Báo Công An Đà Nẵng

70 năm lòng ta có Đảng

Thứ năm, 07/06/2018 21:00

Cùng tham gia giác ngộ cách mạng, cùng đượckết nạp vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Việt Nam và nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, vợ chồng ông Phạm Mạnh Cương (1928) và bà Trần Thị Kim Ngân (1931), trú TP Vinh, Nghệ An thực sự là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Tình yêu lớn đối với Đảng và đất nước hòa quyện vào tình yêu lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng...

Ông Phạm Mạnh Cương và bà Trần Thị Kim Ngân xem lại cuốn nhật ký xưa.

Trong căn hộ nhỏ, cũ kỹ ở khối 5, P. Quang Trung, TP Vinh, có đôi vợ chồng già tóc bạc phơ hàng ngày vẫn dìu nhau đi tập thể dục, săn sóc nhau chu đáo qua từng cử chỉ ân cần... Tròn 70 năm tuổi Đảng cũng là ngần ấy khoảng thời gian họ gắn bó với nhau trong tình yêu và nghĩa vợ chồng. Xuất thân từ gia đình nhà Nho ở tổng Phù Long (H. Hưng Nguyên, Nghệ An ngày nay), 19 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Mạnh Cương đã tham gia cách mạng. Tháng 8-1945, anh có mặt trong đoàn người tổng Phù Long đi cướp chính quyền từ tay sai phong kiến. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Phạm Mạnh Cương cảm mến em gái của một người đồng chí mình là cô thôn nữ Trần Thị Kim Ngân. "Hồi đó, bà ấy chưa đầy 17 tuổi, là người trong làng nên cũng có quen nhau từ trước. Khi phong trào cách mạng dâng cao, Ngân cũng bị cuốn vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc. Sau một năm giác ngộ, tham gia cách mạng, Ngân được kết nạp vào Đảng,  còn tôi năm 21 tuổi mới kết nạp"-ông Cương nhớ lại.

Để được đứng vào hàng ngũ của Đảng, trong lời hẹn ước lứa đôi của họ là những đợt thi đua trong công tác, là quyết tâm để được trở thành đồng chí của nhau. Họ đã biến quyết tâm này trở thành động lực để cùng nhau nỗ lực vươn lên, hăng hái chiến đấu, tham gia sản xuất phục vụ chiến tranh. "Thời đó, tôi vừa hoạt động thanh niên ở quê nhà vừa hăng hái hoạt động cách mạng. Khi được kết nạp Đảng, tôi cảm thấy vui và tự hào lắm"-bà Ngân bày tỏ. Thời gian ông Cương vào quân ngũ, bà Ngân hoạt động đoàn và trở thành Bí thư chi bộ xã, sau đó được điều động sang công tác trong ngành giáo dục. Năm 1950, hai người chính thức trở thành vợ chồng. Sau khi cưới, ông Cương đi kháng chiến biền biệt, chỉ gặp nhau giây phút ít ỏi trong những lần về phép. Đằng đẵng sau 9 năm, cậu con trai cả mới chào đời. Sau đó bà Ngân phải chuyển công tác ra Hải Phòng, phụ trách lớp học của con em miền Nam tập kết ra Bắc. "Đó là những năm tháng vất vả, khổ cực không bao giờ quên khi vừa phải hoàn thành nhiệm vụ vừa săn sóc cho tổ ấm gia đình. Cùng mẹ sơ tán ra Bắc nên cậu con trai cả Phạm Mạnh Thăng học ở Hải Phòng 10 năm thì có tới 11 năm phải chuyển trường"-bà Ngân nhớ lại. Thương vợ con, ở nơi xa, những cánh thư là "cầu nối duy nhất" của gia đình, là nơi người chồng thể hiện tình cảm, sự quan tâm tới vợ và sự răn dạy các con. Những lá thư bao giờ cũng bắt đầu bằng lời thương nhớ: "Em và các con thân thương!". Ngoài hỏi han sức khỏe vợ con, ông Cương còn gửi gắm những răn dạy của người bố vào những lá thư: "Sống trong tập thể các con phải biết phát huy sáng kiến, phải cố gắng làm cho bản thân mình thanh thản. Chơi, học cũng phải có giờ, có giấc, có nghỉ thì làm việc mới năng suất, đừng làm thời gian trôi đi lãng phí, vô ích. Bây giờ, thầy đi vắng, mẹ không khỏe, các em cũng yếu, anh cả phải quan tâm đến mọi việc trong gia đình: mua củi, gánh nước, mua gạo...".

Không khí gia đình đầm ấm.

Năm 1970, bà Ngân được chuyển về công tác tại Nghệ An, vừa có thời gian phụng dưỡng bố mẹ và chăm lo cho 4 đứa con. Đây cũng là khoảng thời gian vợ chồng gần nhau cho đến tận bây giờ sau hàng chục năm xa cách. "Nhìn ông bà săn sóc, quan tâm nhau từng li, từng tí, nhiều khi chúng tôi cũng cảm thấy ghen tị. Có lẽ từ thời chiến tranh, cuộc sống vất vả khó khăn nên tình yêu cũng trở nên đẹp, bền chặt, gắn bó hơn. Những đứa con của ông bà đều được thừa hưởng đức tính kỷ luật, nghiêm khắc, ngăn nắp trong quân đội của thầy và sự điềm đạm, nết na trong môi trường giáo dục của mẹ. Suốt quãng thời gian chăm sóc, phụng dưỡng thầy mẹ, tôi không nghe thấy ai một trong hai người nói nặng lời, to tiếng với nhau bao giờ"-bà Võ Thị Thanh Thảo (con dâu của ông Cương, bà Ngân) chia sẻ. Từ khi nghỉ hưu đến nay, ông Cương và bà Ngân luôn tham gia mọi hoạt động của tổ chức, ông sinh hoạt đến năm 88 tuổi và 2 người mới miễn sinh hoạt Đảng được 2 năm nay. Dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhưng họ luôn nêu cao tinh thần cách mạng, đóng góp nhiều ý kiến cho cấp ủy, hăng hái trong mọi phong trào của chi bộ, mẫu mực trong đời thường. Hai cụ là tấm gương sáng cho các Đảng viên trong Chi bộ, đặc biệt là các Đảng viên trẻ", ông Nguyễn Lê Hà - Bí thư Chi bộ khối 5, P. Quang Trung, TP Vinh nói.

Với những cống hiến công cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của nước nhà và trong thời bình, ngày 29-5 vừa qua, ông Phạm Mạnh Cương và bà Trần Thị Kim Ngân nhận được huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Đây là niềm vinh dự lớn không chỉ cho bản thân ông bà mà còn là niềm tự hào để con cháu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu học tập, làm việc để xứng đáng với truyền thống của gia đình, dòng họ.

D.HÓA