Báo Công An Đà Nẵng

6 bị cáo liên quan đến vụ cháy quán Karaoke làm 32 người thiệt mạng bị tuyên tổng cộng 37 năm tù

Thứ năm, 31/10/2024 08:10
HĐXX TAND tỉnh Bình Dương tuyên án đối với các bị cáo trong vụ cháy quán karaoke An Phú khiến 32 người thiệt mạng.

Trong vụ án này, có 5 bị cáo bị xét xử về tội: “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, gồm: Lê Anh Xuân (chủ quán karaoke An Phú); Vũ Trường Sơn, Phạm Quốc Hùng, Phạm Thị Hồng (cựu cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH- Công an tỉnh Bình Dương); Nguyễn Thành Luân (Giám đốc Cty TNHH MTV Thái Bình Anh) và bị cáo Nguyễn Văn Võ (cựu cán bộ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH- Công an TP Thuận An) bị truy tố về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo cáo trạng, tối 6-9-2022, có khoảng 60 người (khách và nhân viên) có mặt trong quán karaoke An Phú, chủ yếu trong 5/29 phòng hát đang hoạt động. Đến 20 giờ 42 cùng ngày, 2 nữ nhân viên quán karaoke An Phú đang phục vụ tại 1 phòng hát phát hiện có khói bốc lên nên đi gọi các nam nhân viên phụ trách trong quán biết. Lúc này khói bắt đầu bốc lên từ hướng cầu thang nên 2 nam nhân viên của quán chạy đi thông báo, đưa khách từ một số phòng hát thoát lên sân thượng. Tuy nhiên, còn 32 người trong các phòng số 301, 302, 304, 305 và tại hành lang tầng 3 không thoát ra ngoài được nên bị chết. Ngoài ra, có 3 người do hoảng sợ nên nhảy từ tầng 2, tầng 3 xuống đất, bị thương nặng.

Kết quả điều tra xác định, nguyên nhân cháy là do sự cố chập điện đường dây dẫn điện lắp đặt trên trần la-phông qua khu vực trước phòng 202, 206 nên gây cháy các vật liệu xung quanh rồi đám cháy lan ra các hướng gây cháy lớn ở các phòng karaoke khu vực tầng 2 và phát triển lên tầng 3.

Cũng theo cáo trạng, quá trình xây dựng và hoạt động, bị cáo Lê Anh Xuân là chủ cơ sở đã không thực hiện đúng quy định về trách nhiệm PCCC nên không có lực lượng PCCC cơ sở để chữa cháy ngay từ đầu nhằm hạn chế thiệt hại. Không tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH cho nhân viên cơ sở để hướng dẫn các nạn nhân thoát nạn đúng cách. Không kiểm tra, duy tu theo định kỳ hệ thống báo cháy, vòi phun chữa cháy tự động nên khi cháy các hệ thống không hoạt động… Đồng thời, việc bị cáo Xuân xây dựng tòa nhà sai thiết kế, xây kín một số cửa sổ của các phòng gây tụ khói bên trong tòa nhà; tòa nhà không có lối thoát hiểm ngoài hệ thống cầu thang bộ gây cản trở đến quá trình thoát nạn của nạn nhân dẫn đến tình trạng cháy lan nhanh, nạn nhân không chạy thoát được dẫn đến tử vong.

Cáo trạng xác định bị cáo Phạm Thị Hồng đã có hành vi nhận hợp đồng thi công hệ thống PCCC cho cơ sở An Phú. Sau khi cung cấp vật tư và thuê người lắp đặt thiết bị PCCC cho cơ sở này, bị cáo Hồng nhờ bị cáo Nguyễn Thành Luân ký hợp thức hóa biên bản kiểm tra nghiệm thu để đảm bảo thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động. Đối với bị cáo Nguyễn Thành Luân (Giám đốc Cty Thái Bình Anh), dù Cty Thái Bình Anh không thi công hệ thống PCCC của cơ sở An Phú và Luân không trực tiếp tham gia nghiệm thu nhưng bị cáo Luân vẫn đồng ý giúp bị cáo Hồng ký xác nhận là đơn vị thi công trong hồ sơ nghiệm thu hệ thống PCCC của cơ sở An Phú, tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào hoạt động.

Đối với các bị cáo là cựu cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH, dù được phân công nhiệm vụ thẩm định, trực tiếp kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC và kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC&CNCH đối với cơ sở karaoke An Phú nhưng các bị cáo này đã không thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về PCCC. Ngoài ra, một số bị cáo còn lập khống các văn bản liên quan đến công tác PCCC&CNCH tại cơ sở karaoke này.

Hành vi vi phạm quy định về PCCC của các bị cáo: Lê Anh Xuân, Vũ Trường Sơn, Phạm Thị Hồng, Nguyễn Thành Luân, Phạm Quốc Hùng và hành vi thiếu trách nhiệm kiểm tra của bị cáo Nguyễn Văn Võ đã dẫn đến việc cơ sở karaoke An Phú cháy, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, những lời khai của bị cáo phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra. Riêng bị cáo Phạm Thị Hồng không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên, qua điều tra và lời khai của các bị cáo khác, những người làm chứng, cho thấy có đủ cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Hồng.

Cụ thể, năm 2017, bị cáo Hồng dù không có tư cách pháp nhân, không được cấp Giấy phép kinh doanh lĩnh vực PCCC nhưng đã nhận hợp đồng thi công hệ thống PCCC của cơ sở An Phú với ông Lê Xuân Hà. Sau khi cung cấp vật tư và thuê anh Nguyễn Nhất Linh lắp đặt, hoàn thiện xong hệ thống, Hồng lợi dụng mối quan hệ đồng nghiệp với bị cáo Phạm Quốc Hùng, tác động nhờ Hùng kiểm tra, nghiệm thu hệ thống PCCC cơ sở An Phú. Do Hồng không có tư cách pháp nhân nên nhờ bị cáo Nguyễn Thành Luân (Giám đốc Cty Thái Bình Anh) ký hợp thức hóa vào biên bản nghiệm thu do Hùng lập.

Xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Lê Anh Xuân 8 năm tù; Phạm Thị Hồng 7 năm 6 tháng tù; Phạm Quốc Hùng 7 năm tù; Vũ Trường Sơn 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Thành Luân 5 năm tù về tội: "Vi phạm các quy định về PCCC" và bị cáo Nguyễn Văn Võ 4 năm tù về tội: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ngoài ra, các bị cáo Xuân, Hồng, Hùng, Sơn có trách nhiệm liên đới bồi thường tổn thất tinh thần, liên đới cấp dưỡng cho con nhiều bị hại trong vụ cháy.

T.H