48 giờ kinh hoàng của công nhân thủy điện Đắk Mi 2
Trên đường tháo chạy ra khỏi rừng, những công nhân đã thoát nạn trong vụ lũ quét chiều 28-10 tại xã Phước Lộc, H. Phước Sơn, Quảng Nam vẫn còn thất thần khi nhớ đến khoảnh khắc kinh hoàng mà túi nước khổng lồ ập xuống sau những tiếng ầm ầm xé tan núi rừng. Chỉ chậm một khoảnh khắc hoặc sẩy chân trong khi tháo chạy thì không biết thảm nạn nào đã xảy ra.
Công nhân thủy điện Đắc Mi 2 tiếp tế lương thực cho nhau ngày lũ còn chia cắt. |
“Lũ cuốn phăng, chúng tôi thoát chết trong mấy giây”
Trên đường băng rừng từ xã Phước Công vào Phước Lộc để đến hiện trường vụ sạt lở khiến 13 người dân địa phương bị vùi lấp, chúng tôi đi qua nhà điều hành thủy điện Đắk Mi 2, nơi có hàng chục công nhân đang thoát khỏi khu vực nguy hiểm bằng ròng rọc nối từ công trình với bìa rừng. Những người đã sang sông trước sẽ tiếp tế lương thực, áo ấm, áo phao cho người bên kia cầm cự chờ được kéo sang những đợt tiếp theo.
Qua mỗi quả đồi, con suối, đoàn chúng tôi bắt gặp nhiều thanh niên địa phương làm thuê trong thủy điện mệt mỏi cố thoát ra khỏi cánh rừng ám ảnh họ trong hàng chục giờ đồng hồ trong ngày lũ quét bao vây tứ phía. Mặt mũi lấm bùn, chưa hết nỗi lo sợ trên khuôn mặt, anh Hồ Quân (người xã Phước Chánh, H. Phước Sơn) kể lại cú tấn công bao vây theo thế gọng kìm của hai túi nước khổng lồ trong buổi chiều 28-10. Khi hàng chục người cả công nhân của nhà máy thủy điện và thanh niên địa phương làm thuê đang tập trung gò hàn, dựng lán, chuyển vật liệu thì nghe tiếng ầm từ thượng nguồn, sau đó là âm thanh nối dài như đoàn tàu hỏa chạy về phía mình.
Ở trong từng lán, mọi người vừa kịp định thần nhìn lên thì dòng nước đục ngầu tràn bờ núi kéo theo cây cối ập về. Qua đến đâu, dòng lũ cuốn tất cả những gì trên đường đi. Mọi người vừa kịp hò hét nhau tháo chạy thì dòng lũ từ hướng Đắk Glei (Kon Tum) ập xuống cuốn phăng chiếc cầu bê-tông lớn bắc qua hai bờ sông rồi nhắm thẳng nhà điều hành lao tới. Tất cả tháo chạy về phía ngược lại thì nhánh sông Đắc Mi từ phía xã Phước Lộc cũng ầm ào tấn công khiến đoàn người tiến thoái lưỡng nan. “Chúng tôi chỉ còn một đường duy nhất là bám lấy các mỏm đá, cố hết sức leo lên núi, người trước kéo người sau. Lũ cuốn phăng tất cả, chúng tôi thoát chết trong mấy giây đồng hồ”, anh Quân bàng hoàng kể lại.
Cùng các đồng nghiệp gia cố ròng rọc để chuyển lương thực, áo ấm, áo phao cho những người còn mắc kẹt bên kia sông nhanh chóng thoát ra trước khi đợt lũ khác về, anh Dương Văn Minh, cán bộ làm việc tại nhà điều hành thủy điện Đắk Mi 2 kể, những đợt mưa lũ bình thường nước chỉ mấp mé dưới chân của công trình, nhưng cơn lũ trong bão số 9 dâng lên nửa trụ bê-tông tầng 1 chỉ trong mấy phút đồng hồ. Nhà điều hành thủy điện nằm giữa ngã ba của 2 nhánh sông từ thượng nguồn hợp về, một bên là dòng từ phía Đắk Glei tống xuống, một bên là từ xã Phước Lộc băng qua như một dòng xoáy nước tấn công nhau nuốt chửng tiếng kêu la, hò hét của hàng chục con người. “Lúc đó chúng tôi mất liên lạc hoàn toàn với các tốp công nhân khác trên các điểm đi lên phía thân đập. Chỉ cố gắng hỗ trợ nhau, đặt chân lên các mỏm đá ở sườn núi mới là sống. Đến ngày hôm sau mới biết 217 anh em khác ở phía đập dâng còn bị chia cắt nguy hiểm hơn. Nếu nước dâng thêm vài giờ thì không còn đường thoát”, anh Minh kể lại.
Nhà điều hành thủy điện Đắk Mi 2 bị lũ cuốn phăng nhiều hạng mục, phía xa là cây cầu bị đánh gãy đôi. |
Vừa thoát hiểm, thủy điện “mặc cả” cho công nhân ở lại
Sự cố lũ bao vây hơn 200 công nhân thủy điện Đắk Mi 2 khiến chính quyền, ngành chức năng H. Phước Sơn và Sở chỉ huy tiền phương thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đặt tại thị trấn Khâm Đức phải thức trắng đêm 28-10 để liên lạc, tìm phương án giải cứu. Điều may mắn là khi số công nhân mắc kẹt tại nhà điều hành, các điểm trên tuyến kết nối từ đây đến vị trí đập dâng của thủy điện bắt đầu đói rét, cạn kiệt lương thực thì mưa bắt đầu ngớt, nước lũ dù bao vây, ầm ào chảy xiết giữa dòng sông nhưng không dâng cao hơn. Được liên lạc, động viên kịp thời bằng ký hiệu, công nhân bắt đầu định thần, không còn hoảng loạn và cuối cùng đã được giải cứu ra khỏi khu vực chia cắt.
Dù đã tránh được thảm họa trong tình huống lành ít dữ nhiều nhưng ngay khi từng tốp công nhân được đưa ra khỏi hiện trường, chủ đầu tư thủy điện Đắk Mi 2 đã cắm khoảng 80 công nhân ở lại khu vực thân đập để... trông coi tài sản! Lý do mà chủ đầu tư đưa ra là lương thực đã được chuyển vào đủ dùng trong nhiều ngày, tâm lý công nhân đã ổn định, cần thiết phải có người ở lại để bảo vệ công trình. Ngay khi nghe được lời “mặc cả” này, Sở chỉ huy tiền phương đã không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư lập tức chấp hành lệnh rút người. Ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, người trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ tại Phước Sơn đã trực tiếp đến hiện trường nhà điều hành của thủy điện thăm hỏi sức khỏe, động viên công nhân, người lao động, nhưng ông cũng cương quyết yêu cầu tất cả phải rời khỏi hiện trường để đảm bảo an toàn trong thời gian mưa bão còn phức tạp. Trước lời “mặc cả” của chủ đầu tư thủy điện, Thượng tá Lê Trung Thành – Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam cương quyết bác bỏ và cho rằng thái độ này là chủ quan với mạng sống của công nhân, người lao động trước những diễn biến khó lường của thiên tai. “Làm sao đó thì làm, thủy điện Đắk Mi 2 phải đưa hết người ra khỏi công trình. Tính mạng con người là trên hết chứ không thể lấy cớ trông coi tài sản để bắt công nhân ở lại. Mất an toàn, sự cố xảy ra là khởi tố hình sự chứ không phải chuyện đơn giản”, Thượng tá Thành cương quyết.
Đến ngày 3-11, theo thông tin từ Sở chỉ huy tiền phương tại Phước Sơn, toàn bộ 217 công nhân bị mắc kẹt tại khu vực thân đập thủy điện Đắk Mi 2, số công nhân trên các tuyến điểm dọc sông và gần 30 người tại nhà điều hành của thủy điện này đã được hỗ trợ đến nơi an toàn, sức khỏe ổn định. Chính quyền địa phương và ngành chức năng yêu cầu chủ đầu tư thủy điện rút kinh nghiệm trong việc ứng phó với thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công nhân, người lao động.
CÔNG KHANH