Báo Công An Đà Nẵng

Ấm áp nghĩa tình ở Trường Hoàng Hoa Thám

Thứ ba, 14/11/2017 10:13

Lẽ thường, khi đề cử cá nhân tham gia xét một giải thưởng nào đó liên quan đến nhà giáo, tập thể sư phạm nhà trường sẽ ưu tiên chọn "cây đa", "cây đề" có nhiều đóng góp trong công tác giảng dạy ở các bộ môn chủ lực. Vậy nhưng, trong đợt đề cử cá nhân tham gia xét giải thưởng Võ Trường Toản lần đầu tiên mở rộng ra địa bàn TP Đà Nẵng năm 2016, các Tổ chuyên môn trường THPT Hoàng Hoa Thám đều đồng lòng đề cử một giáo viên dạy môn thể dục. Điều này, khiến tôi tò mò tìm hiểu thì phát hiện thêm ở ngôi trường này có nhiều điều rất thi vị....

Học trò chúc mừng thầy Duy Tân được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2016.    Ảnh: P.T

Thắm đượm tình đồng nghiệp

Nhớ lại giây phút được tập thể nhất trí đề cử, thầy Đặng Trần Duy Tân xúc động: "Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất trong 21 năm đi dạy của tôi. Không phải chỉ vì niềm vinh dự nhận được giải thưởng này, mà còn bởi tình cảm, sự ghi nhận của đồng nghiệp dành cho mình. Trường THPT Hoàng Hoa Thám có đội ngũ giáo viên "cây đa", "cây đề" các môn chủ lực: Toán, Lý, Hóa, Văn không ít. Vì thế, sự tín nhiệm mà tập thể sư phạm dành cho với tôi thật chẳng có gì đáng trân quý bằng!". Càng tìm hiểu, tôi càng trân trọng tình đồng nghiệp, sự công tâm, tinh thần đoàn kết của tập thể nhà giáo Trường THPT Hoàng Hoa Thám bấy nhiêu.

Tốt nghiệp ĐH Thể thao 2 TP Hồ Chí Minh năm 1996, thầy Tân xin về dạy tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner hai năm rồi thi tuyển công chức và được phân về dạy tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám. 19 năm gắn bó dưới mái trường THPT Hoàng Hoa Thám, thầy đã có rất nhiều đóng góp trong việc đưa phong trào TDTT của trường trở thành một trong những đơn vị mạnh của ngành GD-ĐT TP. Thầy được học trò, phụ huynh và đồng nghiệp yêu mến, tín nhiệm cả trong chuyên môn lẫn trong đạo đức nghề nghiệp. Với quan niệm dạy TDTT là dạy kỹ năng, thầy Tân luôn có phương pháp dạy khiến học trò thích thú khi học bộ môn vốn được xem là phụ này. Có nữ sinh khổ sở về sự cân nặng, mặc áo dài không đẹp, nhờ thầy hướng dẫn bài tập giảm cân. Không chỉ đưa ra bài tập, thầy còn thường xuyên yêu cầu nữ sinh đó cung cấp các thông số để có sự điều chỉnh khối lượng bài tập phục vụ cho việc giảm cân. Kiên trì luyện tập theo bài tập do thầy chỉ dẫn, em nữ sinh đó đã giảm được cân, mặc áo dài duyên dáng hẳn ra. Khi Bộ GD-ĐT triển khai dạy- học tự chọn đối với môn thể dục, nhiều HS đăng ký học các môn bóng rổ, bóng đá... do thầy Tân phụ trách. Em Thanh Bảo (HS lớp 11/2) tâm sự: "Thầy Tân rất tâm huyết, nhiệt tình, am hiểu nhiều kiến thức và có phương pháp dạy thể dục rất hay. Học giờ thầy rất thú vị. Đặc biệt, thầy rất yêu cây xanh, có tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ môi trường".

Một trong những điều khiến HS kính trọng thầy Tân còn ở thái độ nghiêm túc, nêu cao vai trò làm gương. Bao giờ thầy cũng đến trước HS từ 10-15 phút để chuẩn bị dụng cụ thể thao. "Đối với một người thầy dạy thể dục, nếu đi đúng giờ là coi như đã đi trễ. Bởi, nếu đi đúng như giờ HS, đến nơi mở cửa phòng tập rồi chuẩn bị dụng cụ sẽ lâu, ảnh hưởng giờ dạy. Các em sẽ không học tập gì ở người thầy ngoài sự ca thán khi bị nhờ đi lấy cái này, cái kia. Mình đi sớm, chuẩn bị dụng cụ, các em đến thấy thế sẽ học được ý thức trách nhiệm, tự giác giúp thầy", thầy Tân chia sẻ.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám Nguyễn Quang Hưng, không chỉ giỏi chuyên môn, có nhiều đóng góp trong việc mang về cho trường nhiều giải thưởng phong trào TDTT, thầy Tân còn là người không nề hà bất cứ công việc gì của nhà trường. Đi công tác thấy cây xanh đẹp, thầy bỏ tiền túi ra mua về trồng trong sân trường, thấy cây xanh trong sân trường không may bị héo chết, thầy lẳng lặng bỏ tiền túi ra mua cây khác về trồng lại…

Cựu HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám về thăm trường cũ.    Ảnh: P.T

Nơi yêu thương quay về

Trò chuyện, Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hưng xúc động: "Về trường chưa được 2 năm, tôi phát hiện ở ngôi trường này có nhiều điều rất hay. Một trong những điều hay ấy chính là sự đóng góp lặng thầm của đội ngũ cựu giáo chức, cựu HS đối với phong trào khuyến học của trường". Lời tâm sự đó khiến tôi nhớ cách đây 4 năm khi trường chuẩn kỷ niệm 50 năm thành lập, thầy Phan Văn Tánh - nguyên Hiệu trưởng đã nghỉ hưu, cho biết toàn bộ các công trình chào mừng kỷ niệm đều ghi lại dấu ấn sự đóng góp, hỗ trợ của cựu HS.

Với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", nhiều năm qua, các thế hệ cựu HS âm thầm cùng các thầy cô, cựu giáo chức chăm lo, khích lệ phong trào khuyến học, hỗ trợ kinh phí, hiện vật cho trường THPT Hoàng Hoa Thám. Mới đây, có cựu HS về thăm, thấy khuôn viên sau trường chưa được đầu tư nên hỗ trợ kinh phí để cải tạo, tráng xi măng làm đường chạy cho HS tập thể dục; đồng thời hỗ trợ cây xanh, âm thanh, phông màn, nhà bạt phục vụ lễ chào cờ, cho các hoạt động của Đoàn trường… với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Thông qua nhiều kênh khác nhau, cựu giáo chức và cựu HS đã đóng góp, hỗ trợ cho quỹ khuyến học trường với số tiền trên 520 triệu đồng. Trong năm học 2016-2017, quỹ khuyến học đã trao tặng 437 suất học bổng với số tiền gần 205 triệu đồng cho các em HS có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích tốt trong học tập, HS đạt các giải tại các cuộc thi học sinh giỏi cấp TP, quốc gia...

Một điều đặc biệt nữa, nhiều cựu HS khi biết tin thầy cô chủ nhiệm cũ sắp về hưu đã về trường dự lễ chia tay, thông qua đó tặng học bổng. Để rồi từ đó, thầy cô trở thành cầu nối giữa cựu HS với nhà trường, đưa phong trào khuyến học của trường phát triển mạnh. Không chỉ hỗ trợ cho quỹ khuyến học trường, cựu HS còn hỗ trợ quỹ "Ân tình Đông Giang- Hoàng Hoa Thám" của cựu giáo chức để giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ những HS có thành tích tốt trong từng bộ môn. Trong phong trào khuyến học của cựu giáo chức, nổi bật là tấm lòng các thầy cô: cô Ba, cô Quỳnh Hoa, cô Chanh, cô Hiệp, cô Sáu, cô Hoàng, thầy Sở, thầy Nguyễn Bách… Bản thân thầy Bách trước, sau khi về hưu đã vận động được học bổng cho HS có hoàn cảnh khó khăn trong suốt thời gian các em theo học tại trường.

Những việc làm ấm áp nghĩa tình ấy đã góp phần khắc họa tình đồng nghiệp, tình thầy trò trường THPT Hoàng Hoa Thám rất sâu đậm. Vì những lẽ đó nên khi rời xa, nhiều thế hệ cựu giáo chức, cựu HS luôn hướng về trường xưa, thầy cũ bằng tất cả tấm lòng.

P.THỦY