Ám ảnh thực phẩm bẩn
* Bài 1: VỪA ĂN VỪA LO
(Cadn.com.vn) - Thông tin thực phẩm bẩn liên tục được phát hiện khiến người dân có cảm giác nhìn đâu cũng thấy bất an. Trong bối cảnh hiện tại, thật khó đòi hỏi người dân có thể là người tiêu dùng thông thái để phân biệt đâu là thực phẩm sạch hay bẩn.
Người dân rất khó phân biệt được thế nào là thực phẩm sạch. Ảnh: H.Q |
“Bão” vàng ô
Sau chất tạo nạc, hoóc môn tăng trọng trong chăn nuôi; thuốc bảo vệ thực vật trong trái cây, rau củ, bây giờ là một loại chất độc hại mới- chất vàng ô được phát hiện trong măng tươi, dưa muối. Từ các mẫu xét nghiệm ở Đà Nẵng, “bão” vàng ô cũng được phát hiện trên diện rộng từ Nghệ An, Phú Yên, Huế, Quảng Trị khiến người dùng thực phẩm vốn đã bất an lại càng hoang mang. Tại chợ đầu mối Hòa Cường, nơi có 9 quầy bán măng, dưa muối, là đầu mối cung cấp cho hầu hết các chợ tại Đà Nẵng từ sau khi các mẫu kiểm nghiệm phát hiện chứa chất vàng ô đã vắng bóng các loại măng, dưa cải màu vàng.
Một chủ quầy chia sẻ, khi thông tin măng, dưa cải nhiễm vàng ô được công bố, người tiêu dùng gần như tẩy chay, các loại dưa, măng màu trắng cũng thưa thớt người mua. Tương tự tại chợ Cồn với 10 hộ bán măng, dưa muối (dù là màu trắng, được cho là sạch) cũng trong cảnh tương tự. Chị Phạm Quý Hà (trú Q.Hải Châu) cho biết gia đình mình rất thích ăn dưa cải muối, nhưng kể từ khi biết thông tin được ướp chất vàng ô, một chất cực độc có thể gây ung thư thì ai cũng hoang mang. Sau nửa tháng “cấm cửa”, chị Hà đã chọn mua dưa cải về tự chế biến dùng cho gia đình, dù rằng công việc luôn bận bịu.
Tại Đà Nẵng, mỗi ngày hàng chục tấn trái cây được nhập về chợ đầu mối Hòa Cường trong đó có một phần không nhỏ từ Trung Quốc. Số trái cây này được san ra “khoác áo” trái cây Việt rồi tỏa đi nhiều chợ lẻ. Những trái cam, táo, lê này có thể được để cả tháng trời vẫn tươi hồng, bóng bẩy. Không ít người từ lâu đã mặc định, những trái cây càng bóng bẩy thế này chỉ nên dùng để thờ cúng cho đẹp mà không dám ăn. Tuy vậy, khi nó được xé về các chợ lẻ, không ai biết được bao nhiêu trong số trái cây đó sẽ vào bụng người dùng.
Ngoài rau củ, trái cây, tại Đà Nẵng Cảnh sát môi trường cũng phát hiện bắt giữ hàng loạt vụ thực phẩm bẩn, từ nội tạng, chân trâu, chân gà thối đến mỡ động vật, tương ớt bẩn. Thượng tá Đặng Hữu Quế- Phó trưởng phòng CSMT cho biết đơn vị đã xử lý nhiều hộ sản xuất chả cá, chả bò mất vệ sinh trên đường Trần Cao Vân- Thanh Khê, các cơ sở chế biến mỡ bẩn ở Cẩm Lệ, tương ớt bẩn ở Liên Chiểu... Còn BS Nguyễn Tiên Hồng- Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trong 5 năm qua hơn 1,3 ngàn mẫu thực phẩm đã được kiểm nghiệm, trong đó hàng trăm mẫu nhiễm hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng, hoóc môn tăng trưởng... Tất nhiên, việc lấy mẫu khá hạn chế, không phản ánh hết được nguồn thực phẩm khổng lồ vào Đà Nẵng. Và cũng có nghĩa, không ít hóa chất độc hại trong nguồn thực phẩm đó đã được đẩy vào người dùng.
Sau “bão” vàng ô nhiều quầy bán măng chua ở chợ đầu mối ế ẩm. Ảnh: HQ |
Ăn gì cũng sợ
Không thể phân biệt được thực phẩm sạch-bẩn, trong khi phải ăn mỗi ngày, nên người dân chỉ còn cách “sống chung với lũ”. Chưa bao giờ thực phẩm bẩn lại trở thành nỗi ám ảnh, tác động đến tâm lý lo lắng của mọi người như bây giờ. Ông Lê Minh Trung- Bí thư Quận ủy Thanh Khê (Đà Nẵng) chia sẻ, xuống dân bây giờ chỗ nào người ta cũng trăn trở, lo lắng thực phẩm bẩn. Họ bảo sờ tới cái gì cũng nghe là độc, là ung thư. Đến thịt bò mà còn phải xét nghiệm AND mới biết là thật-giả, thử hỏi bằng mắt thường làm sao phân biệt được, sao mà thành người tiêu dùng thông thái. Nghe dân làm thơ mỉa mai mà thấy xót. Nào là cơm hạt nhựa, rau muống tưới nhớt xanh um, mực cao su nướng, cồn pha nước thành rượu, thịt heo tẩm hóa chất thành thịt bò đỏ tươi... ăn hết những thứ đó vào người thì 40 tuổi đã “ra đồng nằm ngắm trăng”.
Điều đáng nói là ăn thực phẩm bẩn không chết ngay mà sẽ chết từ từ. Ông Trung cho rằng, Đà Nẵng phải có biện pháp mạnh tay, quyết liệt với thực phẩm bẩn, chứ cứ phát hiện một vài vụ xong để đó, cuối cùng hòa cả làng. “Trước hết phải cấm bán hàng rong ăn uống trước các trường học. Học sinh ăn uống toàn ba cái thứ xanh xanh đỏ đỏ mà không biết là thứ gì, không biết thế hệ tương lai của chúng ta ra sao. Sở Y tế cần cấp cho quận thiết bị kiểm tra nhanh thực phẩm, nếu vi phạm sẽ tịch thu, tiêu hủy hết và phạt nặng”- ông Trung nói.
Năm 2015 nước ta có 150 ngàn ca ung thư mắc mới. Con số đó sẽ tăng lên gần 200 ngàn ca vào năm 2020 và trở thành nước có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới. Trong các nguyên nhân dẫn tới ung thư thì thực phẩm bẩn đứng hàng đầu với 35%. |
Cùng chung nỗi bức xúc, ông Nguyễn Thanh Chương- Phó Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu nói rằng, khi phát hiện thực phẩm bẩn, độc hại phải xử lý đến nơi đến chốn. Như vụ phát hiện chất vàng ô trong măng, dưa muối vừa qua, phải truy trách nhiệm của BQL chợ ở đâu, truy tới cùng cơ sở nào sản xuất, nếu ở ngoài TP thì phải phối hợp với tỉnh bạn xử lý tận gốc. Chứ phát hiện rồi, không xử lý, không truy tới cùng, chỉ cảnh báo người dân thì nó lại trở về ban đầu, thành con số không. “Mà những chất độc hại trong thực phẩm, ăn vào 5-10 năm nữa mới chết, lúc đó truy ai?”- ông Chương nói.
Không thể không ăn, song ăn vào lại luôn mang tâm lý lo sợ bởi một lượng không nhỏ hóa chất được đẩy vào người, là nguồn cơn dẫn đến hàng loạt bệnh tật, trong đó đáng sợ nhất là bệnh ung thư. Bởi vậy, vấn đề đau đầu nhất với người dân hiện nay là chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Đâu là sạch, là bẩn, có lẽ tất cả chỉ biết dựa vào niềm tin với người bán.
Hải Quỳnh
(còn nữa)