Báo Công An Đà Nẵng

Ai được lợi từ RCEP?

Thứ sáu, 20/11/2020 12:00

Đây là một hiệp định thương mại mới, được cho là sẽ giúp định hình lại nền kinh tế và chính trị toàn cầu.

Cuối tuần qua, 15 quốc gia - 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được cho là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử. RCEP và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vốn đã được ký kết vào năm 2018 và cũng do các thành viên Đông Á chi phối, là những hiệp định thương mại tự do đa phương lớn duy nhất được ký kết dưới thời của Tổng thống Donald Trump.

10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký kết RCEP tại hội nghị trực tuyến.

Các chứng minh kinh tế của RCEP

Các thành viên RCEP chiếm gần 1/3 dân số thế giới và 29% GDP toàn cầu. Khu thương mại tự do mới sẽ lớn hơn cả Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada và Liên minh Châu Âu (EU).

RCEP dự kiến sẽ loại bỏ một loạt thuế nhập khẩu trong vòng 20 năm. Hiệp định này cũng bao gồm các điều khoản về sở hữu trí tuệ, viễn thông, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử và các dịch vụ chuyên nghiệp. Nhưng có thể “quy tắc xuất xứ” mới - quy định chính thức xác định nguồn gốc sản phẩm - sẽ có tác động lớn nhất. Nhiều quốc gia thành viên đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhau, nhưng vẫn còn có những hạn chế. “Các FTA hiện tại có thể rất phức tạp để sử dụng so với RCEP”, Deborah Elms từ Trung tâm Thương mại Châu Á cho biết.

Các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phải đối mặt với thuế quan ngay cả trong một FTA vì sản phẩm của họ chứa các thành phần được sản xuất ở nơi khác. Ví dụ, một sản phẩm được sản xuất tại Indonesia có chứa các linh kiện của Australia có thể phải đối mặt với thuế quan ở những nơi khác trong khu vực thương mại tự do ASEAN. Theo RCEP, các linh kiện từ bất kỳ quốc gia thành viên nào sẽ được đối xử bình đẳng, điều này có thể mang lại cho các Cty ở các quốc gia RCEP động lực để tìm kiếm nhà cung cấp trong khu vực thương mại của khối này.

Các chuyên gia cũng cho rằng, RCEP và CPTPP sẽ cùng nhau bù đắp tổn thất toàn cầu từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mặc dù không phải chỉ cho hai ông lớn này. Các hiệp định mới sẽ làm cho nền kinh tế của các quốc gia Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn, kết nối các thế mạnh của họ về công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên. Tác động của RCEP là rất ấn tượng mặc dù hiệp định này không khắt khe như CPTPP.

Đông Nam Á hay Đông Bắc Á?

Theo các chuyên gia, mặc dù RCEP là một sáng kiến của ASEAN, hiệp định được nhiều người coi là một giải pháp thay thế Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Dù vậy, theo họ, các quốc gia Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi đáng kể từ RCEP (19 tỷ USD hàng năm vào năm 2030) nhưng ít hơn Đông Bắc Á vì khu vực này đã có các hiệp định thương mại tự do với các đối tác RCEP. Nhưng RCEP có thể cải thiện khả năng tiếp cận các quỹ của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, nâng cao lợi nhuận từ việc tiếp cận thị trường bằng cách tăng cường các liên kết vận tải, năng lượng và thông tin liên lạc. Các quy tắc xuất xứ thuận lợi của RCEP cũng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài.

Mỹ và Ấn Độ cũng từng là thành viên của RCEP và CPTPP, nhưng đã rút lui dưới thời chính quyền Tổng thống Trump và Modi. Lý do chính khiến Ấn Độ quyết định không tham gia RCEP là do lo ngại rằng một lượng lớn hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc có thể gây tổn hại thêm cho các ngành công nghiệp nội địa của Ấn Độ. Thâm hụt thương mại giữa hai bên lên tới khoảng 50 tỷ USD trong năm tài chính 2019.

Nhưng giờ đây, khi các thỏa thuận hiện đã được định hình, chúng kích thích mạnh mẽ sự hội nhập giữa các quốc gia. Vì vậy, theo các chuyên gia, các chính sách của Mỹ ở Châu Á cần phải điều chỉnh để phù hợp với thực tế đang thay đổi của Đông Á. Nhìn lại, các chính sách Châu Á của chính quyền ông Trump tập trung vào tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mở và Tự do (FOIP). Như các chuyên gia đã lưu ý, các nguyên tắc của FOIP - một khu vực hòa bình cởi mở, hòa nhập - nhất quán với chính sách đã được thiết lập của Washington. Tuy nhiên, chiến thuật của chính quyền sau đó nhấn mạnh việc cô lập Trung Quốc khỏi các mạng lưới kinh tế khu vực và ưu tiên các thỏa thuận an ninh tập trung vào Bộ tứ (Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ).

KHẢ ANH