7 năm nội chiến, Syria vẫn khốc liệt
Cuộc nội chiến tại Syria đã bắt đầu bước vào năm thứ 8, với việc đẩy lui được nhóm cực đoan IS. Nhưng cuộc chiến vẫn khốc liệt và điều kiện sống của người dân nước này tệ hơn bao giờ hết.
Đống đổ nát của một khu phố ở Aleppo. Ảnh: CNN |
"Tồi tệ hơn bao giờ hết"
Cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào ngày 15-3-2011 khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nổ ra ở thành phố miền nam Deraa, lấy cảm hứng từ phong trào "Mùa xuân Arab" ở các nước láng giềng. Khi đụng độ xảy ra, các cuộc biểu tình bùng phát mạnh trên toàn quốc, yêu cầu tổng thống từ chức. Bất ổn lan rộng và các cuộc đụng độ bạo lực đã leo thang nhanh chóng và đất nước rơi vào nội chiến.
7 năm đã trôi qua. Người dân Syria chứng kiến quá nhiều sự khốc liệt của chiến tranh. Sự sụp đổ của "Vương triều Hồi giáo" do IS tuyên bố tại Syria không thể giúp chấm dứt cuộc xung đột. "Những điều kiện mà các dân thường bên trong Syria phải đối mặt tồi tệ hơn bao giờ hết, với 69% sống trong cảnh đói nghèo", Cao ủy người tị nạn LHQ Filippo Grandi cho biết. "Cuộc chiến 7 năm qua đã gây ra bi kịch khủng khiếp đối với người dân. Vì lợi ích của cuộc sống, đã đến lúc phải chấm dứt cuộc xung đột tàn phá này", ông Grandi nói thêm.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, gần 354.000 người thiệt mạng trong 7 năm qua, trong đó có 106.000 dân thường. Con số này không bao gồm 56.900 người bị mất tích. SOHR cũng ước tính 100.000 người chết không được ghi nhận. Trong khi đó, 1,5 triệu người bị thương tật vĩnh viễn, trong đó có 86.000 người bị mất chân tay. Ít nhất 6,1 triệu người Syria phải di dời trong nước, trong khi 5,6 triệu người khác đã bỏ chạy ra nước ngoài.
Các nước láng giềng Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi 92% trong số họ đang sống tị nạn, đã phải vật lộn để đối phó với dòng người tị nạn lớn nhất trong lịch sử gần đây. LHQ ước tính 13,1 triệu người cần được trợ giúp nhân đạo tại Syria vào năm 2018. Các bên tham chiến đã làm cho vấn đề tồi tệ hơn bằng cách không cho phép các cơ quan viện trợ tiếp cận với người dân. Gần 3 triệu người đang sống trong các khu vực bị bao vây hoặc khó tiếp cận.
Người Syria cũng bị hạn chế quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Các bác sĩ SOHR đã ghi nhận 492 vụ tấn công vào 330 cơ sở y tế vào cuối tháng 12-2017, dẫn đến cái chết của 847 nhân viên y tế. Phần lớn di sản văn hóa phong phú của Syria cũng đã bị phá hủy trong cuộc xung đột. Tất cả 6 di sản thế giới được UNESCO công nhận tại nước này đã bị phá hủy đáng kể. Nhiều khu vực bị san phẳng hoàn toàn trên khắp đất nước.
Chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát các thành phố lớn nhất của Syria nhưng phần lớn đất nước vẫn còn bị các nhóm nổi dậy và liên minh SDF do người Kurd dẫn đầu nắm giữ. Trụ sở phe đối lập nằm ở tỉnh Idlib, tây bắc đất nước, khiến nơi này trở thành mục tiêu tấn công của quân chính phủ. Một cuộc tấn công ác liệt khác đang diễn ra ở Đông Ghouta, khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ngoại ô thủ đô Damascus. 393.000 cư dân của thành phố bị bao vây từ năm 2013, và đang phải đối mặt với những cuộc xung đột dữ dội cũng như sự thiếu hụt lương thực và vật tư y tế trầm trọng.
Ai sẽ chiến thắng?
Nhà phân tích Syria Fabrice Balanche cho rằng, "Hôm nay, chế độ Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát hơn một nửa lãnh thổ. Ông nắm giữ các thành phố lớn... rõ ràng là ông đã chiến thắng".
Sau khi đẩy lui IS, bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy Syria lại rơi vào vòng lẩn quẩn trong cuộc chiến. Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma cho rằng: "Những gì chúng ta đang thấy là cuộc tranh giành Syria ngay lúc này. Theo ông Landis, xu thế chính sẽ là sự chia rẽ Syria thành ba khối. Khối thứ nhất do chế độ Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát. Những người Kurd được Mỹ hậu thuẫn nắm giữ lãnh thổ giàu dầu mỏ ở vùng đông bắc Syria, chiếm khoảng 30% diện tích đất nước và một nhóm người nổi dậy Arab được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đang tìm kiếm lãnh thổ ở tây bắc đất nước.
"Ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trên mặt đất, bên trong Syria, sẽ tiếp tục lan rộng", Nicholas Heras của Trung tâm An ninh Mới dự đoán. "Theo cách này, năm 2018 sẽ tiếp tục xu hướng củng cố các khu vực kiểm soát ở Syria, ngay cả khi lực lượng Bashar al-Assad kiếm được lợi ích ở một số khu vực của đất nước", ông nói.
AN BÌNH