Báo Công An Đà Nẵng

Ám ảnh thực phẩm bẩn (2)

Thứ tư, 20/04/2016 09:45

* Bài 2: Chỉ kiểm soát phần "ngọn"

(Cadn.com.vn) - Nguồn cung thực phẩm quá nhiều, ngành chức năng không thể kiểm soát hết được từ gốc mà mới nắm phần "ngọn", còn người tiêu dùng thì chấp nhận "sống chung" với thực phẩm bẩn.

Muôn kiểu tự vệ

Lo lắng cho sức khỏe của gia đình mình, nhiều người đã tự trồng rau, ớt, cà chua hoặc hạn chế  các loại trái cây, thịt heo được phát hiện có sử dụng chất cấm. Chị Nguyễn Thị Lan, 30 tuổi, ở khu phố Tân Hòa P.An Khê- Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) cho biết, tận dụng vuông đất trống trong khu tái định cư cạnh nhà chị đã mua hạt rau, cà chua, hành, ớt về gieo trồng. Nhiều người khác không có đất thì trồng tạm trong thùng xốp trên sân thượng. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, các bà nội trợ hiện đang có trào lưu chia sẻ bí quyết để lựa chọn, tạo bữa ăn an toàn cho gia đình. Chẳng hạn thịt bò, heo có màu quá sẫm, bóng chứng tỏ có sử dụng chất tạo nạc; gà có màu vàng óng chắc chắn ngâm vàng ô. Tương tự là cam, quýt, chuối, sầu riêng... những dấu hiệu nhận biết có dùng hóa chất ngâm, ủ. Thậm chí nhiều bà nội trợ còn áp dụng bí quyết tất cả các loại rau trước khi chế biến đều phải luộc qua nước sôi sẽ phần nào loại bớt tồn dư hóa chất.

Trong khi đó, nắm bắt tâm lý lo lắng của người dân, nhiều cửa hàng kinh doanh gắn biển rau củ sạch nhập từ Đà Lạt, trái cây nhập từ Thái Lan về cũng mọc lên. Chị Trần Thu Hoa, chủ cửa hàng rau sạch trên đường Tôn Đức Thắng- Q.Liên Chiểu nói, kể từ khi gắn biển rau củ sạch, cửa hàng của chị tấp nập người mua. Quan sát tại nhiều cửa hàng rau sạch khác, khách mua rất nhộn nhịp, tuy rằng chất lượng thực sự của các loại rau củ đó ra sao vẫn chưa có một cơ quan nào kiểm định và chứng nhận. Nhưng ít nhất với người dùng, lời cam đoan của chủ quầy vẫn còn là điểm tựa để họ có thể tin trong bối cảnh mà cảm giác nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn như bây giờ.

Nếu không kiểm soát được từ gốc nơi sản xuất, chế biến thực phẩm... (Ảnh: HQ)

An toàn sao vẫn lo?

Ngành chức năng của Đà Nẵng khẳng định nguồn thực phẩm cơ bản vẫn được quản lý, đảm bảo an toàn. Năm 2015 Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 45 ngàn tấn thịt (bò, heo, gà) trong đó hơn 9 ngàn tấn thịt đông lạnh nhập từ nước ngoài. Phần lớn nguồn thịt tiêu thụ ở Đà Nẵng nhập từ Bình Định (75%), Quảng Ngãi (15%) còn Đà Nẵng chăn nuôi chỉ cung cấp được 5% (1,8 ngàn tấn). Ông Lê Văn Chánh- Phó trưởng phòng Thanh tra Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đà Nẵng cho biết, toàn bộ số động vật, gia cầm nhập về Đà Nẵng đều được kiểm dịch, đưa vào 8 lò mổ tập trung, 13 cơ sở nhỏ lẻ ở Hòa Vang.

Tại các lò mổ này, Chi cục đều có người túc trực, nguồn thịt sau giết mổ đều được kiểm soát an toàn, đủ điều kiện mới đóng dấu thú y trước khi tiêu thụ ngoài thị trường. Năm 2015, Chi cục lấy 24 mẫu tại lò mổ, quầy bán thịt ngoài chợ kiểm nghiệm và không phát hiện chất cấm (chất tạo nạc, kim loại nặng). Tương tự, ông Nguyễn Tứ-Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Đà Nẵng cho biết, mỗi năm có khoảng 130 ngàn tấn rau củ quả nhập về chợ đầu mối Hòa Cường. Để kiểm soát chất lượng nguồn rau củ này, Chi cục đã lập phòng lấy mẫu tại chợ đầu mối, năm 2015 lấy 950 mẫu, chỉ 2 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng vẫn trong ngưỡng cho phép. Riêng thủy sản, ông Tứ nói năm qua lấy 100 mẫu/ 145 ngàn tấn thủy sản nhập về Đà Nẵng nhưng không phát hiện mẫu nào vi phạm.

Về nguồn thực phẩm nấu chín, BS Nguyễn Tiên Hồng- PGĐ Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, đến nay gần 98% số cơ sở ăn uống (khu du lịch, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng ), thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Nếu tất cả là thế, vậy sao người dân vẫn lo lắng?



Thì khi đã ra ngoài thị trường, việc lấy mẫu chỉ là phần "ngọn". (Ảnh: HQ)

Báo cáo thế, nhưng...

"Phải quản lý chất cấm trong chăn nuôi, trong thực phẩm chặt chẽ như quản lý súng đạn. Bởi vì súng đạn chỉ giết 1 người chứ chất cấm độc hại giết hàng trăm người"- Thượng tá Đặng Hữu Quế-Phó trưởng Phòng CSMT.

Phần lớn nguồn thực phẩm được sản xuất, sơ chế từ nơi khác chuyển về Đà Nẵng tiêu thụ nên ngành chức năng thiếu thông tin về nguồn gốc, mức độ an toàn. Trong khi đó, nguồn thực phẩm sản xuất ở Đà Nẵng thì nhỏ, manh mún, thu gom nhiều nơi, qua nhiều cơ sở nên việc truy xuất nguồn gốc, tận nơi sản xuất để biết có sử dụng chất cấm, chất bảo quản không là điều cực khó. Chưa kể, khi nguồn thực phẩm nhập về Đà Nẵng, việc lấy mẫu kiểm soát cũng chỉ là phần "ngọn", số lượng rất hạn chế so với tổng lượng hàng hóa. Đấy là chưa kể các mẫu đó cũng chỉ phân tích được vài loại hoạt chất trên tổng số vài ngàn hoạt chất cấm theo qui định.

Ông Nguyễn Đỗ Tám- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, việc thanh tra ATTP hiện nay  chủ yếu về hình thức như thủ tục hành chính, điều kiện ATTP chứ chưa thể thanh tra, xử lý về sử dụng chất cấm, chất độc hại. Muốn làm được việc này qui trình lấy mẫu rườm rà, tốn kém, phải thông báo trước cho chủ cơ sở nên dẫn đến sự chuẩn bị đối phó của các cơ sở. Thậm chí với các mặt hàng nhập từ tỉnh ngoài về, chủ cơ sở kinh doanh gây khó dễ cho công tác kiểm tra bằng cách không bán mẫu cho cán bộ kiểm tra. Bên cạnh đó, ở các chợ đầu mối, nguồn hàng về được kinh doanh tự do, không chịu bất kỳ hình thức kiểm tra nguồn gốc nào. Thậm chí nguồn hàng của mỗi tiểu thương ở chợ đầu mối còn là một bí mật.

Hải Quỳnh
(còn nữa)