Báo Công An Đà Nẵng

Algeria - “Những ngày đen tối”

Thứ tư, 15/04/2020 12:00

Algeria phải đối mặt với bất ổn kinh tế và xã hội nghiêm trọng hơn nữa nếu giá dầu thô tiếp tục sụp đổ, trong bối cảnh đất nước phụ thuộc vào dầu mỏ này đang quay cuồng sau 1 năm biểu tình rầm rộ, bất ổn chính trị và bây giờ là đại dịch Covid-19.

Quốc gia Bắc Phi này là một ví dụ điển hình về việc các nền kinh tế hydrocarbon có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn như thế nào nếu giá dầu vẫn ở mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ do đại dịch covid-19 và cuộc chiến giá cả giữa những ông lớn Saudi Arabia và Nga. Các nước OPEC+ đã đạt được một thỏa thuận quan trọng về việc cắt giảm sản lượng từ tháng 5 đến tháng 6 với khoảng 10 triệu thùng mỗi ngày. Nhưng ngay cả khi đạt được thỏa thuận, Algeria vẫn không khỏi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì mọi tác động sẽ là "tạm thời" do đại dịch. Tại Algeria, sự sụp đổ giá đã phá hủy các dự báo doanh thu, với việc Tổng thống Abdelmadjid Tebboune thừa nhận "lỗ hổng" của nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của đất nước. Lời thừa nhận của ông có thể là quá ít, quá muộn, vì giá dầu đã giảm mạnh, đại dịch Covid-19 và  một nền chính trị u ám đang tạo ra một cơn bão tài chính và xã hội.

Rõ ràng, Algeria hiện "đang ở bên bờ vực thẳm tài chính". Chính phủ quyết định cắt giảm chi tiêu công vào tháng 3, sau khi giá dầu giảm xuống còn 22,5 USD/thùng. Ngân sách năm 2020 của đất nước dựa trên giá dầu 50 USD/thùng, với mức tăng trưởng khoảng 1,8%. Algiers tuyên bố cắt giảm 30% ngân sách nhà nước, mà không ảnh hưởng đến tiền lương của công chức, và giảm hóa đơn nhập khẩu khổng lồ. Cty dầu mỏ khổng lồ Sonatrach sẽ giảm một nửa chi phí hoạt động và vốn, từ 14 tỷ USD xuống còn 7 tỷ USD, để bảo toàn dự trữ ngoại tệ. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Algeria đã giảm xuống dưới 60 tỷ USD vào cuối tháng 3, so với gần 80 tỷ USD vào cuối năm 2018 và hơn 97 tỷ USD vào cuối năm 2017. Đã có những lo ngại về những nguy cơ lớn nếu giá dầu tiếp tục giảm như cạn kiệt dự trữ ngoại tệ, thâm hụt ngân sách và cán cân thanh toán ngày càng tồi tệ, đồng dinar giảm mạnh và lạm phát gia tăng, dẫn đến suy thoái kinh tế và thất nghiệp hàng loạt.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng thuế, sử dụng nợ công và đàm phán các khoản vay. Nhưng với dự trữ ngoại hối còn lại, liệu nước này có thể giữ vững nền kinh tế cho đến năm 2021 hay không. Và rồi sau đó thì sao?" Đó là một câu hỏi khó trong lúc này khi đại dịch đang hoành hành, làm gián đoạn các nền kinh tế trên toàn thế giới.

THANH VĂN