Báo Công An Đà Nẵng

Ám ảnh thực phẩm bẩn (3)

Thứ năm, 21/04/2016 10:16

* Bài cuối:  “Tuyên chiến” với thực phẩm bẩn

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng đã có những động thái mạnh cùng những giải pháp căn cơ hơn để “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn.

Từ 1-7 tới hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn sẽ bị xử lý mạnh tay
(Trong ảnh: CSMT Đà Nẵng xử lý một vụ vi phạm về thực phẩm)

Dù khó…

BS Nguyễn Tiên Hồng thừa nhận một thực tế là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chế biến thủ công sử dụng hàn the, thực phẩm màu, chất bảo quản độc chưa kiểm soát được. Bên cạnh đó là tình trạng tư thương ở các chợ sử dụng chất hóa học bảo quản thực phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt với hoa quả, nội tạng động vật. Riêng các cơ sở thức ăn đường phố, BS Hồng cho biết đều là kinh doanh tự phát, điều kiện tạm bợ, hầu hết phục vụ lúc sáng sớm hoặc chiều tối nên rất khó quản lý. Cũng theo BS Hồng, kinh phí cho công tác ATTP quá thấp, trung bình chỉ hơn 1.500 đồng/người/năm; cán bộ chuyên trách về ATTP ở tuyến quận, phường thuộc ngành Y tế chỉ có 1 người lại kiêm nhiệm nhiều công tác; phương tiện kỹ thuật thì thiếu, chưa phân tích được với một số chỉ tiêu hóa chất độc hại trong thực phẩm.

Thượng tá Đặng Hữu Quế- Phó Trưởng phòng Cảnh sát môi trường- CATP Đà Nẵng nhìn nhận, vì lợi nhuận nên các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn đối phó ngày càng tinh vi. Chẳng hạn, các đối tượng thường sản xuất ở khu vực vắng vẻ, vùng giải tỏa, rất khó thâm nhập. Bên cạnh đó, phần lớn thực phẩm bẩn tuồn vào Đà Nẵng bằng xe chất lượng cao, khi phát hiện thì không có chủ hàng, không ai nhận. Dưới góc độ kiểm soát thị trường hàng hóa, ông Nguyễn Nho Hậu nhận định, cái khó lớn nhất hiện nay là thiếu lực lượng chuyên trách, quản lý thống nhất từ trang trại tới bàn ăn. Thực phẩm bẩn nếu không quản lý, ngăn chặn từ gốc, để đến khi tung ra thị trường rồi thì chỉ bó tay. Đấy là chưa kể việc kiểm soát lại chặt khúc, phân đoạn. Một tô bún mà 3 sở quản lý (Y tế quản lý gia vị, phụ gia; Công thương quản lý bún còn Nông nghiệp quản lý rau, thịt). Nhiều lực lượng thì chức năng chồng chéo, văn bản “đá” nhau rồi “cha chung không ai khóc”.



Quản lý ATTP phải theo chuỗi từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng. (Ảnh: HQ)

Thông điệp mạnh mẽ

Có thể nói thực phẩm bẩn đang ở mức báo động, là vấn đề nhức nhối toàn xã hội. Tại Đà Nẵng, chính quyền TP đã phát đi thông điệp mạnh mẽ, với nhiều giải pháp được triển khai nhằm lo bữa ăn an toàn cho người dân. Tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mới đây, Bí thư Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, ATTP cùng với ANTT, ATGT, an sinh xã hội (4 an) là mục tiêu quan trọng để xây dựng Đà Nẵng là nơi sống tốt. Theo đó, Đà Nẵng sẽ thành lập lại Ban Chỉ đạo VSATTP với thành phần mạnh hơn, do đích thân Phó Chủ tịch TP phụ trách văn xã làm trưởng Ban, thành viên là các Chủ tịch quận, Giám đốc các Sở liên quan. Lực lượng này được cơ chế toàn quyền quyết định các giải pháp thuộc lĩnh vực ATTP, trở thành một lực lượng chuyên trách, sẽ quản lý thống nhất theo chuỗi từ nơi sản xuất tới bàn ăn người dân chứ không bị cắt khúc, phân đoạn chồng chéo và cát cứ như lâu nay.

 Bên cạnh việc tăng cường quản lý, xử phạt, Đà Nẵng cũng đưa ra giải pháp căn cơ hơn. Cụ thể, Sở NN&PTNT đã xây dựng đề án chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên địa bàn TP tới năm 2020 với tổng kinh phí dự kiến 25 tỷ đồng. Trong đó, sẽ hình thành các cơ sở cung ứng rau củ sạch từ các vùng trồng rau an toàn của TP sản xuất; phối hợp với các địa phương cung ứng thực phẩm cho Đà Nẵng để đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, qui trình sản xuất thực phẩm để thực phẩm về tới Đà Nẵng phải an toàn. Ngoài ra các lò mổ, các chợ…cũng được đầu tư để đảm bảo qui trình phân phối thực phẩm tới người dân phải an toàn. Giải pháp căn cơ theo ông Nguyễn Tứ là phải tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp tập trung qui mô lớn mới áp dụng theo chuẩn, cho sản phẩm an toàn. Đơn cử Đà Nẵng có 3 vùng rau đạt chuẩn VietGap, được quản lý tốt, cho sản phẩm an toàn. Thế nhưng các kênh phân phối sản phẩm này còn thiếu, người dân không biết rau được bán ở đâu, nếu đưa ra chợ thì khó phân biệt được đâu là rau đạt chuẩn, sẽ thiệt thòi cho người sản xuất rau theo chuẩn vì qui trình, kinh phí tốn kém hơn. Vì thế, trong đề án chuỗi thực phẩm an toàn cho Đà Nẵng, việc lập các điểm cung ứng rau an toàn là cần thiết.

Hải Quỳnh

Theo Bộ Luật Hình sự, từ 1-7 tới đây, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm. Nếu hành vi trên gây hậu quả nặng hơn, làm chết 1 người sẽ bị phạt 200 - 500 triệu đồng, phạt tù 3 - 7 năm. Chết 2 người phạt tù đến 15 năm, làm chết 3 người trở lên phạt tù đến 20 năm.