Báo Công An Đà Nẵng

Ai Cập xây "kênh thịnh vượng"

Thứ hai, 26/01/2015 10:43

(Cadn.com.vn) - Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế ốm yếu, Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi lên kế hoạch xây dựng một số công trình quan trọng, gồm kênh đào Suez thứ hai. Trong buổi lễ hồi tháng 8-2014, người hùng mới của Ai Cập hứa hẹn đây là "con kênh của sự thịnh vượng".

Tái sinh

Kênh đào mới này, nối Địa Trung Hải và biển Đỏ, là tuyến đường vận chuyển nhanh nhất giữa Châu Âu và Châu Á, giúp xử lý 7% thương mại đường biển toàn cầu, và là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Ai Cập.

Theo các quan chức, kênh đào mới sẽ tăng gấp đôi công suất đường thủy hiện có và tăng gấp 3 lần các khoản thu trong ít hơn 10 năm, từ 5,3 tỷ USD trong năm 2014 lên 13,2 tỷ USD năm 2023. Cùng với việc xây dựng kênh đào thứ hai, Cairo có kế hoạch tạo hành lang hậu cần và vận chuyển dọc theo hai bờ kênh. Các quan chức đặt tên cho dự án là "Giấc mơ lớn của người Ai Cập". Người dân Ai Cập ủng hộ việc xây kênh mới bằng cách đầu tư 8,5 tỷ USD chỉ trong 8 ngày.

Theo người đứng đầu Cơ quan Kênh đào Suez, Adm Mohab Mameesh, dự án mới sẽ "tái sinh" Ai Cập. Suez là niềm tự hào quốc gia kể từ năm 1956, khi Tổng thống Gamal Abdel Nasser giành kênh từ Anh và Pháp. Tuyến đường thủy này đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và 1973. Ông Mameesh cho biết, hiện giờ, con kênh là một phần của cuộc chiến mới - "cuộc chiến phát triển".

Công trường xây dựng kênh đào Suez mới. Ảnh: BBC

Uy tín quốc tế...

Kế hoạch xây dựng không thuận buồm xuôi gió từ khi bắt đầu. Lũ lụt tại công trình xây dựng hồi tháng 9. Chính phủ cũng bị chỉ trích khi phát hành tem kỷ niệm có in hình ảnh của kênh đào Panama. 

Tuy nhiên, kể từ đó, dự án chuyển sang thi công với tốc độ cao cho kịp tiến độ đề ra. Kênh đào Suez trước đây, mở cửa vào năm 1869, phải mất 10 năm để xây dựng, song Tổng thống Sisi ra sắc lệnh yêu cầu công trình đường thủy mới phải được hoàn thành trong một năm. Các quan chức Ai Cập cho biết, thời hạn trên sẽ được đáp ứng, và tàu đầu tiên sẽ đi qua kênh mới vào đầu tháng 8-2015.

Bộ trưởng Đầu tư Ashraf Salman thừa nhận công trình này là uy tín quốc tế của Ai Cập. "Tôi nghĩ rằng nó rất quan trọng cho việc khôi phục niềm tin, sẽ cho toàn bộ thế giới thấy rằng, Ai Cập đã cam kết và sẽ thực hiện", ông Salman nói.

Một số chuyên gia quốc tế dự đoán công trình sẽ phải mất 5 năm song ông Salman khẳng định nó sẽ hoàn thành trong một năm. "Tôi nghĩ rằng người Ai Cập đã làm 2 cuộc cách mạng trong 2 năm nên hoàn toàn có khả năng làm được điều này. Chúng tôi đang giám sát dự án này mỗi ngày. Chúng tôi đang hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra", ông Salman nói.

...và số phận của Ai Cập

Một số chuyên gia lại hoài nghi về dự báo doanh thu. Họ nghi ngờ, sự tăng trưởng vận tải toàn cầu trong những năm tới sẽ khiến những dự báo của Ai Cập không chính xác.

Một số tin rằng, tiền nên dùng để xây dựng các công trình khác. "Kênh đào Suez mới là dự án yêu nước, và rất khó để định lượng. Từ một quan điểm kinh tế, tôi nghĩ rằng số tiền 8 tỷ USD có thể được sử dụng nâng cấp cơ sở hạ tầng của Ai Cập, xây thêm các nhà máy điện, giao thông vận tải công cộng và nhà ở mới", nhà phân tích đầu tư Angus Blair, Chủ tịch Viện Signet ở Cairo, nhận định. Ngoài ra, một số còn lo ngại về việc các lực lượng nổi dậy thánh chiến tại bán đảo Sinai có thể đe dọa tuyến đường thủy chiến lược - bởi đây cũng là tuyến đường vận chuyển của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, ông Mameesh cho rằng, con kênh rất an toàn.

Rõ ràng, Tổng thống Sisi là người được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này. Ông cần các dự án hàng đầu như thế này để mang lại lợi nhuận, việc làm đầu tư và dập tắt tình trạng bất ổn. Giờ đây, số phận của Ai Cập gắn liền với con kênh mới.

An Bình
(Theo BBC)