Báo Công An Đà Nẵng

"Alo Cơm trưa" chắp cánh khát vọng trẻ

Thứ tư, 02/10/2019 18:30

Mô hình khởi nghiệp "Alo cơm trưa" vừa ra mắt những ngày cuối tháng 9 do một nhóm thanh thiếu niên và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision-Tổ chức phi Chính phủ) và Đoàn thanh niên quận.

Nhân viên "Alo Cơm trưa" làm việc tại quán. 

Có mặt tại quán "Alo Cơm trưa", địa chỉ số 33 Trần Thánh Tông (P. Nại Hiên Đông) ngày khai trương dễ dàng nhận thấy vẻ mặt đầy hào hứng của các bạn trẻ và phụ nữ phường. Ai cũng tất bật, hối hả chuẩn bị những phần cơm nóng, ngon, đảm bảo để mang đến tận tay khách hàng. Bên ngoài, một nhóm thanh niên của World Vision cũng có mặt để hỗ trợ việc lên đơn hàng, tổ chức, sắp xếp nhân viên đi ship cơm đúng thời gian và địa điểm một cách nhanh nhất.

Lê Xuân Thành, thanh niên được hỗ trợ học nghề và khởi nghiệp từ World Vision, chia sẻ: "Chúng em từng là những thanh thiếu niên ham chơi, bỏ học, suốt ngày lang thang nhưng khi được Quận Đoàn Sơn Trà giới thiệu vào Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, cho đi học khóa kỹ năng sống, cuộc sống thôi thúc và tác động mạnh với chúng em. Chúng em được hỗ trợ học nghề bếp và giúp đỡ khởi nghiệp. Với quán cơm trưa này, chúng em muốn góp sức của mình trả ơn cho gia đình và cho chính bản thân cơ hội vươn lên".

Cũng theo Thành, nhóm các bạn trẻ của em muốn kinh doanh một mô hình có chất lượng, cùng phối hợp với các phụ nữ nghèo để mang đến cho mọi người một suất ăn trưa an toàn, vệ sinh, tiện lợi. Lấy tiêu chí ưu tiên sức khỏe khách hàng làm giá trị nghề nghiệp cho mình, cho chính quán của mình.

Thành và Lê Chí Tâm là hai thanh niên trước đây thường xuyên ham chơi, bỏ học, được tổ chức đoàn và địa phương cảm hóa giúp đỡ. Xét thấy trường hợp các em chưa có việc làm ổn định nhưng có nguyện vọng làm kinh tế, Quận Đoàn Sơn Trà đã phối hợp với World Vision tham mưu cho UBND P. Nại Hiên Đông hỗ trợ địa điểm, mặt bằng, tổ chức cho hai em tham gia lớp học nghề bếp ngắn hạn, mời các giảng viên chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp. Tại địa phương, Đoàn P. Nại Hiên Đông cũng chủ động khảo sát lượng khách, nhu cầu đặt cơm trưa cho thanh niên, đồng thời huy động cán bộ, đoàn viên, thanh niên chia sẻ mô hình lên trang facebook của các cá nhân để tạo sự lan tỏa.

Theo Quận Đoàn Sơn Trà, trong năm 2019, đơn vị đã tập trung tìm hiểu các mô hình thanh niên làm kinh tế ở các vùng đô thị tại các thành phố lớn, từ đó chọn lựa một số mô hình phù hợp để gợi mở cho thanh niên trên địa bàn quận. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên vi phạm pháp luật được tổ chức đoàn cảm hóa giúp đỡ, các thanh niên chưa qua các trường lớp đào tạo về nghề... để hỗ trợ. Và "Alo Cơm trưa" cũng là mô hình mới hỗ trợ thanh niên khó khăn khởi nghiệp của quận.

Thành và Tâm chuẩn bị cơm giao cho khách hàng.

Anh Phạm Đình Nam - Bí thư quận Đoàn Sơn Trà, nhìn nhận: "Alo Cơm trưa hình thành với mục đích giúp đỡ cho các thanh thiếu niên và phụ nữ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là một trong những chương trình công tác của Quận Đoàn Sơn Trà nhằm hỗ trợ, định hướng phong trào khởi nghiệp trong thanh niên và giới thiệu, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế trên địa bàn quận. Mô hình lấy tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm làm tiêu chí bắt buộc. Không những thế, do đây là phương tiện sinh kế duy nhất của nhóm thanh thiếu niên để thoát nghèo nên mô hình cũng cam kết phục vụ khách hàng tốt nhất".

Tại ngày khai trương quán cơm, chứng kiến các con mình đã trưởng thành, không còn là những thanh niên ham chơi như trước đây, bố mẹ của Thành và Tâm không khỏi xúc động. Bà Nguyễn Trà Linh, mẹ Tâm, nói: "Tâm trước đây là đứa ham chơi, bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, bố mẹ nói không nghe lời. Chúng tôi không nghĩ con lại trưởng thành được như ngày hôm nay. Vì vậy, bản thân gia đình tôi cũng sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng con để thực hiện bằng được quán cơm này".

Theo World Vision, sau khi được địa phương đề nghị, Tổ chức đã cho các em đi học các lớp kỹ năng, học nghề và cho đi thực tập, hỗ trợ khởi nghiệp. Để có được quán cơm vận hành như ngày hôm nay, Tổ chức đã hỗ trợ 230 triệu đồng cho các em mua sắm phương tiện sinh kế, quảng bá cho quán cơm. Những tháng đầu vận hành quán, các cán bộ của dự án đã và đang giúp các em hoàn thiện kỹ năng làm bếp và nấu ăn cho đến khi các em có thể tự đứng bếp.

THANH TÌNH