Ai là Hồi giáo cực đoan tại Australia?
(Cadn.com.vn) - Australia đang mở các cuộc tấn công chống khủng bố lớn trong bối cảnh đất nước phải vật lộn với những gì được mô tả là mối đe dọa nghiêm trọng từ những kẻ cực đoan hỗ trợ nhóm chiến binh IS.
Các nhà chức trách Australia lo ngại về quá trình cực đoan hóa của cộng đồng Hồi giáo thiểu số. Theo đó, có ít nhất 60 người Australia đang chiến đấu với các nhóm cực đoan ở Syria và miền bắc Iraq. 20 người đã trở lại đất nước. Mối lo vì thế tăng lên.
Họ là ai?
Chuyên gia khủng bố Clive Williams thuộc Đại học Quốc gia Australia cho biết, các chiến binh thánh chiến Australia là người Hồi giáo Sunni, một nhánh Hồi giáo mà IS đang hậu thuẫn.
Trong đó, hơn một nửa trong số những người theo chủ nghĩa cực đoan được sinh ra tại Australia và khoảng 60% là người gốc Lebanon. Họ không theo tôn giáo nào trước khi tin vào hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Một số cá nhân nằm trong tầm ngắm của các nhà chức trách. Hồi tháng 7, lệnh bắt giữ 2 tay súng chiến đấu của IS, Khaled Sharrouf và Mohamed Elomar, được ban bố.
Sharrouf là một trong 8 người bị bắt vì âm mưu tấn công lò phản ứng hạt nhân Lucas Heights ở Sydney hồi năm 2008. Y chịu án phạt 4 năm tù. Nhiều người cho rằng, bức ảnh chụp một cậu bé cầm một cái đầu bị cắt đứt hồi đầu năm nay, là một trong những con trai của y.
Hai người đàn ông bị bắt giữ trong cuộc đột kích trung tâm Hồi giáo vào ngày 10-9 được các phương tiện truyền thông địa phương nêu tên là Agim Kruezi và Omar Succarieh. Succarieh được cho là anh trai của Abu Asma al Australi, kẻ đánh bom tự sát người Australia đầu tiên chết tại Syria.
Phương tiện truyền thông địa phương cũng mô tả, Mohammad Ali Baryalei, một cựu đầu gấu tại Sydney là thành viên người Australia cao cấp nhất của IS hiện nay. Lệnh bắt giữ y được ban bố và các cuộc bố ráp của cảnh sát gần đây nhất được cho là có liên quan đến một cuộc gọi thông tin về y.
Hồi tháng 7, một thanh niên 18 tuổi từ Melbourne cho nổ tung mình và nhiều người khác trong một vụ đánh bom tự sát tại Iraq. Các nhà chức trách cho biết, y là kẻ đánh bom tự sát thứ hai của Australia. Sau đó, truyền thông đăng tải các bức ảnh cho thấy Sharrouf và một tay súng người Australia chiến đấu cho IS, giơ cao cái đầu bị cắt đứt của một người dường như là binh sĩ chính phủ Syria.
Bắt đầu từ ngày 12-9, Australia nâng mức độ đe dọa khủng bố từ trung bình lên cao – đồng nghĩa với việc một cuộc tấn công hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Cảnh sát đột kích trung tâm Hồi giáo ở phía nam Brisbane. Ảnh: BBC |
Canberra đang làm gì?
Thủ tướng Anh Tony Abbott đẩy mạnh luật chống khủng bố nhắm mục tiêu vào các nhóm khủng bố trong nước, trong đó nêu rõ, nếu người nào đi đến các khu vực bị cấm mà không có lý do chính đáng đều phạm tội hình sự. Chính phủ cũng có kế hoạch giao thêm quyền cho các chính quyền, giúp họ có thể chế hoạt động của các nghi phạm, và lục soát nhà những kẻ bị nghi ngờ. Các đơn vị chống khủng bố mới được thành lập tại sân bay Sydney và Melbourne, và có kế hoạch thành lập thêm các đơn vị tương tự ở tất cả các sân bay quốc tế.
Cộng đồng Hồi giáo ôn hòa của Australia chỉ chiếm 2,2% dân số cả nước, theo điều tra dân số năm 2011. Đại diện cộng đồng lên án bạo lực cực đoan. Grand Mufti – cơ quan Hồi giáo hàng đầu của Australia - nói với Fairfax: “Chúng tôi là những người đầu tiên phản đối bất cứ ai muốn làm tổn hại đến xã hội Australia”. Nhưng họ cũng chỉ trích luật chống khủng bố của chính phủ, cho rằng chúng hạn chế các quyền tự do và tạo ra mối quan hệ nguy hiểm với cộng đồng Hồi giáo.
Họ lo ngại, việc Canberra tham chiến ở Trung Đông sẽ thổi bùng tình hình cực đoan trong nước.
An Bình
(Theo BBC)