Báo Công An Đà Nẵng

Ai hỗ trợ tài chính cho IS?

Thứ tư, 03/09/2014 08:23

(Cadn.com.vn) - Nhiều quốc gia Vùng Vịnh bị cáo buộc tài trợ cho Nhà nước Hồi giáo (IS) cực đoan ở Iraq và Syria. Nhưng Michael Stephens, Giám đốc Viện Thống nhất Hoàng gia Qatar cho rằng, điều này không hoàn toàn đúng.

Phần lớn đều cho rằng, IS nhận hỗ trợ từ các nhà tài trợ và người ủng hộ, đặc biệt là ở các nước Vùng Vịnh giàu có. Thật vậy, nhiều tay súng chiến đấu cho IS tại Iraq và Syria nói rằng: Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đóng vai trò quan trọng cho sự tồn tại của nhóm. Nhưng sự thật lại phức tạp hơn nhiều.

Chính sách sai lầm

Đúng là một số cá nhân giàu có từ Vùng Vịnh tài trợ cho các nhóm cực đoan ở Syria, nhiều người đưa hàng túi tiền mặt đến Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó bàn giao hàng triệu USD cho các nhóm thánh chiến này. Đây là thực tế phổ biến trong năm 2012 và 2013.

Nhưng kể từ đó, hình thức này đã giảm và chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong tổng thu nhập chảy vào túi tiền của IS năm 2014. Cũng hoàn toàn đúng khi nói rằng, Saudi Arabia và Qatar - những nước tin rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ sớm bị lật đổ và Hồi giáo Sunni là mục tiêu chính trị của họ - tài trợ các nhóm này.

Liwa al-Tawhid, Ahrar al-Sham, Jaish al-Islam là các nhóm như vậy, tất cả đều có liên kết mong manh với Mặt trận Al-Nusra, nhánh của Al-Qaeda ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng góp một phần cho hoạt động này khi đồng ý hỗ trợ vũ khí và tiền bạc vào Syria. Tất cả nghĩ rằng, nó sẽ giúp kết thúc chế độ Tổng thống Assad và biến Syria thành cường quốc Sunni, phá vỡ liên kết Iran với Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, khi IS bắt đầu mạnh lên vào năm 2013, các nhóm này phải giải tán. Các thành viên đào thoát, mang theo vũ khí và tiền bạc sang IS. Chỉ Al-Nusra thực sự tồn tại, liên minh mong manh với các đồng minh. Tuy nhiên, ước tính ít nhất 3.000 tay súng chiến đấu từ Al-Nusra rời bỏ nhóm trong thời gian này và gia nhập IS. Vì vậy, không thể nói Qatar trực tiếp hỗ trợ tài chính cho IS. Với các chính sách sai lầm và quyết tâm loại bỏ ông Assad, nước này chỉ gián tiếp đưa vũ khí và tiền vào tay IS. Saudi Arabia cũng tương tự.

Nhưng có những vấn đề “thâm cung bí sử”. Chẳng có ai ủng hộ những hành vi khủng khiếp của IS, nhưng mục tiêu thiết lập một Caliphate (Nhà nước hồi giáo) chắc chắn sẽ hấp dẫn nhiều người theo tư tưởng Hồi giáo. Nhiều người trong số này tìm cách đến Syria để chiến đấu và hy sinh cho IS. Nhiều người khác hỗ trợ thụ động hơn và sẽ tiếp tục làm như vậy trong nhiều năm tới.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị cáo buộc đang làm kinh doanh với IS. Ảnh: BBC

“Chiến tranh kinh tế”

IS khởi đầu cấu trúc bán nhà nước - gồm các Bộ, tòa án và thậm chí cả một hệ thống thuế thô sơ, mà yêu cầu người dân Syria phải trả ít hơn so với chính quyền Assad.

IS thể hiện mô hình phù hợp kể từ khi bắt đầu kiểm soát lãnh thổ vào đầu năm 2013. Sau khi nắm quyền kiểm soát một thị trấn, nhóm này nhanh chóng kiểm soát chặt chẽ nguồn nước, bột mì và nguồn khí đốt, tập trung phân phối và do đó làm cho người dân địa phương phụ thuộc vào nhóm để tồn tại. 

Phụ thuộc và ủng hộ không đi đôi với nhau. Không thể xác định có bao nhiêu “công dân” của IS sẵn sàng ủng hộ kế hoạch của nhóm hay chỉ tuân theo do lo sợ bị trừng phạt. Hoạt động của nền kinh tế IS là thế giới âm u của những người trung gian và các giao dịch kinh doanh mờ ám. IS xuất khẩu khoảng 9.000 thùng dầu mỗi ngày với giá từ khoảng 25-45 USD.

“Đó là một cuộc chiến tranh kinh tế truyền thống”, nhà phân tích Wladimir van Wilgenburg cho biết. Thật vậy, các giao dịch tinh ranh và liên minh kỳ lạ đang bắt đầu trông rất giống với sự kiện xảy ra trong nội chiến Lebanon, khi các lãnh chúa chiến đấu và làm ăn với nhau. IS chủ yếu vẫn tự chủ về tài chính; nó không thể bị cô lập và tách rời khỏi thế giới bởi vì hoạt động của nhóm liên quan mật thiết tới sự ổn định của khu vực.

Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu một trụ cột không thể thiếu của khu vực (dù IS bị Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc phạm tội ác chiến tranh tại Iraq) có thể bị đánh bại? Nếu không có sự can thiệp quân sự phương Tây, điều đó là không thể.

An Bình
(Theo BBC)