Báo Công An Đà Nẵng

Afghanistan và một tương lai bất định thời “hậu Mỹ”

Thứ tư, 01/09/2021 11:30

Sau khi Mỹ rút quân, người dân Afghanistan lo sợ mất tự do và đất nước rơi vào khủng hoảng tiền mặt dưới sự cai trị của Taliban. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ khủng bố leo thang và lan tràn khắp nơi.

Phụ nữ Afghanistan đến sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul,tháo chạy khỏi chế độ cầm quyền của Taliban.  Ảnh: Reuters

Ngay khi những binh sĩ cuối cùng của Mỹ đã rời sân bay Kabul, Taliban đã nổ súng ăn mừng và tuyên bố sẽ hoàn tất việc thành lập chính phủ mới trong vòng 2 tuần tới. Theo Taliban, đó sẽ là một chính phủ bao trùm, với sự tham gia của các thành phần trong xã hội của một “Tiểu vương quốc Hồi giáo” Afghanistan. Tuy nhiên, dư luận vẫn tỏ ra hoài nghi về tương lai của đất nước Afghanistan dưới chế độ Taliban.

Lời hứa của Taliban thời 2.0

Ngày 17-8, tại cuộc họp báo chính thức đầu tiên, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid khẳng định, nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Taliban là ổn định tình hình và thành lập chính phủ toàn diện tại Afghanistan.

Ông Mujahid cũng nhấn mạnh, Taliban mong muốn xây dựng mối quan hệ hòa bình với các quốc gia khác. Người phát ngôn của Taliban khẳng định, Taliban sẽ tôn trọng các quyền của phụ nữ phù hợp với luật Hồi giáo, phụ nữ được làm việc và học tập, trẻ em được tự do tới trường; đồng thời ân xá cho tất cả kẻ thù, trong đó có các cựu binh sĩ hay quan chức chính quyền cũ được phương Tây hậu thuẫn; các nhà thầu, phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế sẽ không bị truy cứu trách nhiệm. Bên cạnh đó, người phát ngôn Taliban cũng bảo đảm với cộng đồng quốc tế rằng lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để chống lại bất kỳ bên nào và không để quốc gia này trở thành nơi chứa chấp các tổ chức khủng bố.

Những cam kết mà đại diện của Taliban đưa ra tại cuộc họp báo được đánh giá là đổi mới so với giai đoạn cầm quyền trước khi bị lật đổ cách đây 20 năm. Tuy vậy, nỗ lực cải thiện hình ảnh của Taliban đang vấp phải sự hoài nghi từ cộng đồng quốc tế.  Thực tế là lo sợ Taliban sẽ thực thi những chính sách hà khắc thời 1996-2001, nhiều người đổ xô đến sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul với hy vọng có thể lên được một chuyến bay bất kỳ rời Afghanistan. Cảnh hỗn loạn, hoảng loạn và đẫm máu tại sân bay Kabul trong chiến dịch không vận lớn nhất lịch sử Mỹ đã cho thấy thực tế thật nghiệt ngã. Nhiều năm đã trôi qua nhưng người dân Afghanistan vẫn chưa thể quên đi nỗi ám ảnh về cuộc sống dưới quyền Taliban.

Các tay súng Taliban kiểm soát sân bay ở kabul sau khi Mỹ rời đi.  Ảnh: AP

Những hoài nghi và cả những dấu hiệu thất hứa

Và cho đến nay, 2 tuần sau tuyên bố cam kết đó, đã có nhiều cáo buộc rằng, Taliban có dấu hiệu thất hứa.

Không bao lâu sau khi hứa hẹn cho phụ nữ tiếp tục đi làm, phía Taliban vừa thông báo nữ giới phải ở nhà cho đến khi một hệ thống hoàn chỉnh được thiết lập để bảo vệ an toàn. “Lực lượng an ninh của chúng tôi không được đào tạo về cách đối xử với phụ nữ. Thậm chí một số không biết cách nói chuyện với phụ nữ”, ông Mujahid nói và nhấn mạnh: “Cho đến khi chúng tôi có thể đảm bảo an ninh tuyệt đối, chúng tôi yêu cầu phụ nữ ở nhà”.

Trong thời gian cầm quyền ở Afghanistan năm 1996 - 2001, Taliban đã áp đặt quy tắc hà khắc với phụ nữ, buộc họ phải che kín mặt và chỉ được ra khỏi nhà có người thân là nam giới đi cùng. Họ không được phép làm việc bên ngoài gia đình và bị cấm bỏ phiếu. Họ có nguy cơ chịu những hình phạt tàn nhẫn nếu không tuân theo các quy tắc, bao gồm bị đánh đập, quất roi và ném đá đến chết nếu bị kết tội ngoại tình.

Taliban thời đó còn đóng cửa các trường nữ sinh dành cho trẻ từ 10 tuổi trở lên. Năm 1999, không một bé gái Afghanistan nào được học ở trường trung học và chỉ 4% trong số 9.000 bé gái trong độ tuổi tiểu học được đến trường. Mọi thứ chỉ thay đổi khi Taliban bị lật đổ năm 2001 và hiện khoảng 3,5 triệu bé gái Afghanistan đã được đi học.

Giờ đây, chính phủ Taliban tuyên bố cho nữ học đại học nhưng không cho nam nữ học chung trường. "Người dân Afghanistan sẽ tiếp tục được học lên cao theo luật Hồi giáo Sharia trong sự an toàn, không chung đụng giữa nam và nữ", quyền Bộ trưởng Giáo dục bậc cao của Taliban Abdul Baqi Haqqani ra tuyên bố hôm 29-8.

Nhưng trên khắp đất nước, nhiều người vẫn ở nhà, quá sợ hãi bước vào một thế giới mới, nơi lực lượng từng ném đá phụ nữ và hạn chế mọi hành động của họ giờ đã nắm quyền. Chiến lược "tấn công quyến rũ" của nhóm mâu thuẫn với các thông tin tại thực địa, như thành viên nhóm đến từng nhà tìm kiếm các nhà báo, những người làm việc cho phe đối lập và các mục tiêu khác. "Họ đã bắt đầu đi từng nhà, khám nhà của mọi người, đôi khi còn cưỡng chế xông vào. Họ nói rằng họ sẽ cho dân chúng sống yên ổn, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy điều này không đúng sự thật", một người dân cho biết.

Và trong thông điệp mới đây, thủ lĩnh tối cao Taliban, Hibatullah Akhundzada tuyên bố Taliban đang trên đà thiết lập một “hệ thống Hồi giáo thuần túy” ở Afghanistan, nơi phụ nữ và các nhóm thiểu số không được hưởng các quyền. Từ những phát ngôn của thủ lĩnh Akhundzada và các chiến dịch quân sự, có thể thấy Taliban rõ ràng muốn đặt toàn bộ Afghanistan dưới sự cai trị của phong trào Hồi giáo cực đoan này. Điều đó làm dấy lên lo ngại dân số gần 40 triệu người của Afghanistan sẽ một lần nữa phải chịu một trong những hình thức khắc nghiệt nhất của chủ nghĩa toàn trị tôn giáo.

Taliban chia rẽ nội bộ gay gắt

 Khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi đất nước, Taliban phải đối mặt với một thách thức mới - kiểm soát những kẻ bất đồng chính kiến từ trong hàng ngũ của chính nhóm này.

Sự chia rẽ bên trong Taliban khiến người ta lo ngại về nguy cơ bất ổn và bạo lực tại quốc gia Nam Á này. Nhiều nguồn tin khác nhau trên thực địa và các cựu quan chức tình báo, quân đội cho hay, sự chia rẽ giữa các phe phái Taliban khác nhau đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong quãng thời gian gần ngày chính thức chuyển giao quyền lực sau khi quân Mỹ rời khỏi Afghanistan.

Theo các nguồn tin trên, các phe phái khác nhau trong nội bộ Taliban thể hiện lòng trung thành với các thủ lĩnh khác nhau và các nước khác nhau. Rất nhiều phái bên trong Taliban được cho là có các ý tưởng khác nhau về cách ứng phó với các "thách thức đang nổi lên", bao gồm cách đối đầu với mối đe dọa ngày càng tăng từ tổ chức khủng bố IS và phong trào kháng chiến của Ahmad Massoud ở tỉnh Panjshir, nơi vẫn chưa rơi vào tay Taliban.

Nguồn tin trên tiếp tục nhận xét về phong trào nổi dậy Taliban: "Họ có những tranh chấp lớn về quyền lực, các dân tộc và bộ lạc khác nhau đều muốn nắm giữ quyền lực. Người ở tỉnh Helmand thì đang vận động mạnh với tuyên bố mình hứng chịu nhiều hy sinh nhất trước các cuộc không kích bằng UAV của Mỹ trong các năm qua".

Nguy cơ khủng bố lan tràn, khủng hoảng tài chính

Một hệ lụy nữa được nhắc tới là nguy cơ truyền bá các tư tưởng thánh chiến bạo lực cực đoan. Khi Kabul thất thủ, mục tiêu ban đầu của Taliban thiết lập một “Vương quốc Hồi giáo” ở Afghanistan sắp trở thành hiện thực.

Do đó, tình hình hiện nay tại Afghanistan khi Taliban sắp lên nắm quyền đang khiến an ninh của tất cả các quốc gia láng giềng bị đe dọa. Đây chính là lý do tại sao việc đảm bảo một Afghanistan ổn định và không xảy ra bất trắc là một vấn đề an ninh quốc gia đối với các nước ở cả trong và bên ngoài khu vực.

Các nhà cầm quyền Taliban mới của Afghanistan nhiều khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng hơn nhanh chóng, với phần lớn dự trữ ngoại tệ không thể tiếp cận được và các nhà tài trợ phương Tây - những người tài trợ cho các tổ chức của Afghanistan khoảng 75% kinh phí- đã cắt hoặc đe dọa cắt các khoản chi. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng ra lệnh đóng băng toàn bộ dự trữ của chính phủ Afghanistan trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ.

Đức - một trong những nhà tài trợ hàng đầu - cũng cho biết họ đang ngừng viện trợ phát triển. Berlin dự kiến cung cấp khoản viện trợ 430 triệu euro cho Afghanistan trong năm nay.Liên minh châu Âu (EU) cũng tuyên bố đã ngừng viện trợ phát triển cho Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng thông báo không giải ngân 450 triệu USD từ các quỹ đã có kế hoạch chuyển cho Afghanistan.

Mặc dù nhóm Hồi giáo theo chủ nghĩa cứng rắn này đã chuyển sang hoạt động độc lập hơn với những người ủng hộ tài chính từ bên ngoài bao gồm Iran, Pakistan và các nhà tài trợ giàu có ở Vùng Vịnh trong những năm gần đây, dòng tài chính của nhóm này - lên tới 1,6 tỷ USD vào năm ngoái - vẫn còn thiếu nhiều so với những gì họ cần để lãnh đạo đất nước.

Theo tiết lộ, đất nước này có 9 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, nhưng không phải bằng tiền mặt ở trong nước. Các chuyên gia cảnh báo, việc thiếu đồng USD có thể sẽ khiến đồng afghani mất giá và lạm phát gia tăng, gây tổn hại cho người nghèo. Việc tiếp cận những nguồn dự trữ đó có thể sẽ rất phức tạp bởi chính phủ Mỹ đang cân nhắc coi Taliban là một nhóm khủng bố bị trừng phạt.

KHẢ ANH