Âm ỉ "cuộc chiến mạng" ở ASEAN Cup 2024
Một trong những vấn đề được nêu nhiều nhất trong "cuộc chiến miệng" này là bàn mở tỷ số của Thái Lan ở phút 37 của trận bán kết lượt về. Tranh cãi nổ ra bởi qua màn ảnh truyền hình, mọi người đều thấy bóng đã đi qua đường biên ngang, trước khi nó được Seksan Ratree chuyền vào vòng cấm cho Peeradol ghi bàn. Tuy nhiên, bàn thắng này đã được trọng tài công nhận mà không cần kiểm tra VAR.
"Bàn thua đầy tranh cãi này đã mở ra bước ngoặt của trận đấu cho chủ nhà Thái Lan, dù đội bóng của chúng ta đã thi đấu rất nỗ lực sau đó", tờ GMA viết. Ngoài ra, người hâm mộ Philippines cho rằng trọng tài người Nhật Bản, Kimura có lẽ đã nương tay cho đội bóng của người đồng hương là HLV Masatada Ishii bên phía Thái Lan. Chưa hết, "trận này Thái Lan chơi rất thô bạo vào phạm lỗi đến 24 lần, nhưng trọng tài chỉ rút ra có 5 thẻ vàng cho họ".
Sau bàn thắng gây tranh cãi ấy, Thái Lan tiếp tục nâng tỷ số lên 2-0, trước khi bị Philippines rút ngắn cách biệt 1-2. Với kết quả hòa 3-3 chung cuộc, hai đội đã bước vào hiệp phụ và Suphanat Muenta đã có bàn thắng ở hiệp phụ thứ 2, đưa Thái Lan thắng chung cuộc 4-3 để vào chung kết gặp Việt Nam.
Không chịu "mang tiếng", báo chí Thái Lan cũng đã đưa ra bằng chứng biện minh cho bàn thắng của đội nhà hoàn toàn hợp lệ. Theo đó, tờ Mainstand đã dựng lên hình ảnh 3D của trái bóng ở thời điểm Seksan Ratree chuyền cho Peeradol ghi bàn và khẳng định, một phần quả bóng vẫn còn nằm trong sân. Giới truyền thông và người hâm mộ xứ Chùa vàng cũng ra sức minh oan cho đội nhà, đồng thời cho biết, đội tuyển Thái Lan không hề được hưởng lợi từ trọng tài.
Các CĐV trung lập, trong đó có Việt Nam cũng tham gia sôi nổi vào tình huống được xem là bước ngoặt của trận bán kết lượt về này. Diễn đàn mạng quốc tế cũng vào cuộc và khán giả nào đó đã "chế" lại bức ảnh được chụp qua màn hình để khẳng định trọng tài "đúng". Theo đó, đường biên ngang của sân Rajamangala được "chế" lại tạo thành 1 vòng cung ôm gọn trái bóng để "khẳng định", bóng chưa đi hết đường biên ngang nên bàn thắng là hợp lệ.
Một tình huống cũng được giới bàn phím mang ra chế nhạo gắn với hình ảnh HLV Masatada Ishii chứng minh rằng "Voi chiến" đã tận dụng mọi "chiêu" để thoát khỏi cảnh bị Philippines "hạ nhục" lần nữa. Đó là giây phút lúc thủ môn Quincy Kammeraad đang chuẩn bị thực hiện tình huống đá phạt ở phút cuối trận để phát động đợt tấn công cuối cùng cho Philippines, HLV Masatada Ishii đã lao thẳng vào sân, phàn nàn với trọng tài… để "câu giờ".
Với những trận đấu có mặt đội tuyển Việt Nam, tuy không xôn xao bằng nhưng cũng không thoát khỏi miệng lưỡi thế giới mạng. Tình huống Ramli đã đánh đầu đưa bóng vào lưới đội tuyển Việt Nam ở phút thứ 10 trong trận bán kết lượt về ở sân Việt Trì mà trọng tài không công nhận cũng được mổ xẻ, tiếp đó là màn hậu vệ Singapore "xé áo" Xuân Son. Nhưng, ồn ào chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, bởi dân mạng buộc phải chịu "tắt tiếng" khi xem lại VAR, hay nói đúng hơn là tỷ số 5-1 cách biệt là minh chứng cho sự vượt trội khiến "những người lắm chuyện" phải tâm phục khẩu phục. Nếu như cách biệt chỉ tối thiểu, lúc ấy mọi chuyện sẽ khác hơn rất nhiều với cư dân mạng, đặc biệt là từ phía những đội thất bại.
Việc VAR vào cuộc và thuê trọng tài trung lập ở ASEAN Cup 2024 đã giúp cho các trận đấu trở nên công bằng, minh bạch hơn trong các tình huống. Nhưng cái cách mà VAR hay trọng tài mỗi trận xử lý mỗi khác là mớ bùi nhùi dễ bắt lửa ấm ức của nhiều đội tuyển và người hâm mộ có cái để moi móc. Cũng tình huống kéo áo trong vòng cấm, nhưng trận bán kết đi trên đất Singapore trọng tài coi như không thấy. Vì vậy, giả thuyết nếu như cái áo của Xuân Son không rách ở trận bán kết lượt về, trọng tài liệu có cho đội tuyển Việt Nam hưởng quả penalty ở phút 45 + 1?
ASEAN Cup 2024 đã đến hồi kết, sau 2 điểm nhấn 2-1 và 5-1 tới. Liệu có thêm "bê bối" nào xảy ra nữa để dân mạng có đất canh tác?
S.T