Báo Công An Đà Nẵng

5 vấn đề nước Anh cần giải quyết sau khi rời EU

Thứ hai, 03/02/2020 14:00

Nước Anh đã tách mình khỏi khối Liên minh Châu Âu (EU) hùng mạnh sau 47 năm là thành viên. Dù đã thực hiện được ý nguyện của đa số cử tri (trong một cuộc trưng cầu dân ý sát nút) là “Ra đi”, nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Đây là một số trở ngại đối với Anh thời kỳ hậu Brexit.

Những người ủng hộ Brexit ăn mừng việc Anh rời khỏi EU. Ảnh: CNN

Thỏa thuận thương mại với EU

Việc chính thức rời khỏi EU có nghĩa là Anh cuối cùng có thể bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại chính thức - cả với EU và các nước trên thế giới, như Mỹ. Các cuộc đàm phán chính thức dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 2 này, khi 27 quốc gia EU còn lại đã đồng ý về các hướng dẫn cho các nhà đàm phán của họ. Đạt được thỏa thuận toàn diện và đưa vào thực hiện sẽ mất thêm vài tháng nữa. Vì vậy, Anh và EU chỉ có thể mong đợi một thỏa thuận thương mại tự do cơ bản được ký kết vào cuối năm nay, với rất nhiều vấn đề vẫn phải được thảo luận sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.

EU là thị trường mua đến một nửa hàng hóa xuất khẩu của London. Tuy nhiên, Anh tách rời khỏi EU thì khó giao dịch với các nước láng giềng khác như Pháp hay Đức. Chính phủ Anh mong muốn có được một thỏa thuận “thuế quan bằng không, hạn ngạch bằng không” đối với hàng hóa, không có thuế biên giới và không có giới hạn đối với xuất khẩu và nhập khẩu. Nhưng có một loạt vấn đề cần giải quyết nếu muốn giữ cho hoạt động thương mại diễn ra suôn sẻ nhất có thể, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ. Các nhà phân tích tại Deutsche Bank cho biết việc chỉ đạt được thỏa thuận cơ bản vào năm 2020 đồng nghĩa với việc sẽ có rào cản ở biên giới và giảm khả năng tiếp cận Châu Âu đối với ngành dịch vụ khổng lồ của Anh. Khu vực dịch vụ tài chính hùng mạnh của Anh, chiếm 7% nền kinh tế, gần như chắc chắn sẽ bị hạn chế trong tiếp cận thị trường EU.

Tất nhiên thỏa thuận phải dựa trên lợi ích của cả hai bên, nhưng đó vẫn là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Các tranh chấp về lĩnh vực nghề cá, cạnh tranh công bằng, vai trò của Tòa án Công lý Châu Âu và nhiều thế hơn nữa.  Và tình huống xấu nhất xảy ra là có thể sẽ không có thỏa thuận nào được thực hiện kịp thời, điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ Anh - EU khi năm 2020 kết thúc.

Thỏa thuận với Mỹ cũng không dễ dàng

Mỹ, nước có thặng dư thương mại với Anh, sẽ không đưa ra một thỏa thuận đem lại lợi thế cho London mà không yêu cầu điều ngược lại. Các yêu cầu của Washington cũng sẽ vấp phải sự phản đối của dân Anh, bởi chúng đồng nghĩa với việc thuốc men đắt đỏ hơn và tiêu chuẩn thực phẩm thấp hơn. Mỹ cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc mở cửa thị trường Anh để xuất khẩu nhiều nông sản hơn, đồng thời, sẽ yêu cầu thay đổi quy tắc, dẫn đến việc Anh sẽ phải trả giá cao hơn cho dược phẩm.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong chuyến đi đến London tuần này rằng hai bên có thể đạt được những tiến bộ đáng kể trước khi năm 2020 kết thúc, dù rằng “sẽ có những vấn đề gây tranh cãi thực sự xung quanh lĩnh vực nông nghiệp”. Anh cũng từng đi ngược với chính quyền Mỹ về các vấn đề chính. Anh cho phép tập đoàn Huawei của Trung Quốc giúp xây dựng các mạng viễn thông ở tại nước mình và cam kết sẽ tiếp tục một loại thuế mới sẽ đánh vào các Cty công nghệ Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump đã đáp trả với việc đe dọa áp thuế xe hơi sản xuất tại Anh.

Giữ an toàn cho Anh

Anh cũng phải ký một hiệp ước hợp tác về an ninh với EU. Các chuyên gia chính sách và an ninh ở Anh và EU đều hiểu rằng mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn sau Brexit. Chẳng hạn, Anh không còn giữ vị trí trong đội ngũ quản lý Europol, cơ quan điều phối các cuộc điều tra lớn về tội phạm có tổ chức trên toàn Châu Âu. Điều này có nghĩa là những lo ngại của Anh - chẳng hạn như việc buôn người hoặc vũ khí qua Eo biển Anh – sẽ trở thành hiện thực.

Hiện tại, cảnh sát Anh vẫn có thể sử dụng các hệ thống của EU để kiểm tra hồ sơ tội phạm của người nước ngoài hoặc cảnh báo về những người bị truy nã trên khắp lục địa. Nhưng việc truy cập vào nguồn thông tin đó có thể bị chấm dứt hoặc trở nên khó khăn hơn, bởi vì nhiều quốc gia thành viên có thể điều chỉnh việc chia sẻ dữ liệu ra ngoài EU. Chính phủ Anh đang cố gắng nghĩ cách, chẳng hạn như cam kết thông qua những quy định để đảm bảo Anh được hưởng lời từ Lệnh bắt giữ Châu Âu - cho phép nghi phạm được gửi đến một quốc gia khác để xét xử - nếu không thể thực hiện được thỏa thuận. Cả Anh và EU đều muốn điều đó. Câu hỏi đặt ra là liệu điều này có thể thực hiện được về mặt pháp lý hay không - và nếu được, thì liệu nó có thể được thực hiện bắt đầu vào tháng 1-2021 hay không?

Đảm bảo ngành thực phẩm vẫn suôn sẻ

Từ trồng trọt và đánh bắt đến sản xuất và bán lẻ, ngành thực phẩm và đồ uống của Anh mang về 460 tỷ bảng cho nền kinh tế nước này mỗi năm cũng như góp phần tạo ra việc làm cho hơn 4 triệu người. Ngành thực phẩm chiếm 1/5 sản xuất của Anh, vì vậy, các nhà chức trách nước này đang lo lắng về cách thức phức tạp mà thực phẩm và đồ uống được đưa đến người tiêu dùng sau khi thời kỳ chuyển đổi kết thúc. 1/3 số người trong ngành thực phẩm đến từ bên ngoài Anh, trong đó có nhiều người đến từ Đông Âu. Điều gì xảy ra nếu số lượng công nhân như vậy bị hạn chế do áp dụng mức lương tối thiểu cho người di cư? Các nhà sản xuất Anh sử dụng hỗn hợp các thành phần sản xuất trong nước và quốc tế, sẽ không được phép xuất hàng ra ngoài nước theo các quy tắc trong các thỏa thuận thương mại gần đây với EU.

Xây dựng vai trò mới trên thế giới

Chính phủ Anh có một nhiệm vụ to lớn trước mắt là thiết lập vị trí của Anh trên thế giới sau khi rời EU. Các bộ trưởng phải hiểu khẩu hiệu “Chính phủ toàn cầu” của chính phủ thực sự có nghĩa là gì. Vai trò truyền thống trong việc cung cấp một cầu nối xuyên Đại Tây Dương giữa Châu Âu và Mỹ sẽ được đặt sang một bên. Thay vào đó, các bộ trưởng sẽ phát triển một chính sách đối ngoại độc lập hơn. Điều đó có nghĩa là Anh sẽ tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước và giảm bớt mối quan hệ với các quốc gia khác. Anh sẽ xây dựng mối quan hệ mới với các đồng minh Châu Âu, không phải thông qua các cấu trúc của EU, mà thông qua các nhóm nhỏ hơn hiện có.

Thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất là làm thế nào để hài hòa giữa một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn và một nước Mỹ phòng thủ, mà không có tư cách thành viên được bảo vệ của EU. Để đạt được điều đó, Thủ tướng Boris Johnson đã yêu cầu “đánh giá tổng hợp” về chính sách an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Anh và đưa vào báo cáo vào cuối năm nay.

AN BÌNH