Báo Công An Đà Nẵng

"A lô, 115 đã ra tới Hoàng Sa!"

Thứ sáu, 26/09/2014 07:54

(Cadn.com.vn) - Bà Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng là người có biệt tài sơ cấp cứu cho ngư dân qua… Icom. Với những ca bệnh mà mạng sống của họ phải chạy đua với thời gian thì đích thân bà Hồng hoặc các cộng sự của bà tại Trung tâm sẽ nhảy tàu SAR ra trùng khơi cứu nạn.    

Ngư dân được cứu khi vừa ngừng thở trên biển

Mỗi khi ngư dân cần trợ giúp y tế trên biển, từ BĐBP, Đài Thông tin Duyên hải đến Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC) đều bấm máy đến "bà Hồng cấp cứu". Và cuộc gọi của ngư dân sẽ được nối máy cho người phụ nữ mát tay này. Việc đầu tiên của bà Hồng là trấn an tâm lý đồng thời nắm tình hình sức khỏe của nạn nhân và đưa ra các thao tác sơ cứu qua... Icom. Gần như trong đầu bà có sẵn một ngân hàng bệnh thường gặp đối với người đi biển, cho nên chỉ cần "người khai bệnh" chính xác thì kết quả sơ cứu sẽ ổn.

Nhưng có lúc, vì hoảng loạn hoặc sóng vô tuyến chập chờn, ngư dân không đủ tỉnh táo để kể hết các triệu chứng của bệnh. Vậy là bà hỏi, họ chỉ cần trả lời kiểu trắc nghiệm "có" hoặc "không". Nếu đó là những bệnh thường gặp và đích thân các thuyền viên có thể xử trí được thì bà sẽ tư vấn và theo dõi từng động tác của họ qua tưởng tượng. Ngược lại, tiên liệu được những nguy hiểm có thể xảy ra đối với nạn nhân, thông tin sẽ được báo cho Danang MRCC đồng thời giọng nói ấm áp ấy lại vang lên trong Icom: "Các anh yên tâm, chúng tôi bắt đầu lên đường".

Anh Ngô Diên Anh Tuấn (trái) xuống xuồng trung chuyển để cấp cứu cho ngư dân bị nạn
trên biển.

Bác sĩ Nguyễn Cứ, người có thâm niên 25 năm làm nghề là một trong những người ra biển cứu ngư dân nhiều lần nhất của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Khi thì đi cùng BĐBP, khi thì nhảy tàu SAR của Danang MRCC, bao giờ ông Cứ cũng tiên liệu tình hình sức khỏe của nạn nhân trên biển tính từ 15 phút sau khi nhận thông tin từ các tàu triển khai cứu nạn. Ông tiết kiệm từng giây để di chuyển lên tàu cứu nạn đạp sóng ra khơi. "Khi không thể hướng dẫn sơ cứu qua Icom nữa nghĩa là tình trạng của họ đã nguy kịch. Trên đường đi ra, mình phải phán đoán diễn biến tình hình sức khỏe cũng như vị trí họ bị nạn để đưa ra phương án xử trí. Có nhiều trường hợp, chúng tôi xuất phát từ Đà Nẵng nhưng ra biển thực hiện xong các thao tác ổn định cần thiết là phải chạy vào phía Quy Nhơn, vì nếu về theo đường cũ sẽ không kịp", ông Cứ chia sẻ.

 Không như ở trên đất liền, các bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê, hồi sức đi cứu nạn trên biển gần như không mang theo được bất cứ một loại máy móc hiện đại nào. Điều này đòi hỏi những kỹ năng thủ công cộng với trình độ chẩn đoán các bệnh lý thường gặp đối với người đi biển. "Việc "hội chẩn" chỉ được thực hiện trong giây lát qua lời kể của các thuyền viên. Sau đó chúng tôi khám tay, phán đoán bằng trực quan chứ không thể khám cận lâm sàng như siêu âm, điện tim... Ở giữa biển khơi, đặc biệt là những lúc có bão tố, thuyền viên trên tàu hoảng loạn thì việc này thực sự khó khăn", bác sĩ Tôn Thất Tuấn, người đã thực hiện nhiều chuyến đi cứu nạn, có chuyến kéo dài 2-3 ngày tận vùng biển Philippines cho biết.

Nhân viên cấp cứu của 115 Đà Nẵng và lực lượng y tế của Danang MRCC
thực hiện hồi sức cấp cứu cho 1 ngư dân bị nạn.

Trong nhiều năm tham gia cứu nạn trên biển cho ngư dân, kỹ thuật viên gây mê hồi sức Ngô Diên Anh Tuấn nhớ nhất là chuyến ra khơi ứng cứu một ngư dân bị hôn mê tại vùng biển Hoàng Sa trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981. Sóng gió quá to, tàu SAR 412 không thể cập mạn tàu cá. Đích thân anh Tuấn phải lên xuồng nhỏ để tiếp cận nạn nhân. Đúng lúc anh sang tàu thì ngư dân vừa ngừng thở, nghĩa là nếu chậm một khoảnh khắc nữa thôi thì có thể đã không cứu được. "Nhưng đó chưa phải là tình huống nguy hiểm nhất. Ngay sau khi hồi sức và cố định nạn nhân vào cáng cứu hộ thì tàu Trung Quốc áp sát uy hiếp. Chúng tôi phải vừa cấp cứu nạn nhân vừa thoát khỏi tàu hải cảnh bằng con xuồng cứu hộ bé tí, chạy nhanh quá nước vào sẽ chìm, chạy chậm tàu Trung Quốc bắt kịp cũng chìm. Gần như ngư dân đó 2 lần thoát chết", anh Tuấn rùng mình kể lại.

 Cả nước mới chỉ Đà Nẵng có "115 trên biển"

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng cho hay, hiện tại chưa có một văn bản nào về quy chế phối hợp giữa Trung tâm Cấp cứu 115 với các đơn vị liên quan như BĐBP, Danang MRCC hay Đài Thông tin Duyên hải. Nhưng mỗi khi có yêu cầu từ các đơn vị nói trên cũng như ngư dân, lập tức những chiếc áo blouse trắng lại lên đường ra biển. "Cán bộ nhân viên chúng tôi đã thực hiện gần 40 chuyến đi biển. Cho đến nay, 115 Đà Nẵng là đơn vị cấp cứu ngoại viện duy nhất của cả nước phối hợp cứu nạn trên biển. Công việc hoàn toàn tự nguyện, chúng tôi cũng chưa có bất cứ một nguồn kinh phí nào cho nhiệm vụ này", bà Hồng cho biết.

Dù đã vượt qua rất nhiều khó khăn để thực hiện nhiệm vụ "không được phân công", trợ giúp hiệu quả cho người đi biển gặp nạn, nhưng lãnh đạo Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng cho rằng, sẽ không có gì tốt hơn và hiệu quả hơn nếu cộng đồng ngư dân có thể sơ cứu cho mình trước khi nhờ đến y, bác sĩ. Vì cho dù có nhanh chóng, cơ động bao nhiêu thì các lực lượng từ đất liền cũng không thể nhanh bằng họ có thể xử trí cho nhau mỗi khi gặp hoạn nạn, nếu được trang bị một ít kiến thức cơ bản. Nhiều tàu trang thiết bị y tế rất sơ sài, ngay cả những thứ thuốc men bình thường cũng thiếu. Thậm chí ngư dân cũng không biết cách di chuyển người gãy tay, gãy chân, tai biến như thế nào cho đúng để hạn chế tổn thương. Có thao tác rất đơn giản nhưng làm đúng thì có thể góp phần cứu sống nạn nhân, thực hiện sai lại gây nguy hiểm cho họ.

Theo Phó giám đốc 115 Đà Nẵng, với nhiệm vụ sát cánh cùng ngư dân phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền, ngoài công tác cứu hộ thì rất cần một quy chế phối hợp giữa các cơ quan, trong đó có vai trò chỉ đạo thực hiện từ Bộ Y tế để chuyên nghiệp hóa nhiệm vụ hỗ trợ y tế cho ngư dân. Cạnh đó, nhất thiết phải tuyên truyền để họ tự giác trang bị cho mình những trang thiết bị cũng như kỹ năng cơ bản xử lý các tình huống ít phức tạp. Tàu thiếu dụng cụ y tế, thuốc men, ngư dân thiếu kỹ năng sơ cứu là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả đáng tiếc đối với người bị nạn khi lực lượng y tế chuyên nghiệp chưa thể có mặt kịp thời.

Công Khanh