Báo Công An Đà Nẵng

"Ai nâng cánh ước mơ cho em"…

Thứ sáu, 19/11/2021 20:49

Trong dòng chảy bất tận của thời gian, ai rồi cũng sẽ lắng lại với hoài niệm một thời. Ngày 20-11- Ngày Nhà giáo Việt Nam lại về, trong tôi lại vỡ òa ký ức về một thời học trường làng ở quê nhà (xã Duy Trinh, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), được sự dạy dỗ ân cần của nhiều thầy cô giáo. Là tôi tìm về với những kỷ niệm học trò, tất cả đều thân thương, hồn nhiên cùng thầy cô, bạn bè, trường lớp yêu thương. Tôi nhớ…

Đường đến trường. (ảnh minh họa)

Nhớ những con đường đến trường từ các thôn, các xóm nô nức học trò "rồng rắn" đi bộ trong nắng mưa đến trường. Xóm Vạn Buồng cách trở sông nước, đò giang, thôn Thi Lai hay Chiêm Sơn ở hai "đầu" của xã. Đường đến trường vẫn là con đường vui nhất, bước chân quen thuộc dãi dầu của học trò miệt mài qua những cánh đồng, xóm làng, những ngày mưa gió đường trơn trợt, nhão nhoẹt đất bùn...

Là nhớ biết bao thầy cô luôn tận tụy với học trò. Thầy cô giảng dạy ở lớp, ngoài ra còn phụ đạo cho các bạn học yếu vươn lên, dạy bồi dưỡng cho các bạn đi thi học sinh giỏi. Và các thầy, cô giáo chủ nhiệm, thêm "trọng trách" là đến từng nhà kiểm tra góc học tập, kiểm tra việc học nhóm, học tổ. Góc học tập ngày đó hầu như ai cũng có, thường chỉ là miếng ván nhỏ, đóng vào tường nhà và buộc hai đầu dây để kê sách vở ngăn nắp, gọn gàng. Và tường nhà phên tre, phên ván đơn sơ...

Là nhớ bên góc phải ngôi trường Duy Trinh có nhà tập thể thầy cô bằng gỗ ván lợp tôn. Sau đó có thêm khu nhà tập thể được xây khang trang hơn nữa, hằng đêm thấp thoáng bóng đèn dầu thầy cô soạn trang giáo án để chuẩn bị lên lớp… Nhớ thầy cô trong từng tiết học. Bảng trắng phấn đen và nắn nót cho "tựa đề" bài học thật công phu, ấn tượng với học trò ngồi ở dưới nhìn lên với nhiều kiểu chữ viết linh hoạt. Không chỉ say mê, tận tâm truyền đạt kiến thức, thầy cô luôn rèn nét chữ, nhắc nhở học trò giữ gìn sách vở; và sách giáo khoa lưu lại trả thư viện, cho học trò lần lượt các năm sau theo từng khóa... 

Môn nào học cũng lý thú, khám phá nhiều kiến thức từ sách vở, báo giấy, từ sách tham khảo ở thư viện. Thầy cô dạy chữ, dạy kiến thức, dạy đạo đức với biết bao tình thương yêu trìu mến, trao trọn yêu thương. Những giờ học đó, đến giờ đã hơn 30, 40 năm để rồi, tôi cứ mãi ngẫm nghĩ lại, rồi mình tự "so sánh ví von" như là những "hằng đẳng thức đáng nhớ" - bài học rộng lớn về kiến thức mà từng thế hệ học trò được lĩnh hội từ thầy cô...

Lại nhớ đến các thầy cô giáo cấp 1 ở trường Nam Thi (thôn 3- thôn Phú Bông bây giờ) như cô Bé, cô Xuyến, cô Xê, cô Vi, thầy Chiến, thầy Thật…; các thầy cô giáo thời học cấp 2: thầy Minh (Hiệu trưởng), cô Yến, cô Hương, thầy Vũ, thầy Lục... (môn Toán), cô Dần, cô Ánh Nga... (môn Vật lý), cô Huyên... (môn Hóa), cô Thu Hà, cô Thương, cô Hoa... (môn Sinh vật), cô Kim Hằng, cô Nớp, cô Vũ Hà... (môn Văn), cô Bê, thầy Thành... (môn Lịch sử), thầy Nhíp (môn Địa), thầy Trương Kim Ấn (môn Nhạc), anh Tập (Tổng phụ trách), chú Nghiệp (đánh trống, bảo vệ)... Và còn nhiều thầy cô giáo nữa...

Là nhớ thầy cô luôn theo "sát" học trò trong các buổi lao động hằng tuần. Trường Duy Trinh ngày đó, phía sau các dãy ngang phòng học là xanh mướt những vồng khoai lang, luống nén... Hàng rào quanh trường là từng tấm gai tre được kết lại. Trường có nuôi tằm cho học sinh học hướng nghiệp. Nhớ phía bên trái trường có ngôi nhà làm bằng tranh, khoảng sân phía trước thầy Thành và thầy Ấn trồng bí đỏ bò dưới đất, xanh um. Nhớ cái giếng tập thể, thường vào mùa nắng nóng, giờ ra chơi ai cũng tranh thủ múc gàu nước lên uống, rửa mặt mát rượi... Nhớ những lần cắm trai, Hội khỏe Phù Đổng... Nhớ ngày hội gà tưng bừng với bài hát "Con gà của em" (thầy Ấn sáng tác). Nhớ những đêm văn nghệ, nhiều bài hát của thầy Ấn viết về thầy cô, học trò mái trường và vùng đất xã Duy Trinh…

Những ngày lao động đi trồng cây trên đồi Chiêm Sơn, thường vào mùa mưa. Thầy cô và học trò cơm đùm cơm nắm lá chuối, "ghế" thêm khoai sắn ngọt bùi, muối đậu muối mè chia nhau ăn ở lại trưa. Rồi tranh thủ chặt những ngọn cây là nom, lá trắng xanh lơ lơ thôi ngồi tụm nhau đan cành hoa, làm chiếc nhẫn, làm đồng hồ...  Nhớ đi trồng cây dương liễu, bạc hà dọc các đường thôn, nhớ đi vắt mương và những đêm chong đèn ngoài đồng lúa bắt bướm bắt sâu, đi cắt lá "bổi" về nộp cho trường làm phân xanh...

Thời ấy, đi lao động cũng như đi học, say mê, háo hức...

Tất cả rồi cũng sẽ đi qua, để lại trong ta những tháng ngày thương nhớ. Chỉ những kỷ niệm ngọt ngào là còn mãi. Ngày hội trường thầy trò Duy Trinh đang gần về. Thoáng đâu đây nghe thầm thì những câu thơ thuở nào: "Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ/Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi/Bàn chân nhỏ len qua bờ ruộng nhỏ/ Tiếng trống trường giục giã những mùa thi…".

Ngày 20-11 lại về. Trên các trang facebook hay zalo của các bạn và thầy cô một thời lại thêm những hình ảnh, các "tút" hay bài viết của bạn bè, thầy cô giáo đầy những suy tư, kỷ niệm ngập tràn. Rất trân trọng và rất tình cảm... Lòng ai cũng như tự thầm thì nhắc nhớ, lắng lòng nhớ về những thầy cô, bạn bè đã đi xa mãi mãi… Và, tất cả như vẫn hiện hữu trong từng câu chuyện, kỷ niệm, bài hát, vẫn rất gần gũi thân quen…

Trong yên lặng của thời gian, trong những cảm xúc của ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, tôi muốn gửi gắm thật nhiều nỗi lòng tri ân thầy cô. Dù ở đâu, nơi nào cũng yêu quý những hạt nắng mùa thu ngày khai trường, cơn gió lạnh ngày mưa táp mặt mùa đông, hoa cỏ mùa xuân con đường quê xuân về, và nâng niu, gìn giữ những cánh phượng rực cháy của mùa hè. Đó là con đường đến trường một thời, tình nghĩa thầy cô ơn sâu nghĩa nặng. Dẫu có già nua theo thời gian năm tháng sẽ còn mãi tình cảm của tất cả thầy cô, bạn bè ngày nào và hôm nay trong ký ức đã xa. Và trên hành trình cuộc đời, những lời dạy bảo của thầy cô vẫn mãi vấn vương như câu hát trong veo thuở học trò ngày nào: "Ai nâng cánh ước mơ cho em. Là thầy cô không quản ngày đêm. Ai dạy dỗ chúng em nên người. Là thấy cô em ghi nhớ suốt đời"…

QUYÊN QUYÊN