Báo Công An Đà Nẵng

Ai là người mang "gen thể thao"?

Thứ bảy, 22/02/2014 11:01

(Cadn.com.vn) - Ngay trong khi Olympic Mùa đông Sochi đang diễn ra tại Nga, tờ The Atlantic của Mỹ đăng tải bài viết cho biết, các nhà khoa học Uzbekistan hiện đang thực hiện một dự án ngoạn mục: tìm kiếm các tài năng thể thao nhí bằng cách xét nghiệm "gen thể thao" ở nhóm trẻ dưới 10 tuổi.

Tài năng thể thao nằm trong hệ gen?

Kể từ khi hệ gen người được giải mã năm 2000, nhiều lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng về gen trở nên sôi động, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, an ninh và gần đây đang được ứng dụng vào lĩnh vực khác như thể thao hay nghệ thuật tại Trung Quốc và một số quốc gia Âu-Mỹ.

Trong 2 năm gần đây, việc xét nghiệm gen để tìm kiếm tài năng thể thao cấp quốc tế bị cấm tại nhiều nước, nhưng nay lệnh cấm này được gỡ bỏ. Nhiều nơi người ta bắt tay trở lại nghiên cứu. Đầu tháng 1-2014, Viện Sinh Hóa hữu cơ  (IBC) Uzbekistan thông báo, họ bắt đầu thực hiện dự án cấp di truyền phân tử để chọn các tài năng thể thao nhỏ tuổi.

Theo ông Rustam Muhamedov, Giám đốc Phòng thí nghiệm di truyền thuộc IBC, tuy bị cấm nhưng trong 2 năm qua IBC chuẩn bị được rất nhiều việc, đặc biệt, nghiên cứu các gen trong cơ thể của các quán quân thể thao người Uzbekistan và tới đây sẽ công bố danh sách 50 gen mà IBC cho là đóng vai trò quan trọng tạo nên các quán quân thể thao tương lai.

Cũng theo ông Rustam, không phải đến bây giờ mà nhiều quốc gia phát triển ở Châu Âu và Mỹ từng làm việc này, thông qua việc thử máu trẻ em, kết hợp với sở thích thể thao của con người.

Một trong số những quốc gia đi đầu là Australia. Các nhà khoa học nước này thành công trong lĩnh vực tìm thấy loại gen có tên ACTN3 mã hóa một protein có trong sợi cơ co rút nhanh, có khả năng giúp vận động viên nhảy cao.

Những ai không có gen này thì không thể tham gia môn thi chạy Olympic 100m được, đây là sự thật ai cũng biết. Tuy nhiên, trong số 7 tỷ người trên thế giới (không kể những người quá tuổi), việc sở hữu "bản thể" gen này quả là rất hiếm.

Eero Mantyranta, người Phần Lan 3 lần đạt HCV trượt tuyết Olympic.

Sẽ trở thành hiện thực?

Trước khi dự án được bắt đầu, nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới bắt tay vào nghiên cứu hệ gen con người.

Ví dụ tại Mỹ, người ta nghiên cứu hệ gen của những người bản xứ Nam Mỹ, người Châu Phi, người Châu Âu và những người hiện đang sống tại Caribbean. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học tìm thấy nguồn gốc con người. Chẳng hạn, những người có màu da nâu thường có nguồn gốc từ Nam Á, Ấn Độ.

Đặc biệt, tìm thấy 20 gen của những người gốc Châu Âu, xác định được cụ thể thời gian những người này nhập cư vào Nam Mỹ và thời điểm những người da đen Tây Phi nhập cư vào Nam Mỹ qua con đường buôn bán nô lệ.

Đặc biệt hơn, các nhà khoa học còn tìm thấy cụm gen được đặt tên là "gen thể thao" ở trẻ nhỏ có nguồn gốc từ Châu Phi, giúp con người dẻo dai khi tham gia đua tài. Qua nghiên cứu ADN, các chuyên gia ở Đại học Glasgow (Anh) phát hiện những người Jamaica là nhóm người có sức khỏe tốt, thường xuyên đạt kỷ lục trong các cuộc đua chạy marathon.

Các nhà khoa học còn phát hiện Eero Mantyranta, vận động viên trượt tuyết người Phần Lan giành đến 7 huy chương. Eero, người có đột biến di truyền, có số lượng hồng cầu rất cao, máu mang nhiều oxy nên chạy rất nhanh mà không hề bị mệt.

Trở lại dự án của IBC, hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu gen ACTN3, sản xuất loại protein điều tiết các sợi cơ co rút nhanh. Theo thống kê, có gần 18% dân số trên thế giới hiện nay có 2 bản sao gen này nhưng ở mức thấp, tuy vậy họ vẫn chạy nhanh hơn so với nhóm người không mang copy của gen ACTN3. Trên thực tế, nhóm các quán quân Olympic chỉ có khoảng 3% mang 2 copy gen này nên việc phân tích đánh giá vai trò của gen ACTN3 cũng không hề đơn giản.

Những vấn đề tồn tại

Tại Mỹ và Australia, kỹ thuật thử "gen thể thao" được người ta gọi là xét nghiệm ATLAS, nó chỉ cung cấp một lượng thông tin rất nhỏ trong một bức tranh tổng thể. Điều này có nghĩa, các bậc phụ huynh không thể dựa vào nó mà cho rằng con mình là "thiên tài thể thao". Nó chỉ mang tính tham khảo giống như trong giáo dục, tính thông minh còn liên quan đến nhiều tiêu chí khác.

Ngoài ra, theo các chuyên gia di truyền, xét nghiệm ATLAS chỉ thích hợp cho nhóm trẻ dưới 8 tuổi và ở những đứa trẻ có thiên hướng bẩm sinh, ưa thích thể thao. Xét nghiệm ATLAS cũng đang vấp phải những sự phản đối của dư luận, rằng nó không mang tính nhân đạo, thậm chí có thể bị lợi dụng như khi tuyển chọn lao động, hoặc dùng nó để chống đối lại loài người.

Đứng trên góc độ luật pháp, các chuyên gia nhân quyền cho rằng, xét nghiệm ATLAS có thể gây tác động lớn đến mẫu di truyền của con người, chính vì vậy mà ở một số quốc gia kỹ thuật này hiện vẫn đang bị cấm.

Kim Hùng

(Theo PS/TA)