đoàn kết dân tộc và trong nguồn lực phát triển của đất nước. Nhà nước đã dành nhiều đầu tư cho chính sách xã hội – vì con người. Tỷ trọng chi ngân sách để thực hiện phúc lợi xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, lương hưu, đảm bảo xã hội... luôn tăng qua các năm. Chính sự đánh giá, quan tâm, đầu tư đúng đắn đó đã đem lại những kết quả ấn tượng. Phúc lợi xã hội và hệ thống an sinh được chú trọng và từng bước mở rộng. Hầu hết các mục tiêu Thiên niên kỷ đặt ra cho năm 2015 đều đã đạt và vượt vào năm 2008.
Tuổi thọ bình quân của người dân trong hơn 10 năm qua đã tăng từ 67 lên 72,8 tuổi. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Mức độ biết chữ (trên 15 tuổi) đạt 93,8%. Tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói đã được xóa bỏ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu người. Bình đẳng nam nữ được tăng cường và vị thế của người phụ nữ đã được nâng cao...
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung và phát triển năm 2011), Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Đảng chủ trương không chỉ kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội mà còn phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; quan tâm tốt vấn đề an sinh xã hội và xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đoàn kết, đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi để cùng đóng góp vào sự phát triển bền vững, nhân văn của đất nước.
PGS-TS. Ngô Văn Minh