Báo Công An Đà Nẵng

Ai đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga ở Anh?

Thứ sáu, 09/03/2018 09:11

AFP ngày 8-3 dẫn nguồn tin cảnh sát Anh cho biết, cựu điệp viên Nga hai mang Sergei Skripal cùng con gái của ông là nạn nhân của một vụ mưu sát bất thành bằng một chất độc thần kinh.

Phát biểu với báo giới, đại diện cảnh sát Metropolitan Mark Rowley nêu rõ: “Vụ việc này được coi như một tai nạn lớn liên quan tới âm mưu ám sát bất thành bằng việc sử dụng một chất độc thần kinh”. Ngoài ra, ông Rowley cho biết thêm, một sĩ quan cảnh sát, một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường cũng đang ở trong tình trạng nguy kịch. Trong khi đó, 2 cảnh sát đến sau đó cũng bị tổn thương nhẹ.

Có thể là chất độc thần kinh Thallium

Theo cảnh sát, các thử nghiệm khoa học của các chuyên gia chính quyền đã xác định chất độc thần kinh cụ thể này, để “hỗ trợ tìm được nguồn gốc”.

Tuy nhiên, ông Rowley nêu rõ: “Trong giai đoạn điều tra này, tôi sẽ không cung cấp thêm thông tin về chất (độc) chính xác đã được xác định”. Trong khi đó, tờ The Sun tiết lộ, nhiều nguồn tin cho rằng, đây có thể là phiên bản của chất độc thần kinh cực mạnh Thallium. Được biết với tên gọi “chất độc của chất độc”, Thallium không màu, không mùi và không vị; hoạt động rất chậm và gây đau đớn cùng cực. Nó dễ vận chuyển, dễ dàng đưa vào thực phẩm, thức uống. Người bị nhiễm độc thallium có thể bị mù hoặc tử vong trong vòng vài giờ đến vài tuần, thường là khoảng 10 đến 12 ngày. Nguyên nhân tử vong chủ yếu là do tổn thương thận, thần kinh và tim. Nếu bị nhiễm độc nặng nhưng chưa đến mức tử vong, bệnh nhân phải mất vài tháng mới hồi phục.

Tranh cãi Nga, Anh

Cảnh sát đã phát hiện ông Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal, 33 tuổi, nằm bất tỉnh trên ghế băng ở thành phố Salisbury. Cả hai sau đó được đưa vào bệnh viện vì “bị nghi nhiễm chất lạ”. Vụ việc ngay lập tức bùng lên nhiều tranh cãi về việc ai đứng sau vụ tấn công này.

Giới truyền thông Anh và nhiều chuyên gia chĩa mũi dùi vào Nga, cho rằng, Moscow đứng sau vụ việc này. Trong thông điệp gửi đến Moscow, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cảnh báo: “Nếu bằng chứng cho thấy Nga liên quan, chính phủ của Hoàng gia Anh sẽ đáp trả hợp lý và mạnh mẽ. Các lãnh đạo tình báo Anh cũng cho rằng, Nga là nghi phạm chính trong vụ việc này". Bruce Jones, một chuyên gia về Nga của Bộ Quốc phòng Anh, nói với AFP rằng, đây có thể xem là đòn cảnh báo của Moscow dành cho một kẻ phản bội. 

Ông Sergei Skripal từng là sĩ quan quân đội Nga với quân hàm đại tá. Vào thời điểm đó, ông có biệt danh là “Điệp viên túi Louis Vuitton”. Tuy nhiên, vào năm 2004, ông bị bắt giữ vì tội buôn bán thông tin nhạy cảm với cơ quan tình báo Anh, MI6. Skripal bị cáo buộc bắt đầu làm việc cho MI6 vào cuối những năm 1990 và chuyển những bí mật cho người Anh. Trong phiên tòa năm 2006, ông này bị kết án 13 năm tù, bị tước hết mọi danh hiệu và phần thưởng.

Tuy nhiên, Nga ngay lập tức bác bỏ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố đáp trả lại phía London, trong đó, bà kêu gọi Anh điều tra vụ việc thay vì ngay lập tức kết tội Nga có liên quan. Trên đài phát thanh “Tiếng vọng Moscow”, khi được đề nghị bình luận về tuyên bố của Ngoại trưởng Boris Johnson rằng “Nga hoạt động thù địch tại Anh”, bà Zakharova gọi đây là những lời lẽ “hoang dã”. Bà Zakharova cho rằng, trước hết ít nhất Anh phải có các hoạt động điều tra tối thiểu. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga cũng bình luận, gần đây Anh đang có xu hướng gắn tất cả mọi diễn biến với khả năng không tham gia Vòng chung kết bóng đá thế giới 2018, sẽ diễn ra tại Nga. Đại sứ quán Nga tại Anh cũng cho rằng, phản ứng của London trong vụ việc này cho thấy họ sẵn sàng bắt đầu chiến dịch mới chống Moscow.

Nhiều luồng ý kiến khác cũng cho rằng, có thể đây là một “sản phẩm” của MI6, Anh nhằm đổ trách nhiệm cho Nga.       

KHẢ ANH