Báo Công An Đà Nẵng

Ám ảnh nỗi lo sạt lở núi!

Thứ tư, 02/10/2024 09:00

Kỳ 1: Tháo chạy khỏi cơn thịnh nộ của thiên nhiên

Người dân làng Tak Chay và Lăng Lương di dời vật dụng trước khi nhà bị tháo dỡ.

Những tiếng nổ trong đêm

Làng Tak Chay (thôn 5, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My) nằm cách trụ sở UBND xã Trà Cang tầm 3 km. Nơi đây có 33 hộ dân với 175 nhân khẩu là người đồng bào Xê Đăng sinh sống. Tuy nhiên những ngày qua, các hộ dân nơi đây phải tháo chạy đi nơi khác vì nguy cơ sạt lở vùi lấp cả ngôi làng.

Đang thẩn thờ nhặt những vật dụng của gia đình còn sót lại trên nền nhà trống, ông Hồ Văn Yên (làng Tak Chay) kể lại: Sau đợt mưa lớn, đêm 18-9, người dân làng Tak Chay nghe những tiếng “bụp bụp” phát ra từ lòng đất. Mưa vẫn tiếp tục kéo dài. Đêm đó cả làng không ngủ được. Họ biết “mẹ thiên nhiên” đang nổi giận. Đến khoảng 4 giờ ngày 19-9, một tiếng nổ lớn vang lên. Chỉ vài phút sau, một góc ngôi làng bị sạt lở. Đất đá rơi xuống ầm ầm. “Đất trôi. Đất lở…”. Những tiếng hô đứt quản vào lúc rạng sáng khiến nhiều người bật dậy lao ra khỏi nhà. Họ bồng bế con, tay vơ vội những bộ áo quần chạy ngược về phía xã…

Đến sáng hôm sau, khi những đám mây còn bồng bềnh trôi ngang sườn núi, người dân quay trở về làng. Trước mắt họ, cây cối ngã đổ rạp. Đất lở sát vào những ngôi nhà của anh Hồ Văn Nỏ, Hồ Văn Yên, Hồ Thị Liên… Xung quanh ngôi làng xuất hiện nhiều vết nứt. Trên nền đất, những ngôi nhà được dựng kiên cố cũng xuất hiện nhiều vết nứt chạy dọc như muốn chẻ đôi ngôi nhà. Đặc biệt một vết nứt lớn phía trước làng, dài gần 200 mét chạy dọc theo con đường đất mới mở, nguy cơ khiến ngôi làng có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin làng Tak Chay bị lở, ông Ngô Tấn Lạc – Chủ tịch UBND xã Trà Cang tức tốc chạy vào để kiểm tra. Khi đến nơi, ông Lạc không tin vào mắt mình khi mới hôm qua, ngôi làng trù phú bao bọc bởi cây trái xum xuê giờ ngổn ngang như bãi chiến trường. Một ngôi làng bình yên bên dòng suối Nước Bươu bỗng nhiên bị sạt lở, xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Những vết nứt khiến các đồi núi có thể đổ ập xuống ngôi làng bất cứ lúc nào. Xét thấy mức độ nguy hiểm của các vết nứt, ông Lạc quyết định tiến hành sơ tán khẩn cấp những hộ dân ở làng Tak Chay. Điều đáng nói, trong số 33 hộ dân bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp, có 16 hộ từ nóc Tu Gia mới chuyển về làng này ở mới đầu năm nay.

Lực lượng dân quân xã giúp người dân làng Tak Chay tháo dỡ nhà cửa khỏi khu vực bị sạt lở.

Từ Tak Chay đến Lăng Lương

Cũng giống như làng Tak Chay, 26 hộ dân với 95 nhân khẩu của làng Lăng Lương (thôn 2, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My) những ngày qua cũng đang hối hả thu dọn đồ đạc, vật dụng để di dời đi nơi khác. Việc dời làng chẳng ai muốn, nhưng trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, họ ngậm ngùi chấp nhận rời làng…

Xã Trà Tập giáp với xã Trà Cang, làng Tak Chay cách làng Lăng Lương khoảng 30 km đường núi. Từ trung tâm xã Trà Tập, chạy trên những cung đường bê-tông men theo triền núi khoảng 7km, chúng tôi vào đến khu vực thôn 2. Từ đây, một con đường đất mới mở đã hoàn thiện, được đơn vị thi công bàn giao cho chủ đầu tư từ cuối năm ngoái. Đường tuy chưa được thảm bê-tông nhưng các phương tiện xe máy có thể ra vào làng. Cũng giống như làng Tak Chay, dấu vết sạt lở bắt đầu đổ xuống từ taluy dương của con đường…

Theo người dân địa phương cho biết, cuối năm 2023, họ phát hiện một vết nứt nhỏ trên ngọn núi Lăng Lương cách làng khoảng 300 mét. Đến tối 19-9, sau những trận mưa lớn bất ngờ đổ xuống, kèm theo tiếng nổ, vết nứt bắt đầu to, rộng hơn, kéo dài hàng chục mét. “Ngọn núi phía trên trữ lượng đất đá hàng triệu khối. Nếu bị sạt lở đổ xuống thì thảm họa không khác gì làng Trà Leng hay làng Nủ. Trước tình hình nguy cấp đó, chính quyền quyết định sơ tán người dân ra khỏi làng và vận động họ tháo dỡ nhà cửa để chuyển đến nơi ở tạm” - ông Hồ Văn Níp – Chủ tịch UBND xã Trà Tập nói.

Khu vực nền móng của những ngôi nhà ở làng Tak Chay sạt đổ xuống con đường mới mở.

Kiểm tra dãy nhà tạm vừa được dựng lên, ông Hồ Văn Níp cho biết thêm, huyện đã có kế hoạch di dời toàn bộ 26 hộ dân đến khu tái định cư (TĐC) mới cách làng cũ khoảng 1km. Sau khi hoàn tất khảo sát, huyện sẽ san lấp mặt bằng và di dời người dân trong năm nay. Trước mắt, những hộ dân này được bố trí sống tạm trong các lán trại của mình ở khu vực nương rẫy và lán trại tập trung do xã dựng lên. Địa phương cũng đã trích nguồn quỹ hỗ trợ ban đầu cho mỗi hộ 1 triệu đồng và 10 ký gạo; đồng thời cắt cử lực lượng dân quân thường xuyên theo dõi vết nứt để chủ động phòng tránh. Ngoài 26 hộ dân thì ở đây còn có 1 điểm trường Tiểu học cũng thuộc diện phải di dời.

“Sau khi di dời hết các nhà dân, chúng tôi sẽ cho di dời trường học. Do mặt bằng chưa có để dựng lớp học tạm cho học sinh nên chúng tôi quyết định bố trí các em học chung với điểm trường Mầm non gần đó. Dù biết sẽ chật chội, khó khăn trong vấn đề học tập, sinh hoạt của các em, nhưng đó là sự lựa chọn duy nhất” - ông Níp trăn trở chia sẻ.

Trong khi chúng tôi đang thực hiện viết loạt bài này thì nhận được thông tin, phía sau khu TĐC của thôn Hjúh (xã Chơm, huyện Tây Giang, Quảng Nam), người dân phát hiện nhiều đường nứt dài hàng trăm mét trên đỉnh đồi. Tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Ga Ry (huyện Tây Giang) phối hợp với chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán khẩn cấp 9 hộ/34 khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp đến nơi an toàn.

Cũng mới đây, sau ảnh hưởng của cơn bão số 4, người dân phát hiện vết nứt lớn kéo dài hơn 100 mét trên ngọn đồi sau thôn 56B (xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, Quảng Nam). Tiếp nhận thông tin, chính quyền xã Đắc Pre phối hợp Đồn Biên phòng Đắc Pring huy động lực lượng sơ tán khẩn cấp 11 hộ/41 nhân khẩu của thôn 56B đến nơi an toàn; đồng thời tìm nơi bố trí tái định cư cho các hộ dân bị di dời...

Trần Tân

(còn nữa)