ADIZ của Trung Quốc-chỉ là bước khởi đầu
(Cadn.com.vn) - Căng thẳng Trung-Nhật lại gia tăng sau những cuộc “khẩu chiến” về Vùng Xác định Phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh tự đặt trên biển Hoa Đông.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 16-12 tuyên bố, Trung Quốc phải chấp nhận việc cộng đồng quốc tế quan ngại về ADIZ, sau khi Bắc Kinh chỉ trích Tokyo là “kẻ vu khống có dã tâm”.
Theo Reuters, đây là lời đáp trả mạnh mẽ sau khi phía Bắc Kinh cũng lên tiếng bác bỏ những bình luận gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về ADIZ cho rằng, đó là lời vu khống đầy ác ý nhằm vào Trung Quốc trên vũ đài quốc tế. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN cuối tuần qua, Thủ tướng Abe tìm cách thu hút sự ủng hộ của những người đồng cấp ASEAN, khi nói rằng, ông “quan ngại sâu sắc” trước các nỗ lực của Trung Quốc hòng đơn phương thay đổi hiện trạng trên biển Hoa Đông và cả biển Đông. Nhưng rõ ràng, tuyên bố của ông Abe là lời cảnh báo cho những yêu sách của Bắc Kinh ở biển Đông.
Khi Trung Quốc công bố quyết lập ADIZ rộng lớn, bao trùm luôn cả đảo Senkaku/Điếu Ngư và đảo Ieodo, Mỹ và Nhật tuyên bố phản đối. Washington ngay lập tức cử hai máy bay quân sự B-52 bay qua vùng ADIZ này song không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào của Bắc Kinh. Nhưng mọi việc không chỉ đơn giản như thế. Trung Quốc đang nuôi những tham vọng to lớn hơn rất nhiều. Báo The Diplomat dẫn lời giới phân tích chính trị cho rằng, chiến lược yêu sách chủ quyền của chính quyền Tập Cận Bình chỉ mới bắt đầu. Từ biển Hoa Đông, Trung Quốc có thể nhanh chóng xác định ADIZ trên biển Đông.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông rất giàu tài nguyên. Ảnh: Reuters |
Và Bắc Kinh có thể khá hài lòng khi trò chơi này đang đi xa hơn. Kể từ mùa hè năm 2012, khi chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Noda lúc đó công bố ý định mua thêm quần đảo Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân, Trung Quốc cảm thấy rằng, sự cân bằng bấp bênh giữa hai nước đã thay đổi. Đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc cố gắng và thay đổi hiện trạng. Và đây là thời cơ của Trung Quốc khi những cái đầu cứng rắn với Trung Quốc như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Kurt Campbell đã phải ra đi ngay từ thời kỳ đầu nhiệm kỳ II của Tổng thống Barack Obama. Tại thời điểm Trung Quốc “bóp cò”, Nhà Trắng công bố chuyến công du Châu Á hồi tháng 4 và ông Gary Locke - người Mỹ gốc Hoa đầu tiên trở thành Đại sứ tại Trung Quốc, tuyên bố sắp từ chức (song hiện chưa có thông báo gì về người kế nhiệm ông Locke). Nhiều người chỉ trích ông Obama quá mềm mỏng với Bắc Kinh khiến uy tín ông chủ Nhà Trắng xuống thấp mức kỷ lục.
Mỹ thúc đẩy an ninh hàng hải cho Việt Nam Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16-12 tuyên bố cung cấp hỗ trợ tài chính mới cho Việt Nam để thúc đẩy an ninh hàng hải trên lãnh thổ quốc gia trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực biển Đông đang gia tăng. Theo AFP, Mỹ có ý định cung cấp 18 triệu USD hỗ trợ mới cho Việt Nam “tăng cường năng lực của các đơn vị tuần tra ven biển để triển khai nhanh chóng tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tai, và các hoạt động khác”. Ông Kerry cho biết, kinh phí cũng sẽ được sử dụng để mua 5 tàu tuần tra “nhanh” cho biên phòng Việt Nam trong năm 2014. Ngoài ra, Washington cũng sẽ mở rộng hỗ trợ hợp tác khu vực bằng cách tăng cường chia sẻ giữa các cơ quan quốc gia ở Đông Nam Á chịu trách nhiệm an ninh hàng hải và thực thi pháp luật thông tin. |
Chuyến đi của Phó Tổng thống Joe Biden tới Nhật, Trung, Hàn - vốn đã được lên kế hoạch từ trước - cung cấp thêm bằng chứng về thế “cơ trên” của Bắc Kinh. Ở Nhật Bản, ông Biden “động lòng trắc ẩn” với Tổng thống Abe về vùng ADIZ của Bắc Kinh trước khi đến Trung Quốc. Nhưng trong cuộc họp 5 giờ giữa ông Biden với Chủ tịch Tập Cận Bình, không có nhà lãnh đạo nào công khai đề cập đến ADIZ, thay vào đó ông Biden tập trung vào tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Trung và cần thiết sự “thẳng thắn” và “tin tưởng”. Trong cuộc họp sau đó với các doanh nhân Mỹ ở Bắc Kinh, ông Biden cho biết đã nói “trực tiếp” với ông Tập về lập trường của Mỹ trên vùng ADIZ nhưng đảm bảo rằng, Mỹ muốn đóng vai trò trung gian và ổn định, không phải là chống lại Trung Quốc và làm xung đột leo thang.
Sau tất cả, trong khi nhiều lần bác bỏ tuyên bố ADIZ của Trung Quốc, Washington chỉ dừng lại ở việc kêu gọi Bắc Kinh hủy bỏ tuyên bố gây quan ngại này. Mỹ dường như nhận ra rằng, việc thúc đẩy Trung Quốc làm như vậy chỉ nhồi thêm căng thẳng. Có thể thấy, Bắc Kinh “đã thắng” khi chuyến đi của ông Biden được cho là nhằm phục vụ tư cách là trọng tài để phân xử tranh chấp Trung-Nhật. Tokyo từ lâu vẫn không thừa nhận có tranh chấp ở Senkaku, nhưng bằng cách chơi trò trung gian, Mỹ là “câu chuyện mới” để Trung Quốc cho phép họ khẳng định có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này.
Tuyên bố ADIZ của Trung Quốc chứng tỏ rõ ràng, Bắc Kinh đang ngày càng củng cố vị thế an ninh để giành chiến thắng trong tranh chấp biển Hoa Đông và hy vọng mọi việc tiến triển nhanh hơn nhằm làm thay đổi cán cân an ninh khu vực và cân bằng quyền lực kinh tế. Trong ngắn hạn, Bắc Kinh thật sự mất mặt khi họ không thể so bì lực lượng hùng mạnh với Washington. Nhưng về lâu dài, Bắc Kinh đang trữ nhiều sức hơn.
Khả Anh