Báo Công An Đà Nẵng

Ai đứng sau vụ giết hại Đại sứ Mỹ?

Thứ sáu, 14/09/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, vốn bùng phát từ một cuộc biểu tình phản đối bộ phim châm biếm đạo Hồi, khiến Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens thiệt mạng, đang hâm nóng những tranh cãi về “chiến lược Mỹ” ở Trung Đông. Vậy thực sự, ai đứng sau làn sóng tấn công người Mỹ đẫm máu ở Libya này?

“LỮ ĐOÀN OMAR ABDUL RAHMAN”  LÀ NGHI CAN CHÍNH

Ngay sau vụ việc, nhóm thánh chiến có tên “Lữ đoàn của lãnh tụ bị cầm tù Omar Abdul Rahman” nói rằng, vụ tấn công được thực hiện theo lời kêu gọi của thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman Al-Zawahiri nhằm mục đích trả thù cho Abu Yahya Al-Libi, lãnh đạo số hai của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda thiệt mạng trong vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Pakistan.

Nhóm này nổi lên hồi tháng 5 khi đứng ra nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công nhằm vào Văn phòng của Tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế tại Benghazi. Một tháng sau đó, nhóm tiếp tục nhận trách nhiệm vụ nổ bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ và sau đó công bố một băng ghi hình vụ tấn công này. Do đó, nhóm này hiện là đối tượng tình nghi hàng đầu cho vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi hôm 11-9. Ông Noman Benotman, từng là một thành viên hàng đầu của Nhóm chiến đấu chống Hồi giáo Libya và hiện làm việc tại Quỹ Quilliam ở London nói với CNN: “Một cuộc tấn công như thế có khả năng sẽ có sự chuẩn bị. Dường như đây không chỉ đơn thuần là một cuộc biểu tình leo thang”.

Ông Benotman, người trước đó đã cảnh báo về khả năng xảy ra các cuộc tấn công mới chống lại quyền lợi của Mỹ ở Libya cũng nhận định “Lữ đoàn của lãnh tụ bị cầm tù Omar Abdul Rahman” là nghi phạm chính. Ông tin rằng có khả năng các cuộc tấn công chết người cũng liên quan đến một đoạn băng được thủ lĩnh Al-Zawahiri công bố nhân kỷ niệm 11 năm vụ tấn công khủng bố 11-9. Trong đoạn băng này, Al-Zawahiri xác nhận cái chết của "Phó tướng" Al-Libi đồng thời kêu gọi, thúc giục và kích động mọi người chiến đấu và tiêu diệt quân viễn chinh”.

Các nhà phân tích cuối cùng cho rằng, cuộc tấn công vào Lãnh sự Mỹ được chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên, các nguồn tin cho rằng, ngài Đại sứ không phải là mục tiêu trực tiếp.

 Biểu tình ở Benghazi, Libya lên án vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ. Ảnh: CNN

PHE ỦNG HỘ GADDAFI HAY AL-QAEDA?

Trong khi đó, giới chức Libya lại cho rằng, những phần tử ủng hộ chế độ của cố lãnh đạo Gaddafi và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đứng sau vụ tấn công đẫm máu này.

Trả lời báo giới tại thủ đô Tripoli, Chủ tịch Quốc hội Libya Mohamed al-Megaryef nêu rõ: “Những gì xảy ra hôm qua rất giống vụ ngày11-9”. Ông Megaryef cũng đổ trách nhiệm cho chế độ cũ bị lật đổ, nói rằng các vụ tấn công như trên là nhằm hủy hoại các bước đi tiến tới dân chủ của Libya.

Các quan chức an ninh Libya và phương Tây cũng cho rằng, Al-Qaeda lợi dụng khoảng trống an ninh hiện nay để hiện diện mạnh mẽ hơn ở miền đông Libya và rất có thể nhóm này là “tác giả” của vụ tấn công hôm 11-9 nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ. Trong khi đó, Azuz Abdulbasit, một trong những thủ lĩnh phiến quân được phái tới Libya từ các khu vực bộ lạc của Pakistan vào năm 2011 để tạo ra chỗ đứng của Al-Qaeda ở Libya.

MỸ ĐỀ PHÒNG, QUỐC TẾ LÊN ÁN

Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Libya
Phản ứng trước vụ Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya bị tấn công khiến Đại sứ và một số viên chức ngoại giao Mỹ thiệt mạng, ngày 13-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ, Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công này.
Ông Lương Thanh Nghị còn nói thêm: “Chúng tôi xin gửi đến gia đình các nạn nhân lời chia buồn sâu sắc. Chúng tôi đề nghị chính quyền Libya thực thi các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Libya”.

TTXVN

Sau vụ tấn công đẫm máu tại Benghazi, Mỹ triển khai hai tàu khu trục và một đơn vị gồm 50 lính thủy đánh bộ thuộc “Đơn vị an ninh chống khủng bố” (FAST) tới Libya nhằm tăng cường an ninh cho Đại sứ quán Mỹ tại Tripoli.

Hai tàu khu trục sẽ tới gần Libya như một biện pháp đề phòng. Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little đã từ chối bình luận về lộ trình cụ thể của hai tàu khu trục trên, song cho biết các biện pháp đề phòng mà quân đội Mỹ áp dụng ”không chỉ phù hợp với các tình huống nhất định” mà còn là “giải pháp thận trọng cần phải thực hiện”. Mỹ cũng đang tiến hành sơ tán hầu hết các nhân viên ngoại giao ra khỏi Libya và đưa sang Đức. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhanh chóng ra lệnh tăng cường an ninh tại các trụ sở ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới đồng thời gọi điện yêu cầu người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai ngăn chặn không để làn sóng tấn công bạo lực từ Libya và Ai Cập lan sang quốc gia Trung Á này và đe dọa an toàn cho lực lượng Mỹ.

Trong khi đó, HĐBA LHQ, NATO, EU và nhiều nước cũng kịch liệt lên án vụ tấn công “hèn hạ” này đồng thời hối thúc Libya “có những biện pháp không chậm trễ” để bảo vệ tính mạng của tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên nước ngoài làm việc tại nước này.

An Bình (Theo CNN, AFP)

BIỂU TÌNH CHỐNG MỸ LAN RỘNG

Ngày 13-9, hàng trăm người biểu tình Yemen tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Sanaa phản đối bộ phim xúc phạm nhà tiên tri Muhammad. Theo Reuters, những người biểu tình đập phá cửa sổ của cơ quan an ninh bên ngoài đại sứ quán sau đó đột nhập cổng chính của tòa nhà vốn được bảo vệ nghiêm ngặt này. Nhân viên bảo vệ cố gắng ngăn người biểu tình bằng cách nổ súng vào không khí. Tại Ai Cập, những người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh sau khi đám đông đến Đại sứ quán Mỹ tại Cairo để biểu tình phản đối bộ phim. Cảnh sát chống bạo động buộc phải bắn hơi cay vào người biểu tình. Biểu tình chống Mỹ cũng lan đến Tunisia, JordanMorocco nhằm yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama xin lỗi về vụ việc.