Báo Công An Đà Nẵng

50 năm trận Hà Vy của Đại đội 1 anh hùng

Thứ bảy, 02/04/2016 10:30

(Cadn.com.vn) - Hôm nay, ngày 2-4-2016, tại Đại Lộc (Quảng Nam) diễn ra sự kiện Kỷ niệm 50 năm chiến thắng trận Hà Vy, xã Đại Hồng (2-4-1966- 2-4-2016) và lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Đại đội 1, bộ đội địa phương H. Đại Lộc. Nhiều người cho rằng, Đại đội 1 đã có 15 trận đánh lớn, nhỏ trong kháng chiến, chống Mỹ, cứu nước nhưng chỉ cần một trận Hà Vy đủ để phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Các nhân chứng trận Hà Vy năm xưa.

Những tay súng làm địch khiếp đảm

Sau Tết Bính Thân, Huyện ủy, UBND H. Đại Lộc đã tổ chức gặp gỡ những nhân chứng từng tham gia đánh trận Hà Vy. Đại tá Phạm Tấn Bá, Võ Đình Trí nguyên chiến sĩ Đại đội 1, bà Trương Thị Trà, Nguyễn Thái Nam, nguyên cán bộ xã Lộc Vĩnh (nay là Đại Hồng)... đã kể về trận thắng năm xưa với tất cả niềm tự hào.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao quân Mỹ lại chọn Lộc Vĩnh, một xã nhỏ, hiền hòa mở trận càn với quy mô một Tiểu đoàn thủy quân lục chiến cùng nhiều máy bay phi pháo yểm trợ? Câu trả lời được các đại biểu giải đáp xác đáng đó là Lộc Vĩnh nối liền với hành lang Núi Lở, động Hà Sống, Ba Khe, Thượng Đức. Phong trào tìm Mỹ mà diệt của quân và dân Đại Lộc đã làm địch lo sợ và tìm mọi cách đánh phủ đầu, tạo bàn đạp tiến công lên các huyện phía tây Quảng Nam. Trước nguồn tin địch đổ bộ, chiều ngày 30-3-1966, Huyện ủy có cuộc họp cấp tốc với Huyện đội để triển khai lực lượng chiến đấu. Đại đội trưởng Đại đội 1 Lê Tấn Thanh bàn phương án tác chiến với xã Lộc Vĩnh. Bố trí trung đội 1 ở mũi trọng yếu là thôn Hà Vy và thôn 2, 3; mũi thôn 5, thôn Ngọc Kinh- trung đội 2; mũi thôn 6- trung đội 3. Các mũi còn lại do du kích địa phương đảm nhiệm với nhiệm vụ diệt gọn từng cụm không cho chúng trợ cứu. "Gậy ông đập lưng ông", điều kẻ thù không ngờ tới là hỏa lực của bộ đội lúc này khá mạnh khi vừa thu được của chúng ở trận Bàu Mưng. Đại liên, trung liên, cối 60, tuyn cải tiến, K50, cạc bin được các tay súng thiện xạ của Đại đội như Nguyễn Năm (Xuân), Nguyễn Mới, Nguyễn Đình Huệ, Nguyễn Chất, Tuyên, Tuyn, Trung, Lộc, Chiến, Bích... phát huy sức mạnh tối đa.

Tầm 8 giờ ngày 2-4, để dọn đường đổ quân càn quét, địch dùng máy bay ném bom dữ dội dọc bờ sông Vu Gia đến thôn Hà Vy và dọc rìa thôn Ngọc Kinh. Sau đó chúng cho hàng chục máy bay trực thăng HU1A đổ một đại đội thủy quân lục chiến xuống bãi cát ven sông Vu Gia và chia làm hai mũi kéo vào Hà Vy. Tưởng rằng bom đạn đã dọn sẵn trận địa, chúng ngang nhiên dàn hàng ngang đi vào làng mà không biết rằng sau những hàng chè tàu hay bờ tre, bộ đội đã phục sẵn. Chỉ cách chúng 3 m, đồng chí Chiến bắn phát đầu tiên. Tên địch ngã nhào, rống lên. Không để chúng hoàn hồn, bộ đội cứ thế nã súng vào đội hình làm chúng cuống quýt, tụm lại ôm khóc, càng làm hiệu suất trận đánh thêm cao. Địch tháo chạy ra ngoài bờ sông, dùng bom xăng thả vào làng, đổ thêm hai đại đội Mỹ ứng cứu và tiếp tục tấn công vào thôn Hà Vy. Bộ đội ở các thôn dựa vào từng chiến hào, bờ ruộng, càng đánh càng hăng, càng nắm thế chủ động, buộc địch phải ứng chiến theo ý định của ta. Nhiều chiến sĩ diệt từ 3-7 tên Mỹ, đặc biệt đồng chí Bích diệt 27 tên, được công nhận là Dũng sĩ diệt Mỹ.

Đến 21 giờ ngày 2-4, bộ đội rút hoàn toàn ra khỏi Lộc Vĩnh. Bọn địch phải co cụm lại, mấy ngày sau dùng trực thăng rút tàn quân bại trận và đưa xác lính Mỹ về căn cứ. Kết quả, ta diệt gọn một đại đội Mỹ, đánh thiệt hại nặng hai đại đội khác, bắn rơi và phá hỏng hai máy bay trực thăng. Phía Đại đội hy sinh đồng chí Chiến. Số bị thương không nhiều. Ngày hôm sau, bộ đội mang chiến lợi phẩm gồm 28 khẩu Kran M2, một đại liên M60 và nhiều súng khác về trưng bày tại Lâm Tây. Bà con xã Đại Đồng và các xã lân cận đã đến xem, vô cùng phấn khởi. Khí thế chiến đấu của quân và dân Đại Lộc sau chiến thắng Hà Vy càng dâng cao. Phong trào thi đua: "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt" được cổ vũ hơn bao giờ hết. Đại hội Chiến sĩ Thi đua khu 5 tháng 12-1966 đã biểu dương Đại đội 1 là đại đội địa phương cấp huyện đầu tiên của miền Nam diệt nhiều Mỹ nhất (217 tên) và thu nhiều súng nhất. Quân khu lúc bấy giờ đã phát động các đơn vị học tập Đại đội 1 đánh Mỹ.

Ông Hứa Ngại (phải), thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, ân nhân của Đại tá Võ Đình Trí,
nguyên chiến sĩ Đại đội 1. 

Hai cha con cùng một Đại đội

Được thành lập trong kháng chiến chống Pháp và tái thành lập năm 1962, Đại đội 1, bộ đội địa phương Đại Lộc đã sải những bước dài. Từ Bàu Mưng, Hà Vy đến Trúc Hà, Lâm Tây, Gò Đình, Tây Gia, Cồn Bút, Cầu Chìm, Phú Hương... khẳng định khí phách bất khuất, trung kiên của quân và dân Đại Lộc gắn liền với tên tuổi Đại đội 1. Có những thời điểm vô cùng khốc liệt, quân số tổn thất lớn, nhiều cán bộ Đại đội lần lượt hy sinh, ba bề là núi thuận lợi trú ẩn, nhưng đại đội không hề nhảy núi mà vẫn kiên cường bám dân, bám địa bàn, bám trận địa. Lực lượng của Đại đội thường xuyên bổ sung những người lính tham gia tổng đoàn chế độ ngụy Sài Gòn quay súng nhập vào hàng ngũ quân giải phóng. Trung đội nữ đánh giặc không kém nam giới. Tiểu đội trưởng, liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy đã được tuyên dương Anh hùng năm 1995.

Ít có đại đội nào mà hai cha con cùng chung chiến hào và cùng hy sinh như ở Đại đội 1. Đại tá Võ Đình Trí kể trong niềm thương tiếc: "Chính trị viên đại đội Nguyễn Văn Trường quê ở thôn Bộ Bắc, Đại Hòa có cậu con trai là Nguyễn Văn Kháng mới 14 tuổi nằng nặc xin vào làm chiến sĩ đại đội. Hai cha con cùng đánh nhau mấy trận thì Kháng dũng cảm hy sinh ở cầu Lừ 1966. Mấy năm sau, người cha cũng ngã xuống".  Không chỉ có hai cha con, Đại đội 1 còn có hai cặp anh em cùng chiến đấu đó là Huỳnh Minh Tú, Huỳnh Hải Lục, cả hai đều nằm lại ở quê hương. Hay hai anh em Lê Minh Huy, Lê Minh Sáu sát bên nhau những năm trận mạc và người anh đã thành liệt sĩ.

Trong số 6 Anh hùng LLVTND của  Đại đội 1 có 4 người là cán bộ Đại đội. Đại đội trưởng Nguyễn Năm (Xuân) được chiến sĩ vô cùng kính trọng. Chiến đấu và bị thương một mắt, cấp trên cho ra Bắc học tập, an dưỡng nhưng ông xin ở lại tiếp tục chiến đấu. Trong trận đánh vào thôn 15 Lộc Bình (Đại Lãnh), ông đã dũng cảm hy sinh, được nhân dân bí mật chôn cất. Sau ngày giải phóng, khi cất bốc hài cốt, gia đình xúc động khi bên ông vẫn còn nguyên khẩu súng K54. Chính trị viên, liệt sĩ Trần Văn Anh được đồng đội nhắc đến với sự ngưỡng mộ. Ông thực sự là linh hồn của Đại đội. Nơi đâu ác liệt là nơi đó ông có mặt. Những lời tâm tình, động viên của ông có sức mạnh ngàn cân, giữ chân nhiều chiến sĩ chưa quen thử thách. Trong trận đánh vào xóm Mít, thôn 12, Thượng Đức, 1966, quân ta hy sinh nhiều, ông khom người xuống từng công sự cõng bằng hết anh em đưa về phía sau. Máu loang đỏ cả áo và vóc dáng nhỏ, gầy guộc. Cùng với Chính trị viên Trần Văn Anh, Đại đội trưởng liệt sĩ Lê Tấn Thanh, Đại đội phó Đoàn Quý Phi, Nguyễn Sang luôn in đậm trong tâm thức người còn sống.

Từ chiếc nôi Đại đội, đã có hai chiến sĩ trở thành tướng lĩnh QĐNDVN, nhiều người là chỉ huy trưởng Bộ CHQS cấp tỉnh, thành phố, cán bộ chỉ huy Sư đoàn. Nhớ về những trận đánh lừng lẫy năm xưa, Đại đội 1 tự nguyện góp tiền xây dựng bia di tích trên địa danh đã từng diễn ra các trận đánh. Trận Hà Vy cũng nằm trong số đó. Tháng 3-1975, Đại đội 1 được điều về tỉnh và không còn phiên hiệu nhưng tên tuổi của Đại đội vẫn còn âm vang mãi. Danh hiệu Anh hùng LLVTND do Nhà nước trao tặng không chỉ là niềm vui của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 mà của cả nhân dân Đại Lộc đã cưu mang, che chở và rút ruột cống hiến những người con cuối cùng cho sự nghiệp giải phóng quê hương.

Bài, ảnh: Hồng Vân