Ấm áp bữa cơm gia đình mùa dịch
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tất cả mọi mặt, mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, dịch bệnh cũng vô tình gắn kết các thành viên trong gia đình bên nhau bền chặt, bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên được duy trì thường xuyên chính là dịp để cha, mẹ, con cái có cơ hội để gắn bó, chia sẻ, quan tâm, gần gũi nhiều hơn.
Vợ chồng anh Lê Phước Nam và 2 con nhỏ quây quần bên mâm cơm đơn sơ, hạnh phúc trong căn trọ chật chội.
Bữa cơm đầy đủ thành viên gia đình
Những ngày giữa tháng 8, tình hình dịch COVID-19 tại Đà Nẵng liên tục diễn biến phức tạp, đây cũng là giai đoạn thành phố quyết liệt triển khai công tác phòng chống dịch nghiêm ngặt, “ai ở đâu, ở yên ở đó”. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân đã phát huy hiệu quả khi đến những ngày nửa cuối tháng 9, tình hình dịch tại Đà Nẵng cơ bản được kiểm soát. Nhớ về những ngày toàn xã hội cách ly để phòng dịch, chắc hẳn, mỗi người dân tại “thành phố đáng sống” đều cảm nhận được nhịp sống trôi đi bình lặng, khiến cho những ai đã quen với sự hối hả cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, nhìn lại những ngày cùng cách ly đó, có thể thấy đây là cơ hội để mỗi người sống chậm lại và đi tìm những giá trị đích thực của cuộc sống gia đình.
Trước những ngày cách ly xã hội, bữa cơm trong gia đình bà Lê Thị Hồng (trú phường Hòa Hải) hiếm khi đầy đủ các thành viên. Với đặc thù công việc, mỗi người con của bà Hồng đều đi sớm về khuya, ít có thời gian bên nhau. Thế nhưng, trong giai đoạn cách ly xã hội, các thành viên đều ở nhà, tạm gác những bộn bề của công việc sang một bên để có thể ngồi lại bên nhau bên mâm cơm ấm áp. “Không còn cảnh những phần thức ăn phải úp lồng đến nguội lạnh để chờ người thân đi làm về trễ, khoảng thời gian giãn cách, mâm cơm ngày 3 bữa của gia đình chúng tôi đều đầy đủ thành viên. Chúng tôi vừa ăn vừa xem tin tức về diễn biến của dịch bệnh trên ti-vi, rồi cùng nhắc nhở nhau chú ý giữ sức khỏe. Hơn hết, chúng tôi có những khoảng lặng dành riêng cho nhau. Thời điểm ấy thật ý nghĩa, gắn kết, giúp chúng tôi cảm nhận thấy hơi ấm gia đình thật sự”.
“Còn quây quần bên nhau đã là hạnh phúc”
Trong giai đoạn cách ly xã hội, có lẽ cuộc sống, sinh hoạt, của những sinh viên ở trọ, gia đình công nhân thuê nhà là vất vả nhất. Vợ chồng anh Lê Phước Nam và chị Trần Thị Hồng, công nhân cùng làm việc tại một công ty trong khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), sống trong căn trọ chưa đầy 15m2. Dịch bệnh bùng phát, vợ chồng anh phải tạm nghỉ việc, gia đình anh phải chắt chiu để đủ kinh phí sinh hoạt cũng như lo cho 2 con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Mỗi bữa ăn, gia đình 4 người quanh quẩn chỉ bó rau muống, trứng chiên, tô canh rau, thỉnh thoảng lại có phần thịt do tổ trưởng tổ dân phố tặng. “Có không ít gia đình, những thành viên phải ly tán vì cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, cho nên, còn được quây quần bên nhau đã là hạnh phúc. Những bữa ăn có thể không thịnh soạn, nhưng bù lại, mỗi người chúng ta thực sự có được sự chở che trong tổ ấm của mình”, anh Nam bộc bạch.
Nhớ về những ngày cách ly xã hội, không thể ra khỏi nơi ở để đi chợ, vợ chồng anh Nam không quên hình ảnh những thành viên trong ban điều hành khu dân cư cứ 3 ngày 1 lần đến tận phòng trọ để gửi những phần thực phẩm ý nghĩa. “Được anh chị tổ dân phố cung cấp trong những ngày tháng khó khăn ấy thật sự rất quý giá đối với gia đình chúng tôi. Nhờ những phần thực phẩm này, gia đình tôi có được bữa ăn đầy đủ, chất lượng hơn”, anh Nam chia sẻ.
Những tác động tiêu cực của dịch bệnh là điều không thể chối cãi, tuy nhiên, trong thời điểm toàn xã hội cách ly để phòng dịch, đại đa số gia đình cảm nhận được giá trị của tình thân, sự bình an của mỗi thành viên giá trị đến nhường nào. Dịch bệnh khiến mỗi người có nhiều thời gian ở bên gia đình, cùng vào bếp và điều này đã làm thay đổi không ít những thói quen theo hướng tích cực. Chắc chắn không chỉ ở thời điểm dịch, mà sau khi dịch kết thúc, mỗi thành viên trong gia đình sẽ ý thức hơn về giá trị của sự sum vầy, cùng vun đắp để tạo ra những giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Ngọc Quốc