Báo Công An Đà Nẵng

Afghanistan hậu bầu cử

Thứ hai, 07/04/2014 11:52

(Cadn.com.vn) - Cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan đã diễn ra thành công vào ngày 5-4 khi ít xảy ra các cuộc tấn công của Taliban hơn so với dự đoán. Cuộc bầu cử thành công sẽ mở ra hy vọng cho đất nước vốn hứng chịu xung đột trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Afghanistan vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi trở thành một nhà nước ổn định.

Kết quả cuối cùng sẽ được công bố trong 6 tuần nữa. Đây là sự khởi đầu của một giai đoạn nguy hiểm tiềm tàng đối với Afghanistan tại thời điểm đất nước bị chiến tranh tàn phá rất cần một nhà lãnh đạo ngăn chặn bạo lực gia tăng khi quân đội nước ngoài chuẩn bị rút quân. Một trong 8 ứng cử viên phải đạt được trên 50% số phiếu để tránh phải chạy đua 1 lần nữa với 1 đối thủ có số  phiếu bầu sát nút.

Theo Ủy ban Bầu cử Afghanistan, hơn 7 triệu trong số 12 triệu cử tri đủ điều kiện đã đi bầu cử, chiếm khoảng 58%, cao hơn nhiều so với 4,5 triệu người bỏ phiếu trong cuộc bầu cử cuối năm 2009. "Hôm nay chúng tôi đã chứng minh với thế giới rằng chúng tôi đã thành công trong việc chọn ra một người lãnh đạo đất nước...", Tổng thống Hamid Karzai phát biểu trên truyền hình.

Tại Washington, Tổng thống Barack Obama chúc mừng người dân Afghanistan hoàn thành cuộc bầu cử, báo hiệu việc chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên tại quốc gia này và nhấn mạnh đây là vấn đề then chốt nhằm đảm bảo tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của quốc tế.

Mối đe dọa Taliban phá hỏng bầu cử thông qua các vụ đánh bom và ám sát không thành hiện thực, và các sự cố bạo lực không nhiều như lo ngại. Hơn 350.000 binh sĩ Afghanistan được triển khai bảo vệ chống lại các cuộc tấn công nhằm vào các điểm bỏ phiếu và cử tri.

Tại thủ đô Kabul, các rào chắn và chốt kiểm soát được dựng lên khắp mọi nơi. Ở thành phố Kandahar, cái nôi của phong trào nổi dậy Taliban, bầu cử diễn ra trong căng thẳng. Phương tiện đi lại không được phép di chuyển trên các con đường và các trạm kiểm soát được lập ở tất cả các ngã tư.

Tuy bầu cử đã diễn ra khá thành công, vẫn còn nhiều lý do khiến mọi người tin rằng, Afghanistan khó có thể ổn định sau bầu cử.

Ứng viên Tổng thống Afghanistan Zalmai Rassoul (giữa) bỏ phiếu tại Kabul. Ảnh: Reuters

1. Lực lượng quân sự yếu kém

Lực lượng an ninh Afghanistan gần đây kiểm soát nhiều khu vực tốt hơn so với mong đợi. Tuy nhiên, năng lực vẫn còn hạn chế. Trong cuộc họp Quốc hội hồi tháng 2, các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận rằng, trong khi quân đội Afghanistan đang giành được nhiều chiến thắng chiến thuật trên chiến trường, họ phải chật vật đấu tranh để giữ lãnh thổ và vẫn cần sự giúp đỡ trong các lĩnh vực như giao thông vận tải và tình báo. Rõ ràng, không ai có thể hy vọng, quân đội Afghanistan có thể chế ngự quân nổi dậy Taliban.

2. Sào huyệt Taliban tại Pakistan vẫn hoạt động

Các cuộc nổi dậy ở Afghanistan vẫn được duy trì bởi các tay súng do Taliban tại Afghanistan và mạng lưới Haqqani ở khu vực bộ lạc Bắc Waziristan của Pakistan dẫn đầu. Trong nhiều năm qua, Washington thúc đẩy Pakistan phá vỡ các sào huyệt này nhưng không có kết quả.

Cuối cùng, đầu năm nay, Islamabad cho biết sẽ thực hiện hoạt động chống phiến quân Taliban tại Pakistan (TTP). Tuy nhiên, với một tiến trình hòa bình đang diễn ra giữa Islamabad và TTP, hoạt động này dường như bị trì hoãn vô thời hạn. Pakistan xem Taliban tại Afghanistan và Haqqani là tài sản chiến lược có thể giúp họ kiềm chế ảnh hưởng của Ấn Độ tại Afghanistan.

Trừ khi mối quan hệ giữa Islamabad và New Delhi trở nên bình thường một cách kỳ diệu, mục tiêu này của Pakistan là không thay đổi, đặc biệt khi New Delhi thắt chặt quan hệ với Kabul trong những năm gần đây, trong đó có thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm đào tạo và hỗ trợ cho quân đội Afghanistan.

3. Afghanistan vẫn là nam châm hút chiến binh

Việc lực lượng quân đội quốc tế rút khỏi Afghanistan một phần được thúc đẩy bởi các tổ chức cực đoan chống Ấn Độ hoạt động tại đất nước này trong những năm gần đây (chẳng hạn như Lashkar-e-Taiba). Các tổ chức này đang chuyển hướng sự chú ý sang Ấn Độ.

Tuy nhiên, hiện nay, và trong tương lai gần, các chiến binh vẫn tiếp tục đổ vào Afghanistan. Các quan chức Afghanistan và chỉ huy Taliban tuyên bố, kể từ khi công bố thỏa thuận ngừng bắn với Islamabad vào ngày 1-3, TTP tích cực kéo đến Afghanistan. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ước tính, "hàng trăm" chiến binh từ tỉnh Punjab của Pakistan chuyển đến các khu vực bộ lạc chuẩn bị cho các cuộc tấn công vào Afghanistan.

Và các quan chức an ninh Ấn Độ khẳng định, nhóm chiến binh Hồi giáo bản địa "Mujahideen Ấn Độ", đã phân nhánh tới Afghanistan chiến đấu bên cạnh Taliban. Trong khi đó, những kẻ cực đoan Trung Á lại nhắm đến miền Bắc Afghanistan. Còn Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) đang cố gắng thiết lập căn cứ ở thành phố Kunduz.

4. Các lực lượng gây mất ổn định khác

Các nhóm đối lập với Taliban cũng là nhân tố gây bất ổn. Tại nhiều khu vực ở Afghanistan, đặc biệt là ở phía Bắc và phía Tây, nơi có ít sự hiện diện của Taliban, chỉ huy lực lượng dân quân - đa số được Mỹ hậu thuẫn - đã khủng bố người dân địa phương. Không chỉ tấn công và giết người, chúng còn khiến cuộc sống của người dân địa phương khốn khổ hơn khi bắt các thanh niên chiến đấu chống Taliban, thu giữ đất đai, và ăn cắp nguồn nước vốn đã rất ít ỏi.

An Bình

(Theo Reuters, Diplomat)