Báo Công An Đà Nẵng

Afghanistan bùng nổ các vụ tấn công cơ sở chăm sóc sức khỏe

Thứ bảy, 27/06/2020 12:50

Chỉ trong hơn 10 tuần qua, giữa đại dịch Covid-19 đang hoành hành, hàng chục vụ tấn công cố tình nhắm vào các nhân viên y tế hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Afghanistan.

Bệnh viện ở Dash-e Barchi, nơi xảy ra vụ tấn công hôm 12-5.  Ảnh: Heart of Asia

Khi Afghanistan vật lộn với tiến trình hòa bình không ổn định, tình trạng chính trị lộn xộn và đại dịch Covid-19 hoành hành, bạo lực vẫn tiếp diễn. Đặc biệt, theo một báo cáo gần đây của Phái đoàn Hỗ trợ LHQ tại Afghanistan (UNAMA), hơn một chục cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã xảy ra.

Hôm 11-3, khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 bùng phát thành đại dịch và ngày 23-5, khi lệnh ngừng bắn 3 ngày nhân tháng lễ Ramadan kết thúc, UNAMA đã ghi nhận 15 sự cố ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 12 vụ là các cuộc tấn công có chủ ý; 3 vụ còn lại xảy ra cùng với các cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe. 10 vụ trong số này được cho là do Taliban gây ra. Các lực lượng Afghanistan chịu trách nhiệm cho 3 cuộc tấn công có chủ đích và 1 vụ tấn công ngẫu nhiên xảy ra trong bối cảnh giao tranh giữa lực lượng Afghanistan và Taliban.

Vụ tấn công kinh hoàng nhất xảy ra ngày 12-5. Khoảng 10 giờ sáng, 3 người đàn ông mặc đồng phục của lực lượng an ninh Afghanistan đã tấn công phòng hộ sinh của một bệnh viện ở khu phố Dash-e Barchi ở Kabul. Bệnh viện này hoạt động với sự hỗ trợ của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF). 22 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công, gồm 19 phụ nữ và ba trẻ em. Sau khi bắn một nhân viên bảo vệ ở lối vào bệnh viện, các tay súng đi ngang qua các khu khác của bệnh viện để đến phòng hộ sinh. Người đứng đầu các chương trình MSF ở Afghanistan, Frederic Bonnot, cho biết, họ đã đến để giết các bà mẹ. Hôm 15-6, MSF tuyên bố rút khỏi bệnh viện ở Dash-e Barchi, nơi họ đã hoạt động kể từ năm 2014.

Các tay súng sau đó đã bị lực lượng Afghanistan tiêu diệt. Chính phủ Afghanistan đổ lỗi cho Taliban gây ra vụ tấn công nhưng Taliban từ chối trách nhiệm và đổ lỗi cho IS. Mỹ cũng cáo buộc IS đứng sau vụ việc. Báo cáo của UNAMA nhấn mạnh, các hành vi bạo lực có chủ ý nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả bệnh viện và nhân viên, bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế và cấu thành tội ác chiến tranh. Ngoài ra, các cuộc tấn công chống lại các chiến binh bị ốm và bị thương, bất kể họ đứng về phía nào của cuộc xung đột, là phạm tội ác chiến tranh.

Taliban cũng tiến hành các vụ bắt cóc nhân viên y tế: 23 người trong 7 vụ khác nhau tại sáu tỉnh. Trong khi động cơ một số vụ bắt cóc là không rõ ràng, thì trong các trường hợp khác, mục tiêu của chúng dường như là gây áp lực buộc các cơ sở này cung cấp dịch vụ tốt hơn hoặc, như trường hợp bắt cóc 3 nhân viên y tế hôm 12-5 ở huyện Khwaja Ghar, các thành viên của Taliban đã bắt cóc 3 nhân viên y tế do cơ sở y tế này không trả lương cho nhân viên của họ. Việc bắt cóc một nhân viên y tế sẽ trực tiếp tác động đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của công dân Afghanistan và gián tiếp làm suy yếu các cơ sở y tế.

Nhóm phiến quân này cũng gây ra một vụ tấn công khác nhắm vào một hiệu thuốc ở tỉnh Nangarhar với lý do chủ sở hữu đã từ chối trả cho chúng một khoản tiền. Các sự cố UNAMA ghi nhận do các lực lượng Afghanistan gây ra bao gồm cuộc không kích hôm 19-5 nhằm vào một phòng khám ở Kunduz. Ngoài ra, UNAMA cũng cáo buộc lực lượng an ninh Afghanistan đã can thiệp vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe bằng cách đe dọa và đánh cắp vật tư y tế. “Tấn công nhằm vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe trong đại dịch Covid-19, thời điểm mà tài nguyên ngành y tế đang chịu gánh nặng và có tầm quan trọng đối với dân thường, là đặc biệt đáng trách”, Trưởng phòng Nhân quyền của UNAMA Fiona Frazer cho biết trong thông cáo báo chí.

AN BÌNH