Báo Công An Đà Nẵng

Ai chở mùa hè của em đi đâu?

Thứ bảy, 14/06/2014 09:46

(Cadn.com.vn) - 1."Tu hú kêu! Tu hú kêu! Hoa gạo nở, hoa phượng đỏ đầy ước mơ hy vọng/...Ve ve hè về, vui vui vui hè về!...". Mỗi lần nghe giai điệu rộn ràng của bài hát "Mùa hoa phượng nở" của nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi lại nao nao nhớ về những năm tháng học trò đầy ắp tiếng cười hồn nhiên cùng nhiều hoạt động hè sôi nổi ngày nào.

Nhìn mấy đứa trẻ hàng xóm mới nghỉ hè chưa được 10 này đã sáng sáng, chiều chiều cha mẹ chở đến lớp học thêm, bỗng thấy thương cho tuổi thơ thời @ bị cuộc sống hiện đại với quá nhiều kỳ vọng từ người lớn  "đánh cắp", không còn có một mùa hè của tuổi thơ đích thực...

2. Mùa hè của bọn trẻ bị "đánh cắp" cũng phải thôi, bởi hè đến, phần lớn các em biết chơi ở đâu, sinh hoạt với ai ngoài 4 bức tường nhà mình. Trẻ gia đình khá giả thì được cha mẹ gửi đến các trung tâm hoạt động hè có thu phí, hoặc ở nhà làm bạn với máy vi tính, xem ti vi; trẻ con nhà nghèo thì  phụ giúp bố mẹ kiếm tiền. Thế nên, chỉ sau hơn 1 tuần nghỉ hè, trẻ em thành phố đã bắt đầu thấy chán ở nhà.

Học thêm hè được xem là giải pháp hiệu quả nhất, vì vừa được gặp bạn bè, vừa học nhưng không bị áp lực phải trả bài cho thầy cô. Người lớn thì viện dẫn đủ lý do để không cảm thấy áy náy khi bắt con trẻ đi học thêm. Mà lý do nào đưa ra cũng xác đáng, cũng rất có lý. Hầu hết phụ huynh có con em tuổi thanh thiếu niên đều có tâm lý bất an khi để con ở nhà một mình trong dịp hè. Thói quen bảo bọc con cái đã trở thành nếp nghĩ của không ít phụ huynh thành phố.

Từ thói quen này, không ít những đứa trẻ thành phố lớn lên  thiếu kỹ năng sống, ngại giao tiếp, không thích kết giao với nhiều bạn bè. Trong khi việc giao tiếp, sinh hoạt nhóm ấy sẽ bổ sung cho bọn trẻ rất nhiều kỹ năng sống như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng đối thoại, làm giàu thêm vốn từ vựng... Lỗi này không thuộc về bọn trẻ mà là của xã hội, của người lớn...

Trẻ em cần được tham gia những chương trình trại hè bổ ích và lý thú như thế này. Ảnh: T.S

3. Nhớ hôm 31-5, xem chương trình "Giai điệu tự hào số 5" với những bài hát về thiếu nhi, Hội đồng bình luận đã có nhiều ý kiến trăn trở xung quanh việc nuôi dạy con trẻ thời nay, trong đó có không ít ý kiến: tuổi thơ của trẻ em thời đại @ gần như đã bị "đánh cắp", không còn được hồn nhiên vô tư bởi áp lực học tập và sự "tấn công" như vũ bão của công nghệ thông tin... Ý kiến bình luận "hài hước" của diễn viên Xuân Bắc khiến không ít khán giả cười ra nước mắt: "bị đánh cắp" có nghĩa là "phạm tội".

Mà đã là "phạm tội", thì chiếu theo luật phải xử phạt. Nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì phạt tù... Nghe cũng chua chát. Một khán giả khác có ý kiến về hoạt cảnh đồng dao tái hiện các trò chơi của trẻ em ngày trước trong bài hát "Mùa hoa phượng nở", rằng các em không biết chơi ô ăn quan. Nhìn các em chơi mà thấy thương cho tuổi thơ thời @ đang bị công nghệ thông tin "đánh cắp" mất hết nét hồn nhiên!

Chương trình "giai điệu tự hào số 5" không chỉ là món quà cho các bé nhân ngày thiếu nhi mà còn dành cho tất cả mọi người- bởi ai cũng đã từng có một thời thơ trẻ đáng yêu như thế. Chương trình để lại bao suy tư, trăn trở  cho người lớn, cho xã hội với câu trả lời: Làm gì để tuổi thơ không bị đánh cắp; Dạy con trẻ như thế nào là  đúng cách? Làm gì để trả lại tuổi thơ hồn nhiên đúng nghĩa cho trẻ em...?

4. Có lần, anh trai của bạn tôi từ Mỹ về nước, ghé thăm nhà. Chứng kiến cảnh đứa cháu mới học lớp 1 bị cha mẹ bắt đi học thêm đủ thứ: ngoại ngữ, luyện chữ đẹp, học đàn, học bơi, anh phát hoảng, mắng bạn tôi một trận: "Sao các bạn lại dạy con phản khoa học vậy? Bộ não của trẻ nó phát triển từ từ, theo từng giai đoạn. Ép, dồn nó học như vậy, đến một lúc nào đó não cháu không phát triển nữa, liệu có tốt không?

Đừng bắt cháu làm thiên tài. Hãy để cháu sống và phát triển bình thường mới tốt". Bạn tôi cười phân bua: "Em cũng muốn thế lắm chứ! Nhưng nhìn quanh, thấy ai cũng cho con đi học như vậy cả, thấy sốt ruột lắm...". Ai cũng cảm thấy sốt ruột. Và vì thế sẽ còn diễn ra dài dài cảnh mùa hè của tuổi thơ, nhất là trẻ thơ thành phố bị ai đó chở đi đâu mất!

P.Thủy