Báo Công An Đà Nẵng

Agribank – đồng hành cùng Nghị định 67 của Chính phủ

Thứ tư, 06/09/2017 16:35

Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Việt Nam (Agribank) là một trong những ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực nhất trong việc triển khai cho vay theo Nghị định  67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 (NĐ 67) về một số chính sách phát triển thuỷ sản của Chính phủ.

Một tàu cá được đầu tư từ nguồn vốn của Agribank.

Có thể nói, NĐ 67 là hệ thống các chính sách đồng bộ, toàn diện nhất từ trước đến nay để hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ, như: chính sách tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách về bảo hiểm, chính sách đào tạo nghề và các chính sách khác. Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách này, ngay từ khi mới được ban hành, NĐ 67 đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng luôn xác định việc triển khai NĐ 67 là nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, khẩn trương ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 (Thông tư 22) hướng dẫn các NHTM triển khai thực hiện cho vay, ban hành các văn bản yêu cầu các NHTM chỉ đạo triển khai trong toàn hệ thống, đồng thời tổ chức các hội nghị của ngành tại địa phương để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chính sách tới ngư dân.

Cùng với việc đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank còn là ngân hàng trụ cột trong việc triển khai cho vay theo NĐ 67, tích cực đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến với nông dân và ngư dân. Nhận thức được tầm quan trọng của NĐ 67, ngay sau khi NHNN ban hành Thông tư 22 hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng theo NĐ 67, Agribank đã ban hành nhiều văn bản về cho vay theo NĐ 67 nhằm khuyến khích ngư dân bám biển, tổ chức lại nghề cá, tái cơ cấu ngành thủy sản, khai thác xa bờ đúng với lợi thế từng địa phương, đồng thời triển khai kế hoạch hỗ trợ cho những hộ có đủ điều kiện vay vốn đóng tàu vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế.

Tính đến ngày 31/7/2017, tổng dư nợ toàn ngành của Agribank đã đạt 791.508 tỷ đồng, tăng 6,2% so với 31/12/2016, trong đó, dư nợ đầu tư ngành nông nghiệp nông thôn đạt 581.956 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 73,5% tổng dư nợ toàn ngành.

Toàn cảnh Hội thảo.

Sau 3 năm triển khai thực hiện NĐ 67 của Chính phủ, Agribank đã triển khai cho vay trên địa bàn 26 tỉnh, thành ven biển với 32 chi nhánh. Đến ngày 31/7/2017, tổng số vốn cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký là 4.605 tỷ đồng, dư nợ hiện tại: 3.883 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay vốn lưu động là 12 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,3%/tổng dư nợ, nợ quá hạn là 4 tỷ đồng, tỷ lệ là 0,1%. Số khách hàng đang vay vốn là 554 khách hàng, trong đó, có 510 khách hàng vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu (chiếm 50,74% số lượng tàu đã được các NHTM phê duyệt và ký hợp đồng tín dụng). Trong quá trình triển khai cho vay NĐ 67, Agribank đã kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc, phối hợp với các sở, ban, ngành tháo gỡ, đẩy mạnh cho vay, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa tàu cá do Chính phủ đề ra. Ngày 7/10/2015, Chính phủ đã ban hành NĐ số 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, đã tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình này. Để thống nhất triển khai thực hiện NĐ số 89/2015/NĐ-CP trên toàn hệ thống, ngày 3/3/2016, Agribank cũng đã ban hành Quyết định số 220/QĐ-NHNo-HSX về quy định cho vay đối với khách hàng vay vốn theo NĐ 67 để thay thế cho Quyết định số 888/QĐ-NHNo-HSX ngày 29/8/2014 của Agribank ban hành trước đây.

Vừa qua, tại Hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND TP Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng, đại diện cho lãnh đạo Agribank, đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc đã nêu ra những khó khăn của Agribank trong quá trình triển khai thực hiện và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ vướng mắc để việc thực hiện NĐ 67 của Chính phủ trong thời gian tới được vận hành trơn tru, xuyên suốt, tạo điều kiện để nhiều ngư dân trên cả nước được tiếp cận các chính sách của Nghị định 67.

Đồng chí Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết: Agribank là NHTM hiện đang chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay đầu tư phục vụ Chính sách phát triển Thủy sản theo NĐ 67 của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế triển khai chương trình tín dụng theo Nghị định 67 của Agribank còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ liên quan. Phần lớn đối tượng khách hàng vay vốn tại Agribank theo chương trình này là hộ gia đình và cá nhân: 470/510 khách hàng (chiếm 92,2%), chỉ có 31 khách hàng vay là doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác. Agribank gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, giám sát tài sản bảo đảm vì chủ tàu đi biển dài ngày, nhiều tàu không lắp đặt hoặc tự ý ngắt thiết bị định vị vệ tinh, các trạm quản lý thông tin gần bờ cũng không liên lạc được với tàu; đặc thù ngành đánh bắt hải sản trên biển phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, rủi ro cao, con tàu hình thành từ vốn vay là tài sản bảo đảm duy nhất đối với ngân hàng. Nếu ngư dân đánh bắt cá vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, hoặc thậm chí là sử dụng phương tiện tham gia hoạt động buôn lậu trên biển… thì tài sản đảm bảo tiền vay có nguy cơ bị tổn thất.

Sau 3 năm triển khai chương trình, thực tế cho thấy, khách hàng vay vốn chưa có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ vay vốn, lập phương án kinh doanh hoặc chứng minh được khả năng tài chính, nguồn nhân lực chưa đạt trình độ quản lý và vận hành trang thiết bị hiện đại khi chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại… Đây là một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến thời gian thẩm định, phê duyệt dự án của ngân hàng bị kéo dài và bị động. Bên cạnh đó, nhận thức của một số ngư dân cho rằng Chương trình vay vốn đóng tàu theo NĐ 67 là chính sách tài trợ không hoàn lại của Chính phủ, do đó không chú trọng tính hiệu quả của phương án mà tìm mọi cách vay vốn theo chương trình này… dẫn đến nguy cơ của vấn đề an toàn vốn. Đó là những rào cản lớn đối với các ngân hàng, vì nguyên tắc đầu tiên trong hoạt động cho vay là phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn.

 Mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại, khó khăn nhưng Agribank luôn xác định hoàn thành thật tốt nhiệm vụ chính trị được giao trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Toàn hệ thống Agribank đã hết sức nghiêm túc và nỗ lực, đóng góp vào sự thành công ban đầu của Chương trình. Xác định các khó khăn của ngư dân cũng chính là những khó khăn mà Agribank đang phải đối mặt, vì trên 2/3 giá trị con tàu (từ 70% - 95%) là tiền do ngân hàng cho vay đầu tư đóng mới, nâng cấp, do đó, Agribank mong muốn nhận được sự chia sẻ của các địa phương, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để có được sự phối hợp chặt chẽ, đồng thuận trong chính sách, đặc biệt là đảm bảo sự minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện.

 Để chính sách đạt được mục tiêu như kỳ vọng, thay mặt Agribank, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phượng đề xuất, kiến nghị áp dụng chính sách ưu đãi có chọn lọc, ưu tiên mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tương tự mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư như dự thảo sửa đổi NĐ 67. Cụ thể, chủ tàu là phải thành viên của tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, doanh nghiệp khai thác thủy sản; tàu phải được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị vệ tinh (GPS) kết nối được trạm bờ. Không khuyến khích đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá theo mô hình tổ chức sản xuất cá nhân nhỏ lẻ do chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, năng lực quản lý, vận hành khai thác, năng lực tài chính có nhiều hạn chế, không tạo được tính gắn kết giữa các tàu đánh bắt ở ngoài khơi vì mục tiêu phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo… Agribank cũng kiến nghị duy trì chính sách bảo hiểm đối với con tàu tương ứng với thời gian vay vốn theo quy định tại NĐ 67 (11 năm đối với tàu vỏ gỗ hoặc tàu được nâng cấp, 16 năm đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới được đóng mới); đồng thời, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, chỉ đạo triển khai tích cực, đồng bộ trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật vận hành thiết bị…; đồng thời cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản nhằm bảo đảm ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Phương Thảo, VPĐD Agribank KV Miền Trung