Ấm áp tình người trong lũ dữ
Sau 3 ngày ngập lụt, đến nay hầu hết tại các địa phương của Nghệ An nước đã rút chỉ còn một số xã vùng trũng, thấp còn ngập nước. Nhiều đoàn cứu trợ của các cơ quan trong tỉnh, ở các tỉnh, đặc biệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình... cùng hướng về bà con vùng lũ Nghệ An. Những hình ảnh trao quà, nhu yếu phẩm cho bà con đang bị cô lập thấm đẫm tình người trong khó khăn, hoạn nạn.
CAH Anh Sơn khắc phục hậu quả lũ lụt tại trường học. |
7 người chết và mất tích
Trận mưa lũ này, toàn tỉnh Nghệ An có gần 20 nghìn nhà bị ảnh hưởng trong đó có hơn 14.500 nhà bị ngập, 4.500 hộ dân phải di dời do ngập lụt và sạt lở đất, 6 nhà bị sập, 84 nhà bị hư hỏng và 803 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Đặc biệt, mưa lũ đã làm 5 người chết, trong đó H. Anh Sơn có 3 em Nguyễn Trọng Huy (2005, trú xã Lĩnh Sơn), em Vi Bảo Tuấn (2007, trú xã Phúc Sơn) và em Lê Thị Thanh Tâm (2012, trú xã Tào Sơn); H. Nam Đàn có 2 người là Trần Thị Đức (1991, trú xã Khánh Sơn), em Phạm Văn Phúc (2003, trú xã Nam Thanh). Ngoài ra, có 2 người mất tích gồm anh Trần Công Thế (1995, trú xã Thanh An, H. Thanh Chương) và anh Nguyễn Văn Quảng (1994, trú xã Lĩnh Sơn. H. Anh Sơn); 3 người bị thương (H. Thanh Chương: 2 người; H. Anh Sơn:1 người)
Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND H. Thanh Chương cho biết, huyện là một trong những địa phương chịu ngập lụt nặng nhất. Hiện tại nước đã rút nhưng một số xã ở vùng trũng thấp như: Thanh Tùng, Thanh Lâm, Thanh Mai, Thanh Xuân, Thanh Hà, Thanh Long… vẫn bị ngập sâu và cô lập. Bên cạnh đó, xã Thanh Mỹ QL46B đoạn qua núi Nguộc tiếp tục sạt lở, hiện đang tiếp tục cấm đường để lên khắc phục, sớm thông tuyến trở lại. Xã Thanh Mỹ được xem là vùng bị ngập lụt nặng nề của huyện Thanh Chương. Trận lũ vừa qua đã làm 800 ngôi nhà chìm trong nước, hơn 300 gia đình phải sơ tán đến nơi cao ráo. Đến nay, nước cơ bản rút, tuy nhiên một số tuyến giao thông vẫn đang bị chia cắt bởi sạt lở, gây xói mòn. Đặc biệt, chiếc cầu Khe Liễu, nằm trên trục chính vào trung tâm xã này bất ngờ bị sập. Sau khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương huy động các lực lượng công an, Ban chỉ huy quân sự xã cắm biển báo nguy hiểm, ngăn cấm, không cho người qua lại trên tuyến đường này.
Tại H. Hưng Nguyên, 7 xã vùng dọc sông Lam và 3 xã vùng trũng Hưng Nguyên đã bị ngập sâu khiến 5.000 hộ dân với khoảng 20.000 người bị cô lập. Hàng nghìn con gia cầm bị chết, hơn 1.000 ha diện tích rau màu vụ đông và cá chuyên canh, cá vụ 3 bị ngập sâu trong nước, thiệt hại rất lớn.
Còn H. Yên Thành, do mưa lớn những ngày qua, nước từ sông Vũ Giang và Biên Hòa dâng cao khiến 29 xã trên địa bàn bị ngập nước. Có những khu dân cư, nước ngập sâu trên 2m. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện đã có 5.551 hộ của 77 xóm, trên địa bàn 29 xã bị ngập nước...
CAH Thanh Chương giúp dân dọn dẹp nhà cửa. |
Ấm áp tình người
Sau khi nghe tin nhiều nhà dân ở Nghệ An bị ngập lụt, nhiều đoàn thiện nguyện của các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là Hà Tĩnh, Quảng Bình... đã hướng về bà con vùng lũ Nghệ An. Đó là những chuyến xe tải chở lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết vào vùng lũ, những chuyến xe nghĩa tình như một lời tri ân của bà con Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ vừa qua gửi đến bà con Nghệ An. Bởi với họ, những hình ảnh người dân các địa phương tại Nghệ An thức đêm, gói bánh chưng, chuyển các nhu yếu phẩm vào Hà Tĩnh, Quảng Bình thực sự rất xúc động.
Bên cạnh hỗ trợ về mặt vật chất, Công an các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn... các lực lượng quân đội như BĐBP Nghệ An, Quân Khu IV đã cử lực lượng về giúp các trường học, bà con dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả lũ lụt.
Ngày 1-11, ông Lê Thành Đông – Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh làm trưởng đoàn đã có mặt tại Tỉnh đoàn Nghệ An để hỗ trợ 1 xuồng máy, 1 ca-nô, 100 phần quà gồm các loại nhu yếu phẩm cho bà con nhân dân vùng bị ngập lụt. Tỉnh đoàn Nghệ An, CAH Nghi Lộc, CAH Thanh Chương, CAH Anh Sơn, CAH Đô Lương... cùng nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng đã trao nhiều suất quà gồm mì tôm, nước uống, sữa, áo phao... cho bà con vùng lũ tại các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc.
Nhiều đoàn cứu trợ về với bà con vùng lũ. |
Nước rút cũng là thời điểm nhiều ngôi nhà ngập chìm trong bùn, đất. Bà Hoàng Thị Ngọ (67 tuổi, trú xã Thanh Đức, H. Thanh Chương) trở về nhà sau một đêm tránh lũ đã không còn đứng vững khi nhìn thấy những vật dụng trong nhà chìm trong đống bùn non. Cách đây một năm, bà Ngọ bị gãy chân, đi lại khó khăn. Con cái đều đi làm xa hết nên không ai đỡ đần việc nhà. “Nước lên quá nhanh. Từ trận lũ lịch sử năm 1978 đến nay tôi mới thấy lũ lên cao như vậy. Nước lên cả mét, tôi vội vàng lên ủy ban xã tránh trú, khi trở về thì nhìn nhà cửa tan hoang” – bà Ngọ buồn bã.
Ông Hoàng Phạm Thọ - chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, H. Thanh Chương cho biết: Hai ngày qua, xã Thanh Mỹ cũng được nhiều đoàn cứu trợ vào phát nhu yếu phẩm, lương thực cho bà con. Xã cũng đã phối hợp với các lực lượng, các nhà hảo tâm khảo sát, phân bổ và trao mì tôm, sữa, nước sạch... cho các hộ gia đình bị ngập nhằm giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.
Dương Hóa