Báo Công An Đà Nẵng

50 năm khủng hoảng tên lửa Cuba: Bí mật được phơi bày

Thứ hai, 15/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Đúng ngày 14-10 của 50 năm trước, cả thế giới đứng trước cuộc chiến tranh hạt nhân mang tính hủy diệt kinh hoàng khi Mỹ và Nga chỉ còn chờ quyết định khai hỏa.

Thế giới chưa bao giờ tiến gần đến bờ vực cuộc Thế chiến III khi giới hạn cuối cùng trong cuộc CHIếN tranh Lạnh đã gần bị bứt phá trong vòng 13 ngày Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, bắt đầu từ ngày 14-10. Đó là thời điểm khi Nga và Mỹ đều đe nhau bằng những vũ khí hạt nhân mang tính hủy diệt hàng loạt. Cuộc khủng hoảng may mắn kết thúc bằng thỏa thuận Xô - Mỹ vào ngày 28-10.

Tuy nhiên, 50 năm sau cuộc khủng hoảng này, Cục Lưu trữ Quốc gia ở Washington công bố các tài liệu và bản ghi âm bí mật của Nhà trắng nói về những tuyên bố của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy trong việc cân nhắc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân với Nga mang tên: “Bờ vực chiến tranh: JFK và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba”. Nguồn tin trong đó còn cho biết, cuộc khủng hoảng này không phải kết thúc bằng thỏa thuận Xô-Mỹ như người ta vẫn từng biết mà còn kéo dài sang “cuộc khủng hoảng thứ hai” đến cuối tháng 11 năm đó.

 Năm 1962, quân đội Cuba chuẩn bị sẵn sàng phản ứng mọi cuộc tấn công của Mỹ. Ảnh: Mirror

CUỘC KHỦNG HOẢNG THỨ NHẤT

Mọi việc bắt đầu vào ngày 14-10-1962 khi máy bay do thám U-2 của Mỹ chụp được những tấm ảnh cho thấy sự hiện diện của nhiều vũ khí hạt nhân của Liên Xô ở Cuba.

Phát hiện gây chấn động này chính thức châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất thời kỳ Chiến tranh Lạnh, vốn được coi là thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại khi cả thế giới đang bị đe dọa bởi họng bom hạt nhân. Giờ đây, người Mỹ thật sự hú hồn khi RFI dẫn lời chuyên gia về tên lửa Graham Allison cho biết, Liên Xô triển khai 2 loại tên lửa đến Cuba thời điểm đó. Một loại là tên lửa đạn đạo tầm trung, có thể phóng đầu đạn hạt nhân đến thủ đô Washington của Mỹ. Thứ hai là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm xa hơn, có khả năng bắn đến tận Omaha, bang Nebraska, nơi Mỹ đặt Bộ Chỉ huy Không quân Chiến lược. Theo nhận định của chuyên gia này, lúc đó, các tên lửa của Liên Xô đã bao trùm đến 2/3 nước Mỹ.

Để giải quyết vấn đề này, Tổng thống John F. Kennedy cũng đặt các tên lửa tấn công tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sau đó tổng thống làm dịu tình hình. “Chúng ta đặt một số tên lửa tại đây, y như Xô Viết đặt các tên lửa tại Cuba. Một khi Moscow tấn công các tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là những tên lửa có đầu đạn hạt nhân được thiết đặt nhắm vào Liên Xô, rõ ràng chúng ta sẽ phải hành động để đáp trả. Vì thế đây có thể là con đường tiến tới chiến tranh hạt nhân, và đó là lý do tại sao toán chuyên gia bác bỏ giải pháp này, sau khi cân nhắc một thời gian, họ chọn giải pháp điều động lực lượng hải quân để phong tỏa Cuba”, Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố.

Những cuộc thương thuyết như con thoi diễn ra liên tiếp sau đó. Mọi việc rơi  vào đỉnh điểm khi ngày 27-10, được mệnh danh là “Thứ bảy đen tối” vì máy bay gián điệp U-2 của Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời Cuba, phi công Rudolf Anderson Jr bị bắn chết. Tổng thống Kennedy triệu tập Ban chấp hành đặc biệt quyết định hướng hành động. Ban Chấp hành gồm Bobby Kennedy, anh trai Tổng thống; Phó Tổng thống Lyndon Johnson; Ngoại trưởng Dean Rusk; Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara cùng các chuyên gia tư vấn hàng đầu khác, bao gồm cả Giám đốc CIA John McCone.

Nhóm này bí mật cân nhắc vấn đề trong vòng gần một tuần lễ. Nhiều giải pháp được đưa ra, song các chuyên gia nghiêng về việc tiến hành không kích rồi đổ bộ quân sự. Nhưng không khí ở Nhà Trắng bất ngờ tạm lắng bởi ai cũng ý thức rõ ràng, giải pháp này chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân nhấn chìm cả thế giới. Bởi nếu Mỹ trả đũa, chắc chắn nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev cũng sẽ đáp trả bằng vũ lực.

Ngày 3-6-1961, Tổng thống Mỹ J.F.Kennedy (phải) gặp gỡ nhà lãnh đạo Nga Khrushchev tại Đại sứ quán Mỹ
ở Vienna, Thụy Sĩ bàn giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng tên lửa. Ảnh: AP 

CUỘC KHỦNG HOẢNG THỨ HAI?

Mọi việc có vẻ như đang trượt ra ngoài vòng kiểm soát thì bất ngờ ngày 26-10, nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev gửi cho Tổng thống Mỹ một lá thư nói rằng, nếu Washington không xâm lược Cuba, Liên Xô sẽ rút quân. Thông điệp này đã phá vỡ mọi bế tắc.

Đến 9 giờ ngày 28-10, Washington được báo cáo nhà lãnh đạo Khrushchev tuyên bố chấp thuận đề nghị của Mỹ sẽ rút các tên lửa ra khỏi Cuba đổi lại Nhà Trắng cam kết không xâm lược Cuba. Đây được xem như là một chiến thắng lớn của Tổng thống Mỹ Kennedy, là biểu tượng thành công trong nhiệm kỳ của ông. Lúc đó, ông được ca ngợi là một nhà quản lý khủng hoảng tuyệt vời. Nhưng, những tài liệu mới công bố cho thấy, chiến thắng nổi tiếng của Tổng thống Kennedy là một thất bại được che giấu khéo léo. Thời khắc nguy hiểm nhất của thế giới tưởng chừng đã qua nhưng không phải như thế.

Theo tài liệu này, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba không phải kết thúc bằng thỏa thuận Xô - Mỹ vào tháng 10-1962 mà lúc đó vẫn có 100 tên lửa hạt nhân của Moscow ở Cuba. Chính quyền Liên Xô dự định bí mật để lại 100 tên lửa hạt nhân chiến thuật này trên đất Cuba. Theo nhận định của BBC, đây là cuộc khủng hoảng tên lửa thứ hai, hoàn toàn bí mật, tiếp tục đe dọa nguy cơ xảy ra một cuộc chiến hạt nhân đến cuối tháng 11 năm đó mới chính thức hạ màn.

Vào ngày 22-11, trong cuộc họp căng thẳng kéo dài 4 giờ đồng hồ, Phó Thủ tướng Liên Xô Anastas Mikoyan đã phải viện đến “thủ thuật ngoại giao”, thuyết phục nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro chuyển 100 quả tên lửa đó khỏi Cuba. Cuối cùng nhà lãnh đạo Castro chấp thuận. Các vũ khí hạt nhân chiến thuật cuối cùng được chuyển bằng đường biển trở về Liên Xô trong tháng 12-1962.

Đến tháng 4-1963, tất cả tên lửa Mỹ đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng được tháo gỡ.

Thanh Văn

(Theo Mirror, RFI, BBC)