Báo Công An Đà Nẵng

Afghanistan với trận chiến vì hòa bình

Thứ năm, 25/06/2015 11:07

(Cadn.com.vn) - 2015 là năm Taliban đạt được một số lợi ích quan trọng nhất trên chiến trường, và cũng là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đàm phán không chính thức giữa nhóm này với chính phủ Afghanistan. Một số người hy vọng năm nay, các cuộc đàm phán chính thức giữa Taliban và chính phủ có cơ hội nhích về phía trước sau nhiều năm bế tắc. Nhưng cuộc tấn công khủng khiếp của Taliban vào trụ sở Quốc hội Afghanistan trong tuần này một lần nữa làm mất đi hy vọng mong manh này.

Thời điểm khó khăn

Đây cũng là thời điểm các nghị sĩ Afghanistan đưa ra quyết định cuối cùng về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng mới.

Trong khoảng thời gian khó khăn này, trách nhiệm to lớn đó dự định được giao cho ông Massoom Stanekzai, người từng phụ trách các cuộc đàm phán hòa bình. Có rất nhiều rủi ro bên trong các cuộc đàm phán hòa bình bởi âm mưu của Taliban rất khó lường. Năm 2011, đại diện Taliban gặp gỡ chính phủ Afghanistan dưới danh nghĩa đàm phán hòa bình, nhưng chúng bất ngờ thực hiện cuộc tấn công tự sát khiến cựu Tổng thống Burhanuddin Rabbani thiệt mạng. Ông Stanekzai may mắn sống sót. Vì vậy, chính phủ Afghanistan cần đưa ra giải pháp sáng suốt cho vấn đề Taliban để chấm dứt cuộc chiến dai dẳng này.

Trong tuần qua, một số đại diện của Taliban đến Na Uy một lần nữa để tham dự diễn đàn Hòa giải thường niên. Cuộc họp bí mật này còn có sự tham gia của các thành viên cao cấp trong chính phủ Afghanistan. Diễn đàn bắt đầu với việc Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm về các cuộc đàm phán hòa bình với nhóm phiến quân FARC nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 50 năm.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu, Tổng thống Santos chỉ rõ đây là cuộc chiến vì hòa bình nếu nhận được sự đồng thuận của các lực lượng quân đội. Sẽ không có ích gì khi binh lính tiếp tục chiến đấu trong khi các quan chức đang đàm phán và không có lệnh ngừng bắn nào được đưa ra.

Tổng thống Ghani không thể đưa Afghanistan đến cuộc đàm phán hòa bình với Taliban.

Bước đi tiếp theo

"Mùa chiến đấu" truyền thống sau khi tuyết mùa đông tan chảy ở Afghanistan năm nay rất căng thẳng và khốc liệt. Đã có nhiều tiến triển trong các cuộc gặp gần đây. Đại diện Afghanistan, Taliban và phương Tây cùng ngồi xuống bàn bạc về những vần đề trong quá khứ, và thảo luận trên giấy tờ những dự định trong tương lai. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan vẫn chưa tìm ra điểm mấu chốt để chấm dứt cuộc chiến này.

"Các cuộc đàm phán trong 6 tháng cuối năm sẽ rất đáng mong đợi nhưng hai bên sẽ không thể tiến đến cuộc đối thoại chính thức nào. Điều cần thiết nhất ở thời điểm này là đi đến bước tiếp theo", một nhà ngoại giao phương Tây nhận xét. Bước tiếp theo sẽ là cuộc đàm phán trực tiếp chính thức đầu tiên giữa đại diện được ủy quyền của cả hai bên. Taliban không có dự định tham gia đàm phán với chính phủ Afghanistan.

Tuy đại diện Taliban không còn sử dụng thuật ngữ "chính phủ bù nhìn" để chỉ chính quyền Kabul như khi Tổng thống Karzai nắm quyền, nhưng họ vẫn sẽ chỉ đàm phán với Mỹ về các vấn đề quan trọng như sự hiện diện của quân đội nước ngoài, thả tù nhân hay việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt.

Khi tin tức về một cuộc đàm phán tại Diễn đàn hòa giải nổi lên vào tuần trước, Taliban đã bác bỏ. Nếu Taliban muốn chuyển sang bước tiếp theo, đây sẽ là bước tiến cho thấy lòng trung thành của họ đối với thủ lĩnh Mullah Omar, người không xuất hiện trước công chúng từ năm 2001. Vài năm trước đây, văn phòng chính trị của Taliban tại Qatar, đứng đầu là cựu thư ký riêng của Omar, Syed Tayyab Agha đã đưa ra yêu cầu thương lượng, nhưng chỉ với các nhà ngoại giao Mỹ. Kể từ đó, văn phòng chính trị của Các Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan đã bị đóng cửa sau các cuộc biểu tình dữ dội chống Tổng thống Hamid Karzai.

Không nhiều hy vọng

Tổng thống Ashraf Ghani đã bắt đầu suy nghĩ về các cuộc đàm phán với Taliban ngay sau khi ông nhậm chức vào năm ngoái. Phương pháp tiếp cận hoàn toàn khác với người tiền nhiệm dựa trên việc hợp tác chặt chẽ với Pakistan. Cho đến nay, quân đội và tình báo Pakistan với mối quan hệ lâu dài với các chỉ huy Taliban ở Afghanistan vẫn chưa đề xuất bất kỳ người đàm phán đáng tin cậy hay tiến triển thuyết phục nào.

Tốc độ gia tăng của các cuộc đàm phán không chính thức và chiến tranh dữ dội buộc cả Taliban và chính phủ Afghanistan đối mặt với thời điểm quan trọng. Taliban đang phải chống chọi với một thách thức mới, đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các chiến binh tuyên bố trung thành với Nhóm Hồi giáo cực đoan IS.

Nội bộ Taliban còn tồn tại chia rẽ sâu sắc giữa chỉ huy cấp cao sẵn sàng bước lên bàn đàm phán và những người quyết chiến đấu đến cùng. Tuy nhiên, cuộc chiến khốc liệt vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, ở Kabul, lực lượng chính trị của Tổng thống Ghani và Giám đốc điều hành, tiến sĩ Abdullah Abdullah vẫn đang cố gắng tiến tới mối quan hệ làm việc gắn kết 10 tháng sau khi ông Ghani lên nắm quyền.

An Bình
(Theo BBC)