Báo Công An Đà Nẵng

Ai đứng sau những vụ khủng bố ở Bangladesh?

Thứ sáu, 29/04/2016 09:52

(Cadn.com.vn) - Hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu ở Bangladesh đặt quốc gia Nam Á này nâng mức báo động khủng bố ở trong nước cũng như trên toàn thế giới lên mức cao. Dù vậy, cho đến nay,  vẫn chưa rõ liệu tổ chức hay thế lực nào đứng đằng sau tất cả những vụ việc trên.

Kể từ năm 2013, ít nhất 20 người, bao gồm các giáo sư, nhà văn, các blogger nổi tiếng, thành viên của nhóm tôn giáo thiểu số và 2 người nước ngoài, được cho đã bị phiến quân Hồi giáo giết chết tại Bangladesh. Việc giết hại 3 người vào những ngày vừa qua càng làm dấy lên lo ngại về tình trạng bạo lực leo thang ở nước này. Hầu hết nạn nhân đều bị giết chết bằng dao phay, còn một số trường hợp bị chặt đầu.

Đám tang của biên tập viên bị sát hại Xulhaz Mannan.

Bạo lực leo thang

Ban đầu, các blogger và nhà văn mang chủ nghĩa vô thần (tức là người có quan điểm thần thánh không tồn tại) mới chính là mục tiêu tấn công của phiến quân Hồi giáo. Nhưng gần đây, các chiến binh Hồi giáo đã mở rộng mục tiêu.

Điển hình, giáo sư Karim Rezaul Siddique dạy tiếng Anh tại Bangladesh bị giết vào ngày 23-4 không phải là một người vô thần nhưng ông thường tham gia các hoạt động văn hóa mà nhiều nhóm khủng bố lên án là “không theo Hồi giáo”. Sự việc này phản ánh sự gia tăng cực đoan ở Bangladesh, nơi mà đại đa số dân chúng là người theo đạo Hồi và hoàn toàn không có cảm tình với những người chống lại đạo. Việc giết hại nhà hoạt động bênh vực quyền của người đồng giới Xulhaz Mannan và một người bạn ở thành phố Dhaka vào ngày 25-4 được xem là bằng chứng mới nhất cho thấy phiến quân Hồi giáo đang mở rộng mục tiêu tấn công.

Ai là chủ mưu?

Câu hỏi này đang khiến nhiều chuyên gia phân tích đau đầu vì hiện có vô số các nhóm cực đoan hoạt động ở Bangladesh.

Trong thời gian qua, nhóm IS nhận trách nhiệm đứng sau các cuộc tấn công đẫm máu và sát hại ở Bangladesh. Điển hình là vụ sát hại nhân viên cứu trợ người Ý Cesare Tavella và nông dân Nhật Bản Kunio Hoshi vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, giới chức chính phủ Bangladesh khẳng định không có sự hiện diện của IS ở quốc gia này. Đồng quan điểm, nhiều nhà phân tích cho rằng hiện tại có rất nhiều nhóm cực đoan ở địa phương có cùng mục tiêu hoạt động giống như IS.

Cựu tướng quân đội Bangladesh Shakhawat Hossain cho biết, mỗi nhóm Hồi giáo hoạt động ngầm đều có kết nối với nhau bởi vì cùng chia sẻ mục tiêu tương tự nhau. “Nhưng tôi không chắc liệu IS có liên quan đến các vụ giết người nước ngoài hay không”, ông nói. Sau vụ ám sát biên tập viên Xulhaz Mannan, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cáo buộc các đảng đối lập liên quan đến những vụ giết người bí mật này vì muốn gây bất ổn cho các chính phủ và đất nước. Minh chứng cho khẳng định trên là cảnh sát bắt giữ 5 thành viên của nhóm Hồi giáo cực đoan Jamaat-ul-Mujahideen bị cấm vì đã tham gia vào việc giết hại một mục sư ở phía bắc Bangladesh vào tháng 10-2015.

Mặc dù danh sách các nạn nhân xấu số ở Bangladesh vẫn tiếp tục tăng lên nhưng dường như cảnh sát ở quốc gia này rất ít điều tra vụ việc. Chỉ duy nhất một trường hợp có 2 người vừa bị kết án tử hình vì giết blogger nổi tiếng Ahmed Rajib Haider năm 2013. Thực tế, cảnh sát không xác định được thủ phạm trong nhiều trường hợp. Điển hình, đã hơn 1 năm sau vụ ám sát nhà văn Avijit Roy nhưng cho đến nay vẫn chưa điều tra ra thủ phạm.

Theo giới phân tích, cảnh sát không mấy hào hứng điều tra các vụ sát hại này vì những cáo buộc gây tranh cãi của bà Hasina và các blogger vô thần. Phe đối lập nói rằng cáo buộc của thủ tướng chống lại họ và các blogger là nguyên nhân cản trở điều tra. Vì vậy, mãi cho đến nay, câu hỏi ai là người thực sự đứng sau các vụ ám sát ở Bangladesh vẫn là câu hỏi bí ẩn.

Tuệ Khanh
(Theo BBC)