Báo Công An Đà Nẵng

Afghanistan nguy hiểm hơn bao giờ hết, vì sao?

Thứ bảy, 15/09/2018 12:24

Số thương vong lớn trong một vụ tấn công lại một lần nữa trở thành đề tài nóng ở Afghanistan khi Taliban và các nhóm chiến binh khác đang liều chết mỗi ngày nhằm chống lại lực lượng quân đội đang được Mỹ hậu thuẫn.

Các phiến quân Taliban chụp ảnh cùng một binh sĩ quân đội Afghanistan trong thời gian ngừng bắn 3 ngày hồi tháng 6.   Ảnh: EPA

Trong vụ tấn công mới nhất, vào ngày 14-9, khoảng 8 cảnh sát thiệt mạng và 18 người khác bị thương sau khi phiến quân Taliban tấn công trạm kiểm soát an ninh tại tỉnh Samangan, miền bắc Afghanistan. Không có cái hậu rõ ràng trong tầm nhìn ngắn hạn cho một cuộc chiến đã biến thành một sự bế tắc đẫm máu, bất chấp nỗ lực của Kabul và Washington.

Bạo lực có tồi tệ hơn không?

Kể từ sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2001, Afghanistan chưa bao giờ không an toàn như bây giờ. Taliban kiểm soát nhiều lãnh thổ hơn bất cứ lúc nào kể từ khi chế độ này bị lật đổ cách đây 17 năm.

Afghanistan trở thành cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử Mỹ. Với thời gian trôi qua, xung đột không chỉ càng khủng khiếp và mãnh liệt hơn - nó còn trở nên phức tạp hơn. Các cuộc tấn công dần dà quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn, phổ biến hơn và nhiều hơn nữa. Cả hai bên - Taliban và chính phủ Afghanistan được Mỹ và NATO hậu thuẫn - đang cố gắng chiếm ưu thế. Vào ngày 10-8, Taliban tiến vào Ghazni, thủ phủ chiến lược của tỉnh trên đường cao tốc chính ở phía nam Kabul, trước khi lực lượng an ninh Afghanistan được các cố vấn Mỹ và các máy bay hỗ trợ từ trên không đẩy lùi các phiến quân.

Vào ngày 15- 5, Taliban tiến vào thủ phủ của tỉnh Farah ở miền tây Afghanistan, gần biên giới Iran. Nhiều chiến binh Taliban bị giết và bị thương khi bị đẩy lùi sau các cuộc tấn công của quân chính phủ. Nhưng những cuộc tấn công như vậy có giá trị tuyên truyền rất cao cho nhóm này, thúc đẩy tinh thần và cơ hội tuyển dụng của chúng. Những phiến quân nổi dậy cũng chiếm vũ khí và xe cộ khi rút lui. Nhiều thị trấn và trung tâm huyện khác vẫn liên tục bị Taliban đe dọa. Hầu hết các tỉnh như Helmand và Kandahar - nơi hàng trăm người Mỹ, Anh và các binh sĩ ngoại quốc khác bị giết - hiện đang dưới quyền kiểm soát của Taliban.

Trong khi đó, thương vong dân sự đang ở mức chưa từng có. Theo LHQ, hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng hoặc bị thương trong năm 2017, và con số cho năm 2018 dự kiến sẽ cao hơn nữa.

“Sự khác biệt” trong chiến lược của ông Trump

Đã 1 năm kể từ khi Tổng thống Trump công bố chiến lược mới cho Afghanistan, thề rằng, Mỹ sẽ “chiến đấu đến cùng để giành chiến thắng”. Chính quyền ông Trump tìm cách gây áp lực lên Taliban theo 4 cách để phá vỡ bế tắc, và cuối cùng buộc phe này phải ngồi xuống để nói chuyện với chính phủ Afghanistan.

Thứ nhất là gia tăng áp lực quân sự tối đa, đặc biệt là thông qua các cuộc không kích tăng cường và các cuộc tấn công đặc biệt. Hàng ngàn binh sĩ Mỹ đã được triển khai, nâng tổng số quân nhân trên bộ của Mỹ tại Afghanistan lên khoảng 14.000 người. Tháng 10-2017, chỉ huy sau đó của lực lượng Mỹ, John Nicholson, cho biết, một “làn sóng thủy triều của không quân” cũng sẽ được tung ra và rằng đây là “sự khởi đầu của sự kết thúc cho Taliban”. Thứ hai, ông chủ Nhà Trắng nhắm vào các nguồn tài chính của Taliban, bao gồm cả các nhà máy sản xuất thuốc phiện đang bị Taliban lợi dụng và hạn chế dòng tiền hỗ trợ cho nhóm từ nước ngoài. Washington cũng công khai đặt câu hỏi về tính hợp pháp của cuộc chiến Taliban, bao gồm các nhóm tôn giáo. Và cuối cùng, Mỹ đang nỗ lực gây áp lực lên Pakistan bắt giữ hoặc trục xuất các nhà lãnh đạo Taliban Afghanistan.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông Trump cho đến nay vẫn thất bại. Với tần suất tấn công liên tục và tình hình lây lan bạo lực như virus của Taliban, lực lượng an ninh Afghanistan đang bị đảo lộn và, trong một số trường hợp, bị choáng ngợp. Các lực lượng Afghanistan chiến đấu hết sức để ngăn chặn Taliban mở rộng ảnh hưởng. Nhưng tỷ lệ thương vong của họ vẫn cao đáng báo động và dường như đang tiếp tục gia tăng. Các câu hỏi đã được nêu ra về việc thiếu vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và đầy cảm hứng, cung cấp hậu cần kịp thời và nhất là tình trạng tham nhũng ở quốc gia Nam Á này.

Những tranh cãi gay gắt giữa các nhà chính trị gia và chính phủ cũng có tác động tiêu cực đến hoạt động trơn tru của chính phủ và ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh. Liệu có hy vọng gì về một cuộc bầu cử để giải quyết vấn đề trước mắt này hay không? Các cuộc bầu cử quốc hội, vốn đã bị trì hoãn hơn 3 năm qua, được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 20-10. Tuy nhiên, tình hình bạo lực gia tăng làm dấy lên những lo ngại cuộc bầu cử có thể tiếp tục bị trì hoãn.

KHẢ ANH