50 năm, chị đã về bên mẹ...
Một ngày đầu tháng 4-2019, Đại tá Mai Quý Trung-nguyên Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị, CATP Đà Nẵng điện cho tôi: “Tôi cùng các đồng chí trong Ban liên lạc Cơ quan đặc khu đoàn Quảng Đà vừa tìm thấy mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Én-sinh năm 1952, quê tại Cẩm Thanh, Hội An, là cán bộ Tỉnh đoàn, trên đường đi công tác bị Mỹ phục kích, hy sinh vào tháng 1-1970 tại khu vực chân núi Hòn Thẻ đường lên căn cứ Núi Hòn Tàu, thôn Phú Nham Đông, xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên, Quảng Nam”. Tôi biết, chính Đại tá Mai Quý Trung cũng là một thành viên trong đoàn công tác bị Mỹ phục kích hôm ấy…
Đại tá Mai Quý Trung và ông Phạm Tấn Ba bên ngôi mộ Liệt sĩ Nguyễn Thị Én chuẩn bị cất bốc. |
Nhận điện thoại của anh, tôi vô cùng cảm kích và xúc động, hẹn được gặp anh ngay. Chúng tôi cùng lên thẳng khu căn cứ địa cách mạng Đặc khu ủy Quảng Đà-Hòn Tàu năm xưa…Ký ức về những năm tháng chiến tranh như những thước phim quay chậm hiện rõ trong người sỹ quan An ninh 67 tuổi: “Tôi tham gia hoạt động cơ sở nội thành thuộc đơn vị Ban Dân vận mặt trận thành phố-Đặc khu ủy Quảng Đà từ tết Mậu Thân 1968. Cuối năm 1969, tại Hội An, tôi cùng đồng chí Hồ Trọng Quý phát hiện có dấu hiệu cơ sở bị lộ, nếu tiếp tục hoạt động sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và đơn vị nên bàn nhau phải nhanh chóng thoát ly về căn cứ. Tại Hang đá, căn cứ Hòn Tàu, gặp chúng tôi, thủ trưởng Tuyết Mai nói: “Các cháu về đến đây là tốt rồi, có dấu hiệu bị lộ, nếu tiếp tục hoạt động sẽ nguy hiểm cho chính các cháu và hệ lụy các cơ sở khác tại Đà Nẵng và Hội An…”. 10 ngày sau, ngày 11 tháng chạp âm lịch năm 1969, thủ trưởng lại giao nhiệm vụ quan trọng cho tôi vào lại Đà Nẵng, đi và về trong ngày. Anh Kiều Văn Tám và Hồ Trọng Quý cùng tôi xuống thôn 5, Phú Thạnh và đưa tôi ra trạm Phước Mỹ. Ngày 12 tháng chạp, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tôi quay về lại trạm Phước Mỹ, trú tại nhà cơ sở -Trạm giao liên, đến tối anh Tám và anh Quý quay lại đón tôi lên lại căn cứ Hòn Tàu. Lên đến Thôn 2, Xuyên Trà (nay là Duy Trung, Duy Xuyên) khoảng 8 giờ tối, chúng tôi chờ có người từ trên núi xuống nắm tình hình nhưng không có ai xuống, nghi có địch phục kích đâu đó. Thời điểm đó, có nhóm cán bộ khác là anh Bảy, chị Én-thuộc Đặc khu đoàn Quảng Đà và chị Thành-cán bộ cơ quan phụ nữ cũng chờ đi lên núi. Tới gần 22 giờ đêm, các anh chị bàn bạc quyết định lợi dụng ánh trăng lờ mờ để vượt núi đi lên. Từ thôn 2, Xuyên Trà chúng tôi đi trong im lặng, căng thẳng suốt 4 giờ đồng hồ, tới 2 giờ sáng ngày 13 tháng chạp mới đến khu vực chân núi, còn vài ba trăm mét nữa là đến đường lên “Ranh Hòa Bình” –(khu vực an toàn căn cứ-PV). Mọi người quyết định dừng chân nghỉ ngơi tại một ngọn đồi thấp, các anh chị cho rằng đến nơi đây là an toàn rồi, vì từ trước đến nay, bọn địch chưa bao giờ phục kích khu vực này. Khoảng 3 giờ sáng, cả đoàn lại tiếp tục đi lên, lội ngang qua con suối chảy về hướng Trà Kiệu, băng qua một đám đất hoang giáp đường mòn từ Xuyên Hiệp (Duy Sơn ngày nay), vượt đèo Đá Mài… đến ngã ba đường Ranh Hòa Bình, khu vực Đông Nam, chân núi Hòn Thẻ. Vừa vượt qua ngã ba khoảng vài chục mét, bỗng một loạt đạn bắn từ phía sau, chéo vào phía trái đoàn 6 người…rồi tiếng la hét của bọn Mỹ, đạn bắn xối xả về phía chúng tôi. Mọi người nằm rạp xuống bò lên, tiếng chị Thành la lên: “Anh Tám ơi em bị thương rồi!…”. Anh Tám động viên chị Thành cố vượt qua làn đạn địch, lên trên mới băng bó được. Mọi người chia làm 2 hướng vượt chừng vài trăm mét nữa gặp lại nhau, nhưng thiếu chị Én. Các anh chị bảo, chị Én lanh lợi, thông thạo địa hình nên có thể đã chạy về hướng Xuyên Hiệp (Duy Sơn). Khoảng 10 ngày sau, khi địch đã rút đi, chúng tôi quay xuống điểm bị địch phục kích thì gặp một nấm mộ ai đó đã đắp ngay trên đường mòn nên lối đi phải vòng qua bên phải nấm mộ, hướng đèo Đá Mái. Thời gian sau đó, nghe bà con khu vực này kể, sau đợt Mỹ phục kích rút đi, bà con phát hiện ngay trên đường mòn có xác một phụ nữ bị bắn, băm nát nên lấy áo mưa phủ lên rồi lấy đất đá đắp thành nấm mộ… Mọi người đều biết chắc đó chính là nấm mộ của chị Én”…
Đại tá Mai Quý Trung cho biết, tháng 8-1971, anh được cấp trên cho ra miền Bắc chữa bệnh và học tập, mãi đến năm 1980, sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh, anh mới trở về công tác tại CA tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, CATP Đà Nẵng đến năm 2011 nghỉ hưu theo chế độ. Các đồng chí cùng đi trong chuyến công tác năm xưa có anh Hồ Trọng Quý đã hy sinh trên đường vào tiếp quản Sài Gòn đêm 29-4-1975. Anh Kiều Văn Tám sau năm 1975 là Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc, TP Đà Nẵng, chuyển ngành… rồi nghỉ hưu tại địa phương. Chị Thành về công tác tại TAND Hội An rồi nghỉ hưu tại làng rau Trà Quế… Sở dĩ từ tháng 2-2019 đến nay, anh Trung tìm về khu vực bị Mỹ phục kích năm xưa vì anh đang viết hồi ký về những năm tháng không thể nào quên của cuộc đời mình. Khi viết đến đoạn lần đầu tiên sau 12 ngày thoát ly lên căn cứ Hòn Tàu, bị Mỹ phục kích, anh nhớ trong lần này chị Én, quê Cẩm Thanh hy sinh, chị Thành quê Hội An bị thương… Từ lâu nay, anh Trung nghĩ, hài cốt chị Én đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Hội An. Nhưng khi trao đổi với anh Phan Xuân Báng-nguyên Trưởng CATP Hội An, quê Cẩm Thanh thì được biết: Liệt sĩ Nguyễn Thị Én có cha đi tập kết ra Bắc, mẹ là Liệt sĩ Huỳnh Thị Muỗng, cán bộ thị xã Hội An, hy sinh năm 1969, đã quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ Hội An, năm 2015, được truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Liệt sĩ Én có người em gái là Nguyễn Thị Luyện, bị tai nạn do trúng bom bi, hiện đang sinh sống tại Đắc Lắc, cha của Liệt sĩ Én cũng đã từ trần. Hài cốt chị Én chưa được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ Hội An. Xót thương cho người đồng chí của mình còn nằm quạnh hiu nơi rừng vắng, anh Trung đã cùng anh Báng lên Duy Sơn để tìm, may ra có thể tìm thấy mộ Liệt sĩ Nguyễn Thị Én. Sau 5 đợt tìm kiếm có sự tham gia của các đồng chí trong Ban Liên lạc Cơ quan đặc khu đoàn Quảng Đà gồm: Nguyễn Hiền Trợ, Đoàn Tấn Phát, Kiều Văn Tám, Phan Xuân Báng, Nguyễn Phước Hùng…. Đoàn được ông Phạm Tấn Ba-nguyên cán bộ AN Quảng Đà, quê Duy Sơn và ông Nguyễn Đăng Châu-người dân có rẫy tiếp giáp với khu vực ngã ba đường mòn lên căn cứ Hòn Tàu năm xưa, biết rõ vị trí nơi đã diễn ra trận phục kích của Mỹ với đoàn cán bộ trong đó có anh Trung. Tại đây họ đã xác định được chắc chắn nấm mộ Liệt sĩ Nguyễn Thị Én. Ban Liên lạc Cơ quan đặc khu đoàn Quảng Đà đã làm văn bản gửi đến Phòng LĐ-TB&XH TP Hội An, UBND xã Cẩm Thanh để phối hợp giúp đỡ quy tập mộ Liệt sĩ Nguyễn Thị Én về Nghĩa trang Liệt Sĩ TP Hội An, theo kế hoach sẽ được tiến hành vào ngày 9-4-2019.
Vậy là tròn 50 năm, những người đồng chí, đồng đội một thời kề vai sát cánh trong cuộc chiến trường kỳ của dân tộc đã đưa Liệt sĩ Nguyễn Thị Én về nơi quê mẹ Hội An thân yêu.
HỒNG THANH