Báo Công An Đà Nẵng

500km có 10 trạm thu phí: Doanh nghiệp vận tải kêu trời!

Thứ ba, 19/05/2015 09:19

(Cadn.com.vn) - Quốc lộ 14 là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên với nhau và nối Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ. Đến nay, quá trình thi công “dải lụa” từ các tỉnh Tây Nguyên đi Bình Phước cơ bản hoàn thành nhưng vấn đề khiến người dân để tâm chính là thiết lập hệ thống trạm thu phí.

Theo kế hoạch, đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ) được nâng cấp mở rộng từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) với tổng chiều dài 553 km, gồm 6 dự án trái phiếu Chính phủ và 5 dự án BOT do các doanh nghiệp đảm nhận. Dự tính khi hoàn thành tuyến đường này sẽ có 5 trạm thu phí đặt dày đặc trên địa bàn các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Đắc Nông. Riêng tỉnh Đắc Nông với đoạn đường 150 km sẽ có đến 3 trạm thu phí, hơn 57km qua tỉnh Gia Lai sẽ có 2 trạm thu phí.

Nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách ở Tây Nguyên chạy tuyến TPHCM đồng loạt cho rằng khi các trạm thu phí được đặt dày đặc trên QL14 theo dự tính đến năm 2016 thì bắt buộc giá cước vận chuyển phải tăng theo để đáp ứng chi phí và gánh nặng cuối cùng sẽ dồn lên đầu người dân. Trong khi đó với điều kiện kinh tế vùng miền, Tây Nguyên là khu vực có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn, cuộc sống của người dân còn nghèo khó.

QL14, đoạn qua Gia Lai có tổng chiều dài gần 60km, tổng vốn đầu tư 18.000 tỉ đồng được chỉ định thực hiện theo hình thức BOT, kế hoạch hoàn thành năm 2015 và dự tính đến năm 2016 đưa vào hoạt động hai trạm thu phí ở các địa điểm là Km1610+800 và Km1667+470. Điều đáng nói, theo quy định của Bộ Tài chính thì khoảng cách giữa hai trạm thu phí trên một tuyến đường có chiều dài tối thiểu là 70 km, nhưng ở tuyến đường này với khoảng cách chưa đầy 60 km mà có đến 2 trạm thu phí, liệu có hợp lý?

QL14 qua Tây Nguyên dự tính sẽ có đến 10 trạm thu phí.

Ông Lê Quang Mão, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Đắc Lắc cho biết: “Thực chất việc mở trạm thu phí trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc theo dự tính chưa có ảnh hưởng gì về cự ly giữa hai trạm. Nhưng sẽ ảnh hưởng cho việc vận tải, bao gồm vận tải hàng hóa và con người trong các hành trình khác. Lấy một thực tế nếu tuyến từ Đắc Lắc đến TPHCM phải qua 7 trạm thu phí. Nếu như vậy bắt buộc phải có sự điều tiết là tăng giá cước vận tải, người dân và doanh nghiệp vận tải sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Thực tế thì việc vận tải ở Đắc Lắc nói riêng và Tây Nguyên nói chung là theo thời vụ, ngay cả nông sản và con người. Còn nếu hành trình từ Gia Lai đi TPHCM thì doanh nghiệp vận tải phải qua 10 trạm thu phí”. Ông Mão cũng nói thêm rằng có quá nhiều cái khó cho doanh nghiệp vận tải nếu đặt trạm thu phí dày đặc như vậy. Doanh nghiệp vận tải ngoài khoản này còn “đèo” thêm phí bảo trì đường bộ.

Trước thực trạng bất cập vì có quá nhiều trạm thu phí qua địa bàn Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản đề nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn để mua lại một số dự án BOT trên địa bàn Tây Nguyên để giảm bớt các trạm thu phí, giảm bớt áp lực lên người dân Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước khi mua lại cần phải kiểm tra, kiểm định nghiêm ngặt về chất lượng các dự án BOT để tránh sự hư hỏng và thiệt hại công trình được chuyển giao cho Nhà nước quản lý do không đạt chất lượng.

Tứ Đức