Báo Công An Đà Nẵng

Afghanistan - vẫn bất ổn và nguy hiểm sau 17 năm

Thứ tư, 14/11/2018 10:40

 Khi các lực lượng Mỹ và các đồng minh của Afghanistan tiến vào thủ đô Kabul vào tháng 11-2001, họ được chào đón như những người hùng có công giải phóng nước này khỏi chế độ cầm quyền của Taliban. Nhưng sau 17 năm chiến tranh, Taliban đã chiếm lại một nửa đất nước, an ninh còn tồi tệ hơn bao giờ hết, và nhiều người Afghanistan đổ lỗi cho người Mỹ.

Binh sĩ Afghanistan trong một cuộc tập trận hồi cuối tháng 10. Ảnh: AP

Mỹ đã mất hơn 2.400 binh sĩ trong cuộc chiến dài nhất lịch sử ở Afghaninstan và đã chi hơn 900 tỷ USD cho tất cả mọi thứ từ các hoạt động quân sự để xây dựng đường sá, cầu và nhà máy điện ở quốc gia Nam Á này.

3 đời Tổng thống Mỹ cũng đã cam kết mang hòa bình đến cho Afghanistan, bằng cách thêm hoặc rút quân, bằng cách “bắt tay” với Taliban hoặc tấn công họ. Năm ngoái, Lầu Năm Góc thậm chí đã thả bom được mệnh danh là “mẹ của tất cả loại bom” vào một khu phức hợp, được cho là nơi trú ẩn của những tay súng Taliban. 

Những thuyết âm mưu

Sau nhiều năm gây thất vọng, Afghanistan tràn ngập những lý thuyết âm mưu, bao gồm cả ý tưởng rằng, người Mỹ đã không vấp ngã vào một cuộc chiến tranh vĩnh cửu.

Nhưng sự thật không phải vậy. Mohammed Ismail Qasimyar, một thành viên của Hội đồng Hòa bình Tối cao Afghanistan, tự hỏi làm thế nào các lực lượng Mỹ và NATO - ở thời kỳ đỉnh cao là 150.000 binh sĩ cùng hàng trăm ngàn quân của chính phủ Afghanistan, đã không thể đánh bại hàng chục ngàn người của Taliban. “Hoặc là họ không muốn hoặc họ không thể làm điều đó”, ông nói.  Hiện tại, ông nghi ngờ Mỹ và đồng minh Pakistan cố tình gieo rắc hỗn loạn ở Afghanistan để biện minh cho sự hiện diện kéo dài của các lực lượng ngoại quốc - hiện đang ở mức 15.000 quân - để sử dụng đất nước này như một quân bài theo dõi Iran, Nga và Trung Quốc.

Afghanistan đầy rẫy các lý thuyết âm mưu như vậy. Sau vụ ám sát Cảnh sát trưởng nổi tiếng của Kandahar, tướng Abdul Raziq, các phương tiện truyền thông xã hội bùng nổ những hình ảnh và bài viết cho thấy, ông là nạn nhân của một âm mưu của Mỹ. “Năm 2001, người dân Afghanistan hết lòng ủng hộ sự xuất hiện của Mỹ và cộng đồng quốc tế”, ông Hamid Karzai, người được bầu làm tổng thống đầu tiên của Afghanistan và 2 lần thắng cử, phục vụ cho đến năm 2014, cho biết.

Cựu Tổng thống Hamid Karzai đổ lỗi Mỹ trong cuộc chiến kéo dài này, cho rằng, Washington thất bại trong việc loại bỏ các khu hoạt động của Taliban ở nước Pakistan láng giềng. Những người khác đổ lỗi cho chính phủ tham nhũng nổi tiếng, mà ông Karzai đứng đầu trong hơn 1 thập kỷ qua, vốn được coi là một “trái đắng” khác của cuộc xâm lược của Mỹ. “Tất cả số tiền đến với đất nước này đều về tay những người có quyền. Người nghèo không nhận được gì cả”, Hajji Akram, một người dân lao động ở Kabul, với mức 4 USD/ngày cho biết. “Mỹ và liên minh không làm mọi thứ tốt hơn. Họ nên đi”, người dân này nói thêm.

Nhưng không chỉ có những chỉ trích nhằm vào Afghanistan. Tổng thanh tra riêng của Mỹ cho việc tái thiết Afghanistan đã chỉ trích việc này trong một bài diễn văn hồi cuối tháng này. Ông John Sopko đã chỉ ra rằng, Mỹ đã chi 132 tỷ USD cho việc tái thiết Afghanistan - nhiều hơn là chi cho Tây Âu sau Thế chiến II. Một khoản 750 tỷ USD khác đã được chi cho các hoạt động quân sự của Mỹ, và Washington đã cam kết 4 tỷ USD/năm cho các lực lượng an ninh của Afghanistan.

Kết quả là gì?

Mỹ và NATO chính thức kết thúc sứ mệnh chiến đấu của họ ở Afghanistan vào năm 2014. Kể từ đó, Taliban mở các cuộc tấn công gần như hàng ngày tại các vùng nông thôn và tổ chức các cuộc tấn công phối hợp nhằm vào các thành phố lớn. Binh sĩ Afghanistan, làm nhiệm vụ trên các chiến tuyến, phàn nàn về thiết bị bị lỗi, nguồn cung cấp không đầy đủ và quân tiếp viện đến trễ và không được trang bị đầy đủ.

Và thực tế là, ngay cả sau 17 năm nỗ lực của Mỹ và liên minh, Afghanistan vẫn là một trong những nước nghèo nhất, kém học thức nhất và tham nhũng nhất trên thế giới. “Đây cũng là một trong những quốc gia bạo lực nhất”, ông Sopko nhấn mạnh thêm. Hamidullah Nasrat bán vải nhập khẩu tại chợ chính của thủ đô trên bờ sông Kabul. Ông nhớ lại việc chào đón việc Mỹ lật đổ Taliban, nhưng tỏ rõ sự thất vọng: “Sau khi Taliban bị lật đổ, chúng tôi mong đợi một cái gì đó tốt, nhưng thay vào đó, từng ngày, nó đang trở nên tồi tệ hơn”.

Nhiều người liên tục đặt ra câu hỏi, “Vì sao mà một siêu cường như Mỹ lại không thể ngăn chặn Taliban?

KHẢ ANH