6 người bị thương do nổ đầu đạn
(Cadn.com.vn) - Hàng chục năm qua, năm nào cũng có những vụ tai nạn thương tâm vì bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh. Hơn ai hết, chính những lao động nghèo thiếu hiểu biết, hoặc vì mưu sinh mà họ phải bất chấp khi chấp nhận “sống chung với thần chết”. Vụ tai nạn nổ đầu đạn khiến 6 người bị thương vừa xảy ra tại H. Ba Tơ, Quảng Ngãi thêm một lần nữa cảnh báo về sự nguy hiểm của những “thần chết” đang nằm trong lòng đất.
Nghịch “tử thần”
Những ngày qua, tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, các y, bác sĩ tập trung điều trị, cứu chữa chị Phạm Thị Trinh (35 tuổi, trú xã Ba Dinh, H. Ba Tơ) bị thương vì vụ nổ đầu đạn. Trong vụ tai nạn này, chị Trinh cùng 5 người đều trú xã Ba Dinh bị thương phải nhập viện và hiện 2 người đã hồi phục, xuất viện gồm Phạm Văn Sinh và Phạm Văn Hoàng. Riêng anh em ruột của chị Trinh là Phạm Văn Trị, Phạm Thị Trệ và Phạm Văn Đăng tuy sức khỏe dần hồi phục nhưng vẫn đang tiếp tục điều trị, chăm sóc tại Bệnh viện Quảng Ngãi. Chị Trinh với nhiều vết thương nặng trên người như bụng, tay, chân. Được biết, hoàn cảnh của 6 người bị thương đều khó khăn, hằng ngày phải đi làm thuê phát rẫy, đốn cây. Tuy ở H. Ba Tơ, nhưng chị Trinh và cả nhóm đi theo đoàn xuống H. Đức Phổ phát rẫy mía thuê, tối về ngủ chòi gần rẫy.
Anh Phạm Văn Trị kể lại: “Lúc đó khoảng 15 giờ ngày 9-4, sau khi phát rẫy xong, chúng tôi về chòi nghỉ ngơi. Một mình tôi đi tìm rau rừng về nấu ăn thì tình cờ phát hiện một cục sắt dài khoảng 30cm. Tôi nghĩ là cục sắt bình thường nên nhặt lên bỏ vào túi quần đem về chòi”. Lúc này tại chòi có nhiều người, đa số là phụ nữ chuẩn bị bếp núc lo cơm tối. Số đàn ông còn lại ra suối tắm. Anh Trị cầm cục sắt quơ cho mọi người xem. Anh Đăng (chồng chị Trệ) la to: “Coi chừng nổ đấy. Đó là đầu đạn!”. “Lúc này tôi mới biết cục sắt trên tay mình là đầu đạn, kinh hãi nên vội ném đầu đạn đi thì cũng là lúc nó phát nổ. Tiếng nổ long trời, tôi choáng váng, ngã nhào. Tỉnh lại tôi mới biết mình cùng các em ruột và một số người khác bị thương” - anh Trị kể lại. Những người bị thương nhanh chóng được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đặng Thùy Trâm rồi chuyển tuyến Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.
Theo ông Bùi Văn Vỹ - Chủ tịch UBND xã Phổ Nhơn, sau khi vụ nổ đầu đạn xảy ra, chính quyền địa phương phối hợp CA, BCH Quân sự huyện khẩn trương điều tra vụ việc.
Chị Phạm Thị Trinh đang được điều trị tại bệnh viện. |
Ba anh em Phạm Văn Trị, Phạm Thị Trệ và Phạm Văn Đăng tại Bệnh viện. |
Hiểm họa dai dẳng
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi thường xảy ra những vụ việc thương tâm do bom, đạn gây ra. Biết rằng bom, đạn hết sức nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn đùa giỡn với tử thần. Bom đạn còn sót lại sau chiến tranh vẫn còn nhiều trong lòng đất. Trong khi đó, tỷ lệ người dân còn thiếu hiểu biết, kiến thức về bom, đạn vẫn còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê sơ bộ, đối tượng bị bom, mìn sát thương nhiều nhất thường là trẻ em và những nông dân thiếu kiến thức, ít hiểu biết về bom, mìn và vật liệu nổ. Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước xảy ra vụ việc nhiều trẻ em thương vong do đùa nghịch bom đạn khi nhặt được.
Chị Phạm Thị Trệ bộc bạch: “Riêng người dân như chúng tôi cũng không lường hết được hậu quả cần gì nói đến trẻ em. Trình độ học vấn chúng tôi ít nên không rành về sự nguy hiểm của bom, đạn cũng như cách nhận biết. Trong khi đó hằng ngày chúng tôi tiếp xúc, làm việc trên nương rẫy cũng hay gặp những cục sắt, không biết có nổ hay không. Nghĩ là sắt nên cầm về, không làm cái này cũng làm cái khác hoặc đem bán sắt vụn”.
Hiện trường một vụ nổ đầu đạn làm thương vong nhiều người ở Quảng Ngãi. |
Cách đây không lâu, ông Nguyễn Ái Minh (38 tuổi, trú thôn Lâm Thượng, xã Đức Phong, H. Mộ Đức) nhặt được 2 đầu đạn B41 tại khu đất keo ở xã Phổ An, H. Đức Phổ. Ông Minh bí mật đem 2 đầu đạn trên đến nhà một người dân ở thôn An Phổ, xã Phổ An. Tại đây, trong lúc đục đầu đạn thì nó phát nổ khiến ông Minh bị thương nặng.
Để rà phá, làm sạch bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh cần nguồn kinh phí rất lớn và phải mất rất nhiều thời gian. Do vậy, để hạn chế những vụ tai nạn do bom, đạn gây ra, cả trước mắt và lâu dài, việc nâng cao nhận thức, kiến thức phòng tránh bom mìn, vật nổ cho người dân là hết sức quan trọng và cấp thiết. Hiện nhiều địa phương đã xây dựng các chương trình giáo dục phòng tránh bom mìn, vật nổ cùng nhiều hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là với trẻ em về hậu quả bom mìn, vật liệu nổ.
Tuy nhiên, không ít đơn vị, địa phương chưa chú trọng vấn đề này. Để giảm bớt tai nạn, thương tích, các ngành, địa phương cần tích cực, chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, cảnh báo, phòng tránh đến từng gia đình, người dân, học sinh trong các trường học… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, đại lý thu mua phế liệu chiến tranh phân loại, thu gom các loại vật liệu nổ nguy hiểm lẫn trong phế liệu và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng xử lý. Cùng với đó, các hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép bom mìn, vật nổ cần phải được điều tra, xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
T. Sự