72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp và trách nhiệm của ngành Giáo dục
(Cadn.com.vn) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII ngày 20-5, Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập tới vấn đề rất “nóng” trong dư luận thời gian qua, đó là việc 72.000 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chưa có việc làm. Chúng ta có thể viện dẫn ra nhiều nguyên nhân để lý giải cho tình trạng này: chất lượng đào tạo, quy hoạch và dự báo nghề nghiệp, nhu cầu của các nhà tuyển dụng, chất lượng cử nhân... Xem xét về “đầu vào” thì thấy rằng, ở nước ta hiện nay hầu như thành phố nào, tỉnh nào cũng xin thành lập các trường đại học, không chỉ một trường mà là hai hay nhiều trường...
Tính đến nay cả nước ta có đến hơn 250 trường đại học công lập, ngoài công lập. Trong khi đó, có những trường đại học cũng chưa xác định chính xác nhu cầu thực tế của xã hội để xây dựng các ngành đào tạo phù hợp chạy theo đào tạo ngành “hot”, ngành dễ thu hút sinh viên. Và dễ hiểu tại sao chuyện một thí sinh dự thi đại học nhận được cả một tập giấy gọi trúng tuyển của các trường khác nhau.
Nhiều bạn trẻ đã chọn con đường học nghề phù hợp với năng lực của mình. |
Đào tạo nhiều, nhưng chất lượng đào tạo như thế nào? Đây là một vấn đề mà lâu nay, xã hội đặc biệt quan tâm. Nhưng xem ra, sự chuyển biến chưa được là bao. Thậm chí có một số trường, sau khi tuyển cũng chẳng mấy quan tâm đến đầu ra, chỉ chạy theo chỉ tiêu đầu vào, làm sao cho có nhiều thí sinh là được. Chất lượng đào tạo phải xuất phát từ những yếu tố mang tính nền tảng: Thứ nhất, phải có đủ đội ngũ giảng viên có trình độ cao, có kinh nghiệm tốt; thứ hai là phải có chương trình, giáo trình, nội dung đào tạo tiên tiến, không lạc hậu, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển; thứ ba là phải có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành. GD–ĐT của ta cho đến nay vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu đó ở rất nhiều ngành. Một khi đào tạo chỉ chủ yếu chạy theo số lượng mà bỏ ngỏ chất lượng thì lẽ tất nhiên không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc thừa nhân lực một phần trách nhiệm thuộc về người học. Rất nhiều bạn trẻ chưa xác định cho mình mục tiêu cụ thể khi vào đại học. Một tư tưởng khá phổ biến trong sinh viên đó là học cho có tấm bằng rồi tính tiếp! Tư tưởng thụ động và trông chờ vào may mắn khi ra trường khiến không ít bạn trẻ bị vuột qua tay những cơ hội. Rồi có những bạn trẻ sau khi tốt nghiệp đại học cũng đã đi làm một số nơi nhưng thấy không phù hợp hay chưa xin được việc lại tiếp tục đăng ký dự thi và học sau đại học với hi vọng có trong tay chiếc bằng có giá trị hơn để có được công việc dễ dàng hơn. Tuy nhiên, những gì mà những bạn trẻ có được ấy chỉ là những lý thuyết trên sách vở còn kinh nghiêm thực tế thì lại gần như bằng không. Và, khi đi xin việc các nhà tuyển dụng yêu cầu kinh nghiệm, yêu cầu thực tiễn thì lại không đáp ứng được...
Nguyên nhân đã được nói nhiều và có cả những cảnh báo từ lâu. Nhưng để giải quyết được vấn đề thất nghiệp như hiện nay thì không hề đơn giản. Cần có những giải pháp đồng bộ và cùng nhau chia sẻ giữa nhà trường, nhà tuyển dụng và chính người đi học. Cần có sự phân luồng, định hướng nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng cho học sinh sau khi tốt nghiệp và dự thi vào các trường. Phải xây dựng được dự báo về cung - cầu giữ nhu cầu tuyển dụng thực tế để từ đó các trường có thể xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho phù hợp. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học để sinh viên ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự sát sao hơn trong công tác kiểm tra đánh giá chất lượng của các trường.
N.L