5 tỷ USD bán cổ phần Sabeco chi như thế nào?
Từ thương vụ một công ty có liên quan tới đại gia Thái Lan chi gần 110.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD) mua cổ phần Sabeco, câu hỏi đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính là, cơ quan Nhà nước có lo sẽ có thêm nhiều thương hiệu nội rơi vào tay nước ngoài và đâu là bài học sau thương vụ được coi là lịch sử này. Đó là những câu hỏi “nóng” được gửi tới ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính trong cuộc họp báo về tình hình cổ phần hóa năm 2017 tổ chức sáng 25-12.
Ông Đặng Quyết Tiến. |
Thừa nhận đã nghe những trăn trở sau thương vụ Sabeco nhưng ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, khi nền kinh tế hội nhập thì quan trọng là pháp luật được đưa ra với doanh nghiệp ra sao. Theo ông, pháp luật phải tạo ra sự phát triển bền vững cho Việt Nam và có sự sàng lọc. “Ta sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư mang lợi ích lớn đảm bảo an sinh, môi trường, cho người dân Việt Nam nhưng sẵn sàng xóa xổ thương hiệu gian dối, làm ô uế thương hiệu Việt Nam”, ông Tiến nói.
Ông bày tỏ, doanh nghiệp Việt Nam có quy mô lớn hiện nay phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước trong khi doanh nghiệp tư nhân mới đi lên và sức bền vững không có. “Vì thế ta buộc phải giải phóng nguồn lực”, vị lãnh đạo ngành tài chính lên tiếng. Tất nhiên, theo ông, có những lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài không thể tham gia nhưng với số khác, ông nhắc lại ý kiến đã Chính phủ đưa ra là: Chính phủ không bán bia, bán sữa.
Nói riêng với thương vụ Sabeco, theo ông, việc thương hiệu mất hay không, quan trọng là khi ký kết hợp đồng, điều kiện về thương hiệu phải tốt. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh, việc giữ được thương hiệu hay không còn do thị trường, người dùng quyết định. Trước ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có thể đã cố tình lách luật đầu tư của Việt Nam để mua hơn 50% cổ phần, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng không nên phân biệt yếu tố trong nước và nước ngoài. Thương vụ trên có quy định rõ ràng và nhà đầu tư đảm bảo đúng nguyên tắc, quy chế đấu giá. Ông cho biết, trong trường hợp nếu sau này, đơn vị trên xâm phạm lợi ích người tiêu dùng Việt Nam thì cơ quan có quyền lên án, xử lý còn ngược lại thì cần trân trọng.
Nhiều câu hỏi đặt ra với lãnh đạo Bộ Tài chính là khoản tiền gần 110.000 tỷ đồng sẽ được chi như thế nào. Trả lời cho những thắc mắc này, ông Tiến cho biết, số tiền trên theo kế hoạch sẽ đổ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong vài ngày tới (theo kế hoạch là ngày 28-12). Quỹ này được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Ông nhấn mạnh, quỹ này mục tiêu không chỉ tạo nguồn cân đối ngân sách đầu tư mà còn chi giải quyết vấn đề trong cổ phần hóa như lao động dôi dư và các vấn đề khác. “Việc thoái vốn vừa qua ở Sabeco hay Vinamilk và các doanh nghiệp khác trước đó đều là để tạo nguồn cho việc chi đầu tư các dự án theo Nghị quyết của Quốc hội”, ông Tiến nói.
THU THỦY
Năm 2018 sẽ cổ phần hóa nhiều “ông lớn” Trao đổi với tại họp báo, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết: Tính tới ngày 20-12, mới có 21 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa trong danh sách 44 đơn vị cả năm nay. Việc cán đích có thể không đạt được nhưng với các doanh nghiệp trong năm nay, tổng giá trị thực tế doanh nghiệp lên tới 213.747 tỷ đồng, tức là gấp 6 lần tổng giá trị thực tế các doanh nghiệp đã cổ phần hóa trong năm 2016. Ngoài ra, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 88.390 tỷ đồng, gấp 3,5 lần giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của các doanh nghiệp đã cổ phần hóa năm 2016. Nói thêm về kế hoạch cổ phần hóa thời gian tới, ông Tiến cho biết, trong năm 2018, một số tên tuổi lớn sẽ có mặt như: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)... Trong số trên, riêng BSR, PVPower và PVOil đã có quy mô vốn lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam theo dự tính có quy mô vốn là 150.000 tỷ đồng. Đây là những khoản cung lớn và tạo áp lực lên thị trường. T.T |