Báo Công An Đà Nẵng

ADB dự báo kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Thứ sáu, 19/06/2020 09:53

Báo cáo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 18-6 cho biết các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ hầu như không tăng trưởng trong năm 2020, do các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của họ trong khi nhu cầu bên ngoài suy yếu.

Trong bản cập nhật của báo cáo hàng năm có tên Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020, ADB đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay của khu vực này từ mức 2,2% đưa ra trong tháng Tư xuống 0,1%. Đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của khu vực kể từ năm 1961 tới nay. Báo cáo giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2021 là 6,2%, song cũng lưu ý tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á trong năm tới sẽ vẫn ở dưới mức từng ước tính và thấp hơn giai đoạn trước khủng hoảng Covid-19.

Báo cáo của ADB cho hay hoạt động kinh tế ở khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ giảm 2,7% trong năm nay, trước khi bật tăng lên 5,2% vào năm 2021. Các nền kinh tế quan trọng tại khu vực Đông Nam Á đa số đều bị dự báo giảm vì các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng và đầu tư trong nước. Trong số đó, Indonesia được dự báo giảm 1%, Philippines giảm 3,8% và Thái Lan giảm 6,5%.

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng 4,1% trong năm 2020. Mặc dù thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với ước tính được ADB đưa ra hồi tháng Tư nhưng báo cáo cho biết đây là mức tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada cho rằng các nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục cảm nhận được “cơn bão” đại dịch Covid-19 trong năm nay, ngay cả khi họ đang dần nới lỏng các lệnh giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế được khởi động lại trong một kịch bản "bình thường mới". Chuyên gia của ADB nói thêm mặc dù ngân hàng này nhận định triển vọng tăng trưởng của khu vực trong năm 2021 sẽ cao hơn, điều này chủ yếu là do mức tăng yếu ớt trong năm nay.

Ông Yasuyuki cũng khẳng định đây sẽ không phải là đồ thị phục hồi theo hình chữ V. Do vậy, chuyên gia ADB nhấn mạnh các chính phủ cần thực hiện các biện pháp chính sách nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và đảm bảo rằng không có đợt bùng phát nào nữa xảy ra.

P.V