Ai thấu nỗi khổ công nhân?
Cuộc sống trong 10 m2!
(Cadn.com.vn) - Tan ca, hai vợ chồng anh Lê Văn Thái và chị Lại Phương Thành, đang làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc vội vã chạy đến nhà trẻ đón con. Sau đó, hai vợ chồng đến chợ cóc nằm bên KCN để mua thức ăn. Chợ quê, mọi thứ đều rẻ hơn nơi khác, thế nhưng chị Thành phải trả giá từng đồng cho một ít rau và vài lạng thịt. "Rau này về hai vợ chồng ăn, còn thịt để dành cho con. Phải tiện tặn, chứ hơn 15 ngày nữa mới có lương", chị Thành nói. Tôi theo vợ chồng Thái về căn phòng trọ của họ nằm sâu trong con hẻm ở phường Điện Ngọc (TX Điện Bàn). Căn phòng chưa đến 10 m2, nhưng là nơi ngủ, phòng vệ sinh, phòng bếp, nơi chứa tất cả các vật dụng sinh hoạt hai vợ chồng Thái. Tôi để ý trên bếp, vẫn còn sót lại vài con cá chưa ăn hết và đó là thực phẩm chính cho bữa tối của hai vợ chồng. "Lương hai vợ chồng em mỗi tháng gộp lại gần được 8 triệu đồng. Trong khi đó, tiền nhà trọ, kể cả điện nước hết gần 500 nghìn đồng, tiền gởi con một tháng là 1,1 triệu đồng, chi phí sinh hoạt, ăn uống, tiền sữa cho con cũng hết gần 6 triệu. Thế nên, lương hai vợ chồng em nhận tháng nào tiêu hết tháng đó. Nếu trong tháng con mà đau nữa thì phải đi mượn tiền. Thế nên chúng em phải tiết kiệm từng chút mới đủ sống", chị Thành nhẩm tính.
Cuộc sống trong 10 m2 của gia đình anh Lê Văn Thái. |
Ở các xóm trọ công nhân, những hoàn cảnh giống vợ chồng anh Thái nhiều vô kể. Với mức lương tối thiểu hiện nay thì chỉ công nhân độc thân, không nặng gánh gia đình mới mong có được đồng dư. Còn những người có gia đình, con cái, dù tiết kiệm hết mức vẫn phải thắt lưng buộc bụng, lo ăn từng bữa. Chị Lê Thị Hương (quê Thừa Thiên Huế), làm công nhân ở một công ty tại KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), tuy nhiên một tháng nay phải nghỉ việc để chăm con. Chị Hương kể, để lo cho con, vợ chồng chị làm việc không biết mệt, nhưng thu nhập chẳng đủ thiếu vào đâu. Buộc lòng, vợ chồng Hương phải gởi đứa con đầu về quê cho ông bà nội nuôi. "Ông bà nội thương cháu, nói gởi luôn đứa nhỏ về để ông bà nuôi nhưng vợ chồng em không chịu. Nhiều lúc thấy vợ chồng mình có lỗi, đã không giúp được gì, lại để ông bà phải nuôi cháu. Làm công nhân khó khăn, vợ chồng em cũng tính về quê, nhưng về thì chẳng biết làm gì để sống, mà bám trụ ở đây thì chẳng biết tương lai của mình và con cái sẽ ra sao", chị Hương nói.
Mơ về nơi xa lắm
Dù đóng góp nhiều cho kinh tế - xã hội, thế nhưng hiện có một nghịch lý là đời sống của người công nhân còn bấp bênh, thu nhập không tương xứng. Ông Đặng Văn Chương, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 70.000 công nhân làm tại các khu, cụm công nghiệp, với mức thu nhập trung bình 4 - 6 triệu đồng/1 người/1 tháng. Với mức thu nhập như thế thì đời sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Chương, thì nguyên nhân tiền lương công nhân thấp là do mức lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người lao động, tiền lương của công nhân không theo kịp với những thay đổi của thị trường. "Trong khi đó, công nhân phải lo thuê nhà trọ, gởi con nhà trẻ, mua nhu yếu phẩm hằng ngày, chính vì vậy chất lượng cuộc sống của người công nhân không đảm bảo. Hiện nay, nhu cầu về nhà ở và trường mẫu giáo tại các KCN là rất lớn, tuy nhiên tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu hoặc trong quá trình đầu tư, phần lớn các khu, cụm nghiệp chưa có nhà trẻ. Về nhà ở cho công nhân, hiện một số KCN trên địa bàn tỉnh có bố trí quỹ đất, có vài nơi tiến hành xây dựng như tại KCN Tam Thăng (Tam Kỳ) đã tiến xây dựng cho khoảng 100 căn, KCN Điện Nam - Điện Ngọc đã có 2 dự án nhà ở cho công nhân đang tiến hành khởi công xây dựng nhà. Tuy nhiên nhà ở cho công nhân vẫn còn rất thiếu, nguyên nhân chính là do chính sách và cơ chế thu hút đầu tư cho khu, cụm công nghiệp chưa đầy đủ, hầu hết các KCN chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở tập trung và các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động chưa được đầu tư xây dựng", ông Chương cho biết. Trước những khó khăn của công nhân, ông Chương đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ như chú trọng tăng lương nhằm đảm bảo đời sống công nhân.
Người công nhân phải tằn tiện chi tiêu cho cuộc sống. |
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 72.000 lao động đang làm việc tại các KCN và chế xuất, trong đó có khoảng 46% là lao động ngoại tỉnh. Đa phần, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn. "Vì thường xuyên tăng ca, tăng giờ, thu nhập thấp nên người công nhân không có điều kiện để tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ thiết yếu của cuộc sống, dẫn đến đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn. Thu nhập của công nhân là vấn đề đang được đặt ra cấp bách nhất hiện nay bởi chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu sống tối thiểu", ông Triết phản ánh. Qua khảo sát của Liên đoàn Lao động thành phố, nhu cầu của người lao động hiện nay tập trung vào một số vấn đề bức thiết là tiền lương và nâng cao thu nhập; nhà ở và nhà trẻ cho công nhân... Về nhà ở cho công nhân, trên địa bàn thành phố đến nay chưa có dự án nhà ở nào cho công nhân hoàn thành và đưa vào sử dụng. "Với thực trạng đó, LĐLĐ thành phố đã đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng thống nhất chủ trương chuyển công năng, cải tạo khu ký túc xá sinh viên phía Tây (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu) thành khu nhà ở để công nhân thuê hoặc mua với giá rẻ; quy hoạch đất bố trí nhà ở cho công nhân tại KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Cầm. Mới đây, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành quyết định "phê duyệt Đề án phát triển nhà ở công nhân các KCN trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu hoàn thành các dự án nhà ở cho công nhân còn dở dang trước đây, kêu gọi chủ nhà trọ đầu tư thực hiện cải tạo, sửa chữa và nâng cấp khu nhà trọ đạt theo tiêu chuẩn... để đến năm 2020 giải quyết ít nhất 20% số công nhân tại các KCN có nhu cầu về nhà ở. Đời sống người công nhân hiện gặp nhiều khó khăn thế nên Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho người công nhân", ông Triết kiến nghị.
Hoàng Anh