50 năm Chiến thắng Khâm Đức – Ngok Tavak
Ngày 12-5-2018 đánh dấu mốc son kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Khâm Đức – Ngok Tavak (12-5-1968 – 12-5-2018). Đây là trận chiến thắng làm nức lòng CBCS và người dân địa phương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh quân dân tỉnh Quảng Nam và Quân khu V quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần vào đại thắng mùa Xuân 1975.
Đại tá Trần Như Tiếp – nguyên Trưởng Ban tác chiến Sư đoàn 2, Quân khu V kể lại trận đánh. |
Chiến thắng lịch sử
Trò chuyện với chúng tôi về thời điểm hào hùng năm xưa, Đại tá Trần Như Tiếp – nguyên Trưởng Ban tác chiến Sư đoàn 2, Quân khu V bồi hồi nhớ lại: Xác định Khâm Đức là địa bàn trọng yếu về quân sự nên Ngô Đình Diệm đã cho thành lập quận Phước Sơn. Năm 1960, chúng cho mở đường 14, 16 để phục vụ chiến tranh. Năm 1961, xây dựng sân bay quân sự Khâm Đức để ứng cứu các cứ điểm trong vùng, Tây Nguyên và Hạ Lào. Năm 1963, Mỹ tiếp tục thành lập Trại Lực lượng đặc biệt Khâm Đức (Trung tâm huấn luyện biệt kích toàn miền Nam). Năm 1965, Mỹ áp dụng chiến lược chiến tranh cục bộ, đẩy mạnh kế hoạch tìm và diệt, tiếp tục thành lập Chi khu quân sự Khâm Đức, biến nơi đây thành Cụm cứ điểm quân sự liên hoàn vững chắc, có sân bay, trung tâm huấn luyện biệt kích và chi khu quận lỵ. Từ đây, địch thường xuyên đánh phá vùng giải phóng, sát hại đồng bào và cung cấp thông tin tình báo để máy bay, pháo binh địch ném bom, bắn phá hành lang chiến lược, cắt đứt sự chi viện của ta ra chiến trường miền Bắc.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Khu ủy Khu V và BTL Quân khu 5 tiếp tục triển khai kế hoạch X1 của Bộ Chính trị. Đầu tháng 3-1968, BTL Quân khu 5 giao cho sư đoàn Bộ binh 2 phối hợp với các lực lượng H. Phước Sơn tiêu diệt căn cứ quân sự Khâm Đức, giải phóng H. Phước Sơn nhằm khai thông hành lang chiến lược và mở rộng vùng hậu cứ cách mạng. Để thực hiện chiến dịch, Tư lệnh Quân khu đồng ý cho Sư đoàn 2 tổ chức khu chiến tại Núi Ngang (H. Tiên Phước) nhằm tiêu hao sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch; căng kéo, giam chân Sư đoàn Americal không cho chúng tiếp viện lên chiến trường Khâm Đức. Nhằm thu hút Sư đoàn Americal theo “kịch bản” của ta, ngày 5-5, tiếng súng Núi Ngang của Trung đoàn 31 khai hỏa, đồng thời đêm 9 rạng sáng ngày 10-5, các hướng, các mũi của Trung đoàn 1 đã tấn công cứ điểm Ngok Tavak. Qua hơn một ngày đêm chiến đấu ngoan cường, đến 15 giờ ngày 10-5, quân ta làm chủ hoàn toàn Ngok Tavak, đánh tan rã hai đại đội biệt kích Lôi Hổ và 1 trung đội pháo binh Mỹ, tiêu diệt và làm bị thương gần 200 tên, bắn rơi 2 máy bay, thu 2 đại bác 105 ly và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
Sáng 10-5, quân Mỹ vẫn tăng viện Tiểu đoàn 2 - Lữ đoàn 196 lên Khâm Đức, nhưng quân địch không dám đánh chiếm lại Ngok Tavak, chứng tỏ đang dao động mạnh và lực lượng phòng ngự suy yếu hoàn toàn, thế chủ động trên chiến trường thuộc về ta. Tư lệnh Sư đoàn chỉ thị thừa thắng xông lên, đẩy nhanh tốc độ tiến công tiêu diệt địch trên toàn chiến trường. Sáng 11-5, quân ta cơ động tiến công tiêu diệt các điểm ngoại vi và uy hiếp khu trung tâm; lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã tiếp tục bám sát chiến trường phục vụ chiến đấu, triển khai chốt chặn đánh tàn quân tháo chạy, bắt và áp giải tù binh, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau. Đêm 11 rạng sáng 12-5, Tiểu đoàn Đặc công, Trung đoàn 1, Trung đoàn 21 Sư đoàn 2 cùng bộ đội huyện tiến công tiêu diệt các cứ điểm ngoại vi D, E, H, I, K. nã pháo dữ dội vào sân bay Khâm Đức.
6 giờ ngày 12-5-1968, cả bầu trời và thung lũng Khâm Đức bị quân ta khóa chặt, quân địch không còn lối thoát. Tướng Westmoreland lệnh cho Bộ Chỉ huy tác chiến Sư đoàn Americal rút lui toàn bộ lực lượng Mỹ-ngụy ra khỏi Khâm Đức, nhưng tất cả đã muộn, buộc Mỹ phải cho máy bay oanh tạc sát khu trung tâm và mở đường máu thoát thân. Đến trưa 12-5-1968, quân và dân ta đã làm chủ hoàn toàn chiến trường Khâm Đức – Ngok Tavak, đánh tan rã một tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ, 7 đại đội biệt kích Lôi Hổ, tiêu diệt hơn 700 tên địch, làm bị thương hàng trăm tên, bắt sống 104 tên (trong đó có 1 cố vấn Mỹ) làm tù binh; bắn rơi 2 máy bay CH47, 2 máy bay C-130, 9 máy bay trực thăng và thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.
“Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak được đánh giá là chiến thắng lớn nhất trên chiến trường miền núi Quảng Nam lúc bấy giờ, giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của Mỹ, giải phóng Khâm Đức - Phước Sơn mở rộng vùng hậu cứ, làm cho Mỹ, ngụy mất bàn đạp tấn công Tây Nguyên và hạ Lào. Chiến thắng Khâm Đức còn khai thông hành lang chiến lược huyết mạch -đường mòn Hồ Chí Minh đảm bảo cho việc ta vận tải vũ khí, hàng hóa và lực lượng từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, mở rộng tuyến vận tải đường ngang nối Khâm Đức - Làng Hồi, xuống Hiệp Đức và vùng đồng bằng tỉnh Quảng Nam - Quảng Đà”- Đại tá Tiếp nhận định.
|
Một góc TT Khâm Đức ngày nay. |
Quê hương đổi mới
Là người gắn bó với Phước Sơn ngay sau ngày giải phóng, ông Hồ Văn Điều - nguyên Bí thư huyện ủy Phước Sơn, nguyên Trưởng ban Dân tộc - miền núi Quảng Nam- Đà Nẵng nhớ lại: Sau ngày thống nhất đất nước, đời sống của nhân dân H. Phước Sơn hết sức khó khăn, cuộc sống du canh – du cư, ốm đau, bệnh tật luôn đe dọa; hàng trăm tấn bom mìn nằm rải rác khắp núi rừng, hàng ngàn héc-ta nương rẫy bị nhiễm chất độc hóa học; cơ sở vật chất kỹ thuật hầu như không có gì. Trước tình hình khó khăn này, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, triển khai chiến dịch rà phá bom mìn, khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích canh tác, tăng gia sản xuất; đẩy mạnh cuộc vận động định canh – định cư, đưa đồng bào xuống định cư ở vùng thấp hơn như Nước Non, Nước Xa, Khâm Đức, Làng Hồi,... để ổn định đời sống.
Đánh giá về những thành tựu đã đạt được, ông Phạm Thế Quyền - Bí thư H. Phước Sơn cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần quyết tâm đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, Đảng bộ H. Phước Sơn đã vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của huyện; vừa phát huy nội lực của địa phương, vừa tranh thủ sự đầu tư của T.Ư, của tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân; sau 32 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Từ một huyện nghèo, thuần nông, kinh tế tự cung, tự cấp, thu ngân sách trên địa bàn thấp, hoàn toàn lệ thuộc vào trợ cấp kinh phí từ cấp trên, đến nay, kinh tế huyện đã có bước phát triển vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại – dịch vụ tăng.
Năm 2017, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 70,6%, thương mại – dịch vụ chiếm 23,5%, nông – lâm nghiệp chiếm 5,9% trong tổng sản phẩm; thu ngân sách do kinh tế phát sinh trên địa bàn huyện đạt hơn 450 tỷ đồng. Các chính sách an sinh xã hội, nhất là công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội được các cấp, ngành, xã hội quan tâm thực hiện tốt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Công tác giảm nghèo được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 5%/năm, đến nay còn 38,26%. Công tác QP-AN luôn được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Với những thành tựu to lớn trong 43 năm xây dựng và phát triển, H. Phước Sơn và một số ngành, xã đã được Chủ tịch nước tặng thưởng 15 Huân chương Lao động cùng nhiều Bằng khen của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Quảng Nam...
Trần Tân - Trọng Ý