Báo Công An Đà Nẵng

50 năm thao thức tiếng trống đình

Thứ ba, 24/12/2019 16:45

Lễ khánh thành đình làng La Bông (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang).

Ngày 22-12, đình làng La Bông (xã Hòa Tiến, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được khánh thành trong niềm hân hoan, chờ đợi của bao người. Mái đình xưa không còn dấu tích, nay đã được xây mới từ nguồn kinh phí xã hội hóa 1,7 tỷ đồng do gần 770 hộ dân và con em La Bông làm ăn xa quê đóng góp. Niềm xúc động và tự hào đã sáng lên trong mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười của dân làng. Bởi mới đây thôi, nhiều cụ cao niên còn “bùi ngùi” thắp hương tưởng nhớ công ơn các bậc Tiền hiền khai khẩn, lập làng (13 tháng Giêng âm lịch hằng năm) trước ngôi đình đã đổ nát, loang lổ vết đạn bom.

Có bề dày lịch sử hơn 500 năm, đình làng La Bông đã trải qua bao biến cố lịch sử, ghi đậm dấu ấn văn hóa, cách mạng xuyên suốt tiến trình hình thành và phát triển của vùng quê yêu nước và hiếu học này. Năm 1945, đình là nơi tập hợp dân làng, kêu gọi thanh niên tòng quân cứu nước, tham gia dân công “3 sẵn sàng”: tải lương, tải đạn, tải thương... Trong kháng chiến chống Mỹ, đình làng tiếp tục là nơi gắn liền với những chiến công, sự kiện lịch sử trong công cuộc giải phóng quê hương với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”. Đất nước thống nhất, làng La Bông được Đảng và Nhà nước ghi công 35 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 192 liệt sĩ, 80 thương bệnh binh và liệt sĩ Phạm Vinh (tức Phạm Đuỗi) được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Cụ Nguyễn Đức Ngãi trải lòng: “Cũng như nhiều làng quê khác, ngôi đình là nơi để dân làng tìm thấy sự nương tựa, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Đối với chúng tôi, ngôi đình không chỉ thiêng liêng trong tâm trí mà còn thân quen gần gũi, ở đó dân làng cảm nhận được sự che chở của cộng đồng. Để có tiếng trống đình hôm nay, người dân trong làng đã phải thao thức 50 năm qua, kể từ khi giặc Mỹ điên cuồng xâm lược, biến làng La Bông trở thành vùng trắng, trưng dụng ngôi đình làm nơi đóng quân để càn quét cơ sở cách mạng, cùng với việc thiên tai tàn phá khiến ngôi đình xuống cấp, hư hỏng nặng; cho nên dân làng chỉ còn biết hoài niệm, chờ mong...”.

Ngắm nhìn mái đình cong vút uy nghi in vẻ đẹp hiền hòa lên nền bầu trời xanh, bao quanh là các cánh đồng lúa phì nhiêu trong buổi sớm mai an lành, mọi người con của làng ở địa phương hay xa quê về đều có chung một cảm nhận “tình người- tình quê hương” thật vô cùng ấm áp sâu lắng, cảm thấy bao nhiêu công sức đóng góp xây đình đều thật lớn lao và ý nghĩa. Theo nguyện vọng của dân làng, ngôi đình mới được xây dựng nguyên mẫu đình làng xưa với 5 gian 4 mái cùng với 4 trụ biểu, bình phong... Ông Nguyễn Trường- Trưởng thôn La Bông, Trưởng ban vận động xây dựng đình làng quả quyết: “Thật diệu kỳ! Mới có 3 năm mà dân làng đã chung sức xây dựng được ngôi đình. Từ nay, ngôi đình khang trang, tôn nghiêm này sẽ mãi mãi là nơi linh khí triệu bồi, hội tụ lòng người. Nơi đây, không chỉ đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần cho nhân dân, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho những thế hệ con cháu mai sau về tấm lòng yêu nước, hiếu học của bao lớp người đi trước”... Đúng vậy, công tác vận động kinh phí xây dựng không hề đơn giản, song bằng tinh thần gắn bó với quê hương, nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng cũng tự nguyện đóng góp.

Vùng đất La Bông xưa đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với nét hồn hậu vốn có của người dân nơi đây, tin rằng bản sắc của quê hương luôn được gìn giữ, tôn tạo. Những giá trị văn hóa đó sẽ mãi được lưu truyền và phát huy...

Chia tay bà con làng La Bông, chúng tôi vẫn còn lưu giữ được niềm vui trên từng nét mặt, nụ cười. Nụ cười và niềm vui ấy nói lên nhiều điều, là sự thỏa nguyện một mong ước, là niềm tự hào về truyền thống quê hương để thực hiện trọn vẹn đạo lý “Cây có cội, nước có nguồn” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

VY HẬU