Ai trồng keo trên đất này?
(Cadn.com.vn) - 10 giờ ngày 1-8, nhận tin báo của bà Trần Thị Thành (trú Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) về việc nhiều hộ dân thôn Trước Đông (xã Hòa Nhơn) tự ý khai thác cây keo trên diện tích đất rừng của nhóm hộ trồng rừng ngoài địa phương do chồng bà là Huỳnh Văn Tuấn đại diện đứng tên, UBND xã kịp thời điều động lực lượng đến hiện trường kiểm tra ngăn chặn, ổn định tình hình ANTT, không để trở thành điểm “nóng”.
Tại hiện trường, khu vực khai thác nằm trong diện tích 6ha đất đang tranh chấp giữa ông Tuấn và 52 hộ dân trong thôn. Trong lúc rất đông người dân tập trung vác keo lên xe thì phía dưới bà Thành cùng gia đình ngồi chặn đường vận chuyển. Theo ông Nguyễn Hồng Huỳnh (trú Trước Đông), thấy nhóm hộ trồng rừng ngoài địa phương quản lý, canh tác nhưng hiệu quả không cao và có dấu hiệu chuyển nhượng đất trong khi người dân vùng sâu, vùng xa nơi đây lại không có “miếng đất cắm dùi”, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, nên từ năm 2006, 52 hộ dân trong thôn thống nhất tự tay trồng, chăm sóc 21 ngàn cây keo. “Cuối năm 2012, khi người dân trong thôn vận chuyển cây thì xảy ra trường hợp tương tự. Các cấp chính quyền cũng đã vào cuộc nhưng đến nay, vẫn chưa giải quyết dứt điểm khiến người dân bức xúc” - ông Nguyễn Luôn cho biết thêm.
Nhân dân thôn Trước Đông tập kết, vận chuyển keo. |
Riêng về phía bà Thành thì luôn khẳng định, rừng keo đó do chồng bà thuê người trồng. Được biết, ông Tuấn không chỉ đại diện cho nhóm hộ trồng rừng có hàng chục héc-ta đất rừng tại thôn Trước Đông, mà còn quản lý cả nhiều khu rừng trồng khác tại thôn Diêu Phong (xã Hòa Nhơn)... Nhằm ngăn chặn những mâu thuẫn phát sinh, đến 12 giờ cùng ngày, UBND xã mới tập họp được các hộ dân, đề nghị dừng ngay việc khai thác rừng để các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, nhưng một số hộ dân vẫn không chấp hành.
Việc lấn chiếm đất rừng của nhân dân thôn Trước Đông như “giọt nước tràn ly”, bởi sự việc đã âm ỉ và gây bất bình từ lâu, nay mới bột phát. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và H. Hòa Vang xác định chủ nhân thực sự của số keo trồng nói trên để có cách giải quyết hợp lý đồng thời xem xét lại thực trạng của một bộ phận đang quản lý đất rừng hiện nay, cần thiết thu hồi một phần diện tích để giao lại cho nhân dân địa phương canh tác, cải thiện cuộc sống. Có xử lý thấu đáo như vậy, mới có thể xua tan dư luận xấu đang tồn tại trong nhân dân và tránh được những vụ khiếu kiện tương tự có thể xảy ra.
An Dương