6 năm dân Trà Bui “đánh đu” trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2
Chưa có giấy phép vẫn… hoạt động
Chúng tôi lên xã Trà Bui theo đường ĐH8, tuy nhiên, do con đường bị hư hỏng nặng, lại lầy lội bởi đợt mưa kéo dài nên việc di chuyển bằng xe máy gặp nhiều khó khăn. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi di chuyển qua bờ đập thủy điện Sông Tranh 2, cạnh QL40B để đi ghe lên xã Trà Bui. Tại bến, chúng tôi thấy có đông người dân, HS đứng đợi. Đáng nói, tại vị trí này có bảng ghi: “Cấm ghe thuyền đi lại và neo đậu trong phạm vi phao cảnh giới”. Lát sau, một chiếc ghe làm bằng sắt tương đối lớn có mái che cập bến. Sau khi trả khách và xe lên bến, người đàn ông trên ghe dắt xe máy của khách lên ghe, tiếp tục di chuyển về xã Trà Bui. Ông này thu mỗi người đi ghe 30.000 đồng và xe máy 30.000 đồng/chiếc. Thấy trên ghe có trang bị nhiều áo phao, chúng tôi lấy mặc vào; còn phần lớn người dân, HS thì không mặc.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Hồ Văn N. (trú xã Trà Bui) cho biết, tuyến đường ĐH8 khai thác sử dụng lâu, phương tiện xe tải chở cây keo hoạt động mạnh nên bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2017, tuyến đường này nhiều điểm sạt lở khiến cả xã bị cô lập hơn 2 tháng. Trước thực tế này, ông Trần Thanh Huy (người đàn ông ở trên-P.V) đã đóng 1 chiếc ghe sắt kích thước tương đối để vận chuyển hàng hóa vào cung ứng cho người dân. Ngoài ra, mỗi chuyến ghe thiết kế chở hơn 30 người và hơn 15 chiếc xe máy di chuyển theo lòng hồ xuống đường chính, thu phí như đã nêu trên. Khi đường ĐH8 được thông, nhiều đoạn bị hư nghiêm trọng, phương tiện đi lại rất khó khăn. Nếu đi bằng xe máy từ trung tâm xã Trà Bui xuống ngã ba Trà Đốc phải mất hơn 2 giờ; còn di chuyển bằng ghe chỉ mất tầm 45 phút. Vì vậy, dù chủ ghe thu mức phí tương đối cao, nhưng do thuận lợi hơn nên 6 năm nay người dân ở đây chủ yếu đi bằng ghe. Khi chúng tôi hỏi, vì sao anh cũng như nhiều người dân khác không mặc áo phao, anh N. trả lời: “Chúng tôi quen rồi, thời tiết này hồ yên tĩnh không lo. Khi nào sóng gió lớn mới mặc”. Cũng theo anh N., vào mùa mưa, lòng hồ kín nên gió mạnh, sóng lớn. “Lúc đó chiếc ghe chao đảo, chúng tôi sợ lắm! Nhưng nhờ có nó mà người dân giải quyết được nhiều công việc và kịp thời đưa nhiều trường hợp bệnh nặng, bị thương xuống bệnh viện cấp cứu”- anh N. nói
Hơn 40 phút lênh đênh trên lòng hồ, chúng tôi cập bến tại thôn 4, gần UBND xã Trà Bui. Phía bờ bên kia, có 1 chiếc ghe sắt khác kích cỡ lớn hơn đang đợi đón khách để đưa xuống đồng bằng. Người dân cho biết, chiếc ghe kia là của ông Đinh Văn Lưỡng hoạt động mùa mưa năm 2022, công suất chở hơn 40 người và hơn 20 chiếc xe máy. Trunh bình mỗi ngày, ông Huy và ông Lưỡng chạy 2 chuyến, những ngày khách đông thì chạy 3 - 4 chuyến. Ghe này chỉ hoạt động khi mực nước dâng cao, còn lúc nhà máy thủy điện xả nước phát điện, lòng hồ cạn nước không lưu thông, người dân phải đi đường ĐH8, vô cùng vất vả.
Cần siết chặt quản lý ghe trên lòng hồ
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Cường – Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho hay, tuyến đường ĐH8 sử dụng đã lâu nên xuống cấp, đi lại rất khó khăn. UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường này, giao cho huyện làm chủ đầu tư. Do nhiều nguyên nhân, đơn vị thi công làm chưa được nửa tuyến thì dừng, hiện tại tuyến đường vẫn ngổn ngang, lầy lội. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, ông Huy và ông Lưỡng đóng ghe để vận chuyển người, hàng hóa xuống hạ lưu lòng hồ và có thu phí. Việc hai ông này tự ý khai thác đường thủy trên lòng hồ là sai quy định, không đảm bảo an toàn. Chuyện người dân chủ quan không mặc áo phao xã có biết. Xã cũng đã báo cáo tất cả sự việc lên huyện để có biện pháp xử lý. UBND xã Trà Bui cũng nhiều lần kiến nghị lên huyện về việc sớm hoàn thiện tuyến đường ĐH8, tuy nhiên do còn nhiều vướng mắc nên tuyến đường hiện vẫn chưa thể triển khai thi công.
Qua lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bắc Trà My, được biết, trước đây ông Huy làm thủ tục xin cấp phép hoạt động ghe chở người trên lòng hồ nhưng chưa được đơn vị có thẩm quyền đồng ý. Thời gian này, ông Huy có đi học lớp đào tạo lái ghe và đã được cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện. Tuy chưa được cấp phép hoạt động, nhưng do nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân xã Trà Bui, ông Huy tự ý hoạt động. Nhận thấy nhu cầu người dân đi đường thủy nhiều, cuối năm 2022, trên lòng hồ này có thêm 1 chiếc ghe do ông Lưỡng đóng để chở người, hàng hóa. “Phòng phối hợp với nhiều lực lượng thường xuyên kiểm tra, yêu cầu chủ ghe hoạt động đảm bảo an toàn, người dân phải mặc áo phao. Việc hai ông này hoạt động ghe chở người, phương tiện trên lòng hồ thủy điện tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo huyện ban hành kế hoạch nhằm siết chặt quản lý hoạt động này”- vị lãnh đạo này thông tin.
Liên quan tuyến đường ĐH8, ông Trần Toại - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 120 tỷ đồng do UBND huyện Bắc Trà My làm chủ đầu tư, giao liên doanh nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng Thanh Sơn và Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương đảm nhận thi công. Tuy nhiên, mấy năm qua, do ảnh hưởng bởi đại dịch bệnh COVID-19, giá nguyên vật liệu tăng và địa hình không thuận lợi nên hai đơn vị mới làm đạt khoảng 34,5% giá trị hợp đồng. Hiện các đơn vị thi công đã rút toàn bộ máy móc ra khỏi công trình. UBND huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Kế hoạch Đầu tư về tiến độ dự án. Khi nào UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho dừng dự án thì UBND huyện sẽ tổ chức đấu thầu lại, chọn đơn vị thi công khác. “Chủ tịch UBND huyện cũng đã chỉ đạo cho BQL Dự án – Quỹ đất huyện Bắc Trà My phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư vấn, giám sát, tư vấn thiết kế, kiểm tra lại khối lượng đã làm được, kiểm tra liên danh hai nhà thầu này vi phạm những gì, sau đó có hướng xử lý”- ông Toại nói.
Lê Vương
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra một số vụ lật ghe với hơn 10 người tử vong. Trong đó, nghiêm trọng nhất là vụ lật ghe xảy ra chiều 25-2-2020, 10 người dân đi ghe trên sông Vu Gia (xã Đại Cường, H. Đại Lộc, Quảng Nam) bất ngờ bị lật. Người dân kịp thời cứu được 4 người, còn 6 người tử vong. Hay vụ ngày 8-5-2020, 11 người ở thôn Hội Sơn (xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) lái ghe qua bờ bên kia sông Thu Bồn thuộc TP Hội An chơi. Trên đường về sóng lớn đánh khiến ghe bị lật giữa sông, làm 5 người tử vong. Từ thực trạng trên, đề nghị UBND H. Bắc Trà My tăng cường quản lý chặt hoạt động vận tải trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc; đồng thời sớm có biện pháp khắc phục để dự án tiếp tục được triển khai thi công nhằm hoàn thiện con đường ĐH8 để người dân đi lại thuận lợi. |